1. Xin hỏi, khi khởi kiện tại tòa án, các giấy tờ kèm theo đơn khởi kiện có nhất thiết phải là bản chính hay không? (Ánh Hồng, Quận Tân Bình)

Trả lời: Với câu hỏi của bạn, Luật sư Công ty Luật CIS trả lời như sau:

BLTTDS không quy định tòa án chỉ được thụ lý vụ án nếu đương sự nộp chứng cứ là bản chính hay bản sao có chứng thực. Căn cứ theo Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP, chỉ cần khi khởi kiện nguyên đơn giao nộp được chứng cứ ban đầu làm cơ sở cho yêu cầu của mình là đủ. Sau đó, trong quá trình tòa giải quyết, người khởi kiện sẽ cung cấp, bổ sung thêm chứng cứ theo yêu cầu của tòa. Yếu tố bản chính hay bản sao chỉ là cơ sở để tòa đánh giá tính hợp pháp của chứng cứ, từ đó làm căn cứ giải quyết vụ kiện mà thôi.

Như vậy, ban đầu bạn có thể nộp các chứng cứ bằng bản sao để tòa thụ lý. Tuy nhiên, sau đó bạn nên bổ sung chứng cứ là bản chính hay bản sao có chứng thực vì theo quy định tại khoản 1 điều 83 BLTTDS 2005 khi xác định tính hợp pháp của chứng cứ thì: “Các tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.”

Trên thực tế, bản sao chứng cứ nếu không có bản chính để đối chiếu thì sẽ bị coi là không có giá trị chứng minh, tức là trong quá trình giải quyết án sau đó, đương sự khó có thể được tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện.

Trong trường hợp có bất kỳ vấn đề gì chưa rõ, bạn có thể liên hệ với công ty chúng tôi.

LS. CIS Law Firm

2. Một cá nhân góp vốn vào Công ty bằng tài sản của mình bao gồm ô tô, xe nâng hàng .. và một số tài sản không đăng ký quyền sở hữu như : Nhà kho, máy nén khí ,….  Tôi mong được Luật sư tư vấn tôi hoàn tất thủ tục pháp lý để các tài sản trên được xác định là tài sản hợp pháp của công ty do nhận góp vốn và được khấu trừ chi phí khấu hao khi xác định thuế TNDN.

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời: Đối với câu hỏi của bạn, Luật sư Công ty Luật CIS trả lời như sau:

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tài sản góp vốn vào công ty được thực hiện như sau:

  • Đối với tài sản có đăng ký (ô tô,…) hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì bạn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản.

Biên bản giao nhận phải ghi rõ tên và địa chỉ trụ sở chính của công ty; họ, tên, địa chỉ thường trú, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác, số quyết định thành lập hoặc đăng ký của người góp vốn; loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn; tổng giá trị tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty; ngày giao nhận; chữ ký của người góp vốn hoặc đại diện theo uỷ quyền của người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của công ty;

Việc góp vốn bằng tài sản không phải là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty (theo cách thức như đã đề cập trên), khi đó công ty được quyền trích khấu hao tài sản theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn lưu ý với bạn nội dung sau, theo quy định của pháp luật hiện hành:

  • Tài sản góp vốn không phải là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá.
  • Tài sản góp vốn khi thành lập công ty phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí; nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập liên đới chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bằng số chênh lệch giữa giá trị được định và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá.
  • Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do công ty và người góp vốn thoả thuận định giá hoặc do một tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và doanh nghiệp chấp thuận; nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn hoặc tổ chức định giá và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cùng liên đới chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bằng số chênh lệch giữa giá trị được định và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá.

Hi vọng câu trả lời trên đáp giải mắc được thắc mắc của bạn. Trong trường hợp cần hỗ trợ, bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi.

LS. CIS Law Firm

3. Hiện nay, công ty em làm việc đang có 1 trụ sở tại Singapore (SX và Kinh doanh rèm cửa). Nay công ty muốn đầu tư sang Việt Nam, thì với hình thức thành lập loại hình Kinh doanh nào là tiện nhất. ( Giấy phép đầu tư, giấy phép Kinh doanh thành lập chi nhánh, thành lập văn phòng Đại diện). Theo em tìm hiệu thì thủ tục xin giấy phép đầu tư khá là phức tạp, còn trường hợp mình thanh lập CTY TNHH có góp vốn của người nước ngoài và bổ nhiệm người NN làm đại diện theo pháp luật có được không? Và cho em xin hỏi thêm về giới hạn hoạt động của chi nhánh và Văn phòng đại diện.

Trả lời: Đối với câu hỏi của bạn, Luật sư Công ty Luật CIS trả lời như sau:

Công ty bạn ở Singapore đầu tư vào Việt Nam thì có thể hoạt động dưới các hình thức sau:

  1. Công ty ở Singapore đầu tư toàn bộ vốn để thành lập công ty tại Việt Nam dưới loại hình Công ty TNHH một thành viên;
  2. Công ty ở Singapore góp vốn cùng (các) tổ chức, cá nhân Việt Nam hay nước ngoài thành lập công ty tại Việt Nam dưới hình thức Công ty TNHH từ hai thành viên trở lên (đến 50 thành viên), Công ty hợp danh, Công ty cổ phần (tối thiểu 3 cổ đông).
  3. Công ty ở Singapore thành lập Chi nhánh của công ty Singapore tại Việt Nam;
  4. Công ty ở Singapore thành lập Văn phòng đại diện của công ty Singapore tại Việt Nam.

Vì vậy Công ty bạn ở Singapore hoàn toàn có thể thành lập một Công ty TNHH tại Việt Nam có vốn góp của người nước ngoài và bổ nhiệm người nước ngoài làm đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, chúng tôi muốn lưu ý rằng, theo quy định của pháp luật Việt Nam, Người đại diện theo pháp luật phải thường trú tại Việt Nam.

Về phạm vi hoạt động của văn phòng đại diện và chi nhánh: Văn phòng đại diện và chi nhánh đều là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp; doanh nghiệp chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của văn phòng đại diện và chi nhánh.

–         Văn phòng đại diện có các chức năng sau: Thực hiện chức năng văn phòng liên lạc; Xúc tiến xây dựng các dự án hợp tác của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; Nghiên cứu thị trường để thúc đẩy cơ hội mua bán hàng hoá, cung ứng và tiêu dùng dịch vụ thương mại của thương nhân mà mình đại diện; Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các hợp đồng đã ký kết với các đối tác Việt Nam hoặc liên quan đến thị trường Việt Nam của thương nhân nước ngoài mà mình đại diện.

–          Chi nhánh được quyền thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo uỷ quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải phù hợp với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.

Hy vọng câu trả lời trên giải đáp được những thắc mắc của bạn. Trong trường hợp cần hỗ trợ, bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi.

LS. CIS Law Firm

4. Công ty chúng tôi là Công ty Cổ phần Công nghệ và Thiết bị Việt Mỹ mới được thành lập tháng 12 năm 2013. Bây giờ muốn làm thủ tục thay đổi trụ sở chính và cổ đông sáng lập của công ty cùng một lúc có đươc không? Thủ tục để thay đổi ra sao?

Rất mong nhận đươc sự tư vấn giúp đỡ của các luật sư và toàn thể mọi người tham gia diễn đàn

Trân trọng cảm ơn!

Trả lời: Đối với câu hỏi của bạn, Luật sư của Công ty Luật C I S trả lời như sau:

Theo quy định, công ty của bạn có thể làm thủ tục thay đổi trụ sở công ty và thay đổi cổ đông  sáng lập cùng một lúc.

Vì thông tin bạn cho chưa rõ là công ty của bạn muốn thay đổi trụ sở chính trong phạm vi một tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hay không nên chúng tôi chia hai trường hợp:

Trường hợp 1, Công ty của bạn chuyển địa chỉ trụ sở chính đến nơi khác trong phạm vi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đã đăng ký.

Công ty bạn gửi Thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh. Kèm theo thông báo phải có quyết định bằng văn bản và bản sao biên bản họp của của Đại hội đồng cổ đông của công ty về việc thay đổi địa chỉ trụ sở chính và  Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Quyết định, biên bản họp phải ghi rõ những nội dung được sửa đổi trong Điều lệ công ty.

Trường hợp 2, Công ty của bạn chuyển địa chỉ trụ sở chính sang tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương khác, thì trước khi đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở chính, công ty của bạn phải thực hiện các thủ tục với cơ quan thuế liên quan đến việc chuyển địa điểm theo quy định của pháp luật về thuế. Sau đó, Công ty của bạn cần gửi Thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi dự định đặt trụ sở mới, kèm theo Thông báo phải có bản sao Điều lệ đã sửa đổi của công ty, danh sách cổ đông sáng lập, quyết định và bản sao biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông của công ty về việc thay đổi địa chỉ trụ sở chính của Đại hội đồng cổ đông và Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

 Đối với hồ sơ thay đổi cổ đông sáng lập, do công ty của bạn được thành lập từ tháng 12/2013 đến nay vẫn trong thời hạn 3 năm kể từ ngày thành lập. Vì vậy, muốn thay đổi cổ đông sáng lập, công ty bạn phải thông báo với Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đã đăng ký kinh doanh.

Việc thay đổi cổ đông sáng lập trong công ty cổ phần có thể thuộc 1 trong 2 trường hợp sau:

–         Thay đổi cổ đông sáng lập do chuyển nhượng cổ phần (Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông). Trong trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó và người nhận chuyển nhượng đương nhiên trở thành cổ đông sáng lập của công ty) hoặc tăng cho phần vốn góp.

–         Thay đổi cổ đông sáng lập do không thực hiện cam kết góp vốn theo khoản 3 điều 84 Luật Doanh nghiệp (không thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh)

Vậy, theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi nhận định rằng, trường hợp bạn đang đề cập thuộc trường hợp 1 (cổ đông sáng lập chuyển nhượng hoặc tặng cho cổ phần). Trong trường hợp này, Công ty bạn gửi Thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi Công ty bạn đã đăng ký kinh doanh. Kèm theo thông báo phải có Quyết định và Bản sao biên bản họp về việc thay đổi cổ đông sáng lập của Đại hội đồng cổ đông. Biên bản và quyết định phải ghi rõ những nội dung được thay đổi trong Điều lệ công ty; Danh sách các cổ đông sáng lập khi đã thay đổi; Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và các giấy tờ chứng thực việc hoàn tất chuyển nhượng hoặc hợp đồng tặng cho cổ phần; Bản sao hợp lệ giấy tờ chứng thực cá nhân hoặc pháp nhân còn hiệu lực của cổ đông sáng lập mới (CMND, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp); và Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Bạn.

Hy vọng câu trả lời trên giải đáp được những thắc mắc của bạn. Trong trường hợp cần hỗ trợ, bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi.

Ls. CIS Law Firm.

5. Tôi được một Công ty cổ phần A thuê làm Giám đốc đồng thời là người đại diện theo pháp luật của công ty. Do một số lý do chủ quan và khách quan nên tôi phải đi công tác nước ngoài dài ngày và để phát huy hết trách nhiệm, vai trò của một Giám đốc nhằm đảm bảo quyền lợi tối đa cho một người lao động được quy định trong hợp đồng thuê Giám đốc, tôi muốn ủy quyền cho người khác thay tôi đảm trách vị trí Giám đốc trong một thời gian nhất định. Xin hỏi, pháp luật có cho phép? Thủ tục thực hiện ra sao?

Trả lời: Đối với câu hỏi của Ông, Luật sư của Công ty Luật CIS trả lời như sau: Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 thì “Người đại diện theo pháp luật của công ty phải thường trú ở Việt Nam; trong trường hợp vắng mặt trên 30 ngày ở Việt Nam thì phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác theo quy định tại Điều lệ công ty để thực hiện các quyền và nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty”.

Song song đó, Giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao. Do vậy, khi Ông không thể trực tiếp điều hành công việc kinh doanh hàng ngày thì Ông có thể ủy quyền cho người khác thay mặt Ông điều hành, đồng thời văn bản ủy quyền phải được gửi Hội đồng quản trị/Ban kiểm soát công ty (để thông báo/báo cáo) và các bộ phận trong công ty (để thực hiện), trừ trường hợp điều lệ công ty Ông có quy định khác.

Hy vọng câu trả lời trên giải đáp được những thắc mắc của Ông. Trong trường hợp cần hỗ trợ, Ông vui lòng liên hệ với chúng tôi.

Ls. CIS Law Firm.

6. Tôi cùng một người bạn – quốc tịch Mỹ muốn thành lập công ty kinh doanh ngành nghề sản xuất phần mềm. Vậy tôi phải làm gì? Nộp hồ sơ ở đâu, thời gian bao lâu? Sau này, tôi có thể bổ sung thêm ngành nghề khác được không? Xin cảm ơn.

(Nguyễn Văn Lê – Quận 1, TP. HCM).

Trả lời: Bạn và người bạn muốn thành lập công ty kinh doanh ngành nghề sản xuất phần mềm thì có thể lựa chọn hình thức kinh doanh là Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên. Ngành nghề sản xuất phần mềm không thuộc trường hợp phải có chứng chỉ hành nghề và không phải có vốn pháp định trước khi kinh doanh.

Công ty bạn có phần vốn góp của người nước ngoài nên cần phải làm thủ tục lập dự án đầu tư và thủ tục Cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Do ngành nghề kinh doanh bạn muốn kinh doanh không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì thế nếu công ty thành lập vốn dưới 300 tỷ đồng thì thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thủ tục thẩm tra đầu tư nếu vốn từ 300 tỷ đồng trở lên.

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì công ty bạn vẫn có thể bổ sung thêm ngành nghề bằng cách thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư. Tùy theo ngành nghề bổ sung mà làm thủ tục đăng ký điều chỉnh hoặc thủ tục thẩm tra điều chỉnh.

Trong trường hợp có bất kỳ vấn đề gì chưa rõ, bạn có thể liên hệ để được hỗ trợ thêm thông qua Dịch vụ tư vấn đầu tư của Chúng tôi.

7. Tôi cùng một người bạn tên Thành thành lập công ty. Tôi góp 2 tỉ bằng tiền mặt, Thành góp vốn bằng ngôi nhà của mình để làm văn phòng giao dịch, được thỏa thuận định giá là 1 tỷ mặc dù hiện tại có giá khoảng 500 triệu (vì theo quy hoạch đến cuối năm 2012 sẽ có một con đường lớn mở trước nhà). Chúng tôi đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Mặc dù cuối năm 2012 con đường đã làm xong nhưng do thị trường bất động sản đang “đóng băng” do đó giá ngôi nhà của Thành không lên cao như mong đợi. Với tình hình như trên, công ty và tôi có quyền yêu cầu Thành phải trả thêm tiền để bù đắp phần chênh lệch giữa giá trị tài sản theo định giá và theo thực tế hay không? Xin cảm ơn.

(Công ty Thành Hưng, Quận Tân Phú, TP. HCM).

Trả lời: Theo quy định Luật Doanh nghiệp 2005 thì: Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên định giá theo nguyên tắc nhất trí; nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên liên đới chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bằng số chênh lệch giữa giá trị được định và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá.

Bạn và Thành đã thống nhất định giá giá trị căn nhà 1 tỷ là tài sản góp vốn của Thành nên Công ty và bạn không có quyền yêu cầu Thành phải trả thêm tiền để bù đắp phần chênh lệch giữa giá trị tài sản theo định giá và theo thực tế.

Trong trường hợp có bất kỳ vấn đề gì chưa rõ, bạn có thể liên hệ để được hỗ trợ thêm thông qua Dịch vụ tư vấn thành lập doanh nghiệp và quản trị nội bộ của Chúng tôi.

8. Tháng 10/2011, tôi cùng 2 người bạn là A và B góp vốn thành lập công ty cổ phần, trụ sở chính tại TP.HCM. Sau 12 tháng kể từ khi thành lập, nay A sắp đi định cư ở nước ngoài và muốn rút vốn. Vậy công ty tôi phải làm gì?

(Trần Văn Trung – Quận Gò Vấp, TP. HCM)

Trả lời: Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 thì A không được quyền rút vốn ra khỏi công ty dưới mọi hình thức. A chỉ có thể chuyển nhượng phần vốn đã góp cho người khác. Như vậy, lúc này có thể xảy ra 2 trường hợp:

Thứ nhất, A chuyển nhượng phần vốn góp cho bạn hoặc/và B

Đối với trường hợp này, công ty chỉ còn 2 cổ đông, theo quy định của pháp luật, số lượng cổ đông tối thiểu của công ty cổ phần là ba cổ đông. Vì vậy, công ty cổ phần của bạn phải thực hiện thủ tục chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên.

Hồ sơ đăng ký chuyển đổi được gửi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, bao gồm:

1.  Giấy đề nghị chuyển đổi doanh nghiệp;

2.  Quyết định của Đại hội đồng cổ đông về việc chuyển đổi công ty;

3. Biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông về việc chuyển đổi công ty;

4. Điều lệ công ty TNHH 2 TV trở lên sau khi chuyển đổi;

5. Danh sách thành viên công ty TNHH 2TV trở lên;

6. Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực của tất cả thành viên, người đại diện theo pháp luật;

7. Hợp đồng chuyển nhượng phần cổ phần hoặc thoả thuận góp vốn đầu tư;

8. Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Thứ hai, A chuyển nhượng phần vốn góp cho người khác không phải là cổ đông hiện hữu

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng do công ty được vừa được thành lập hồi tháng 10/2011, nên A chỉ có thể chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông khi có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

Đối với trường hợp này, công ty bạn phải thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông sáng lập. Hồ sơ đăng ký chuyển đổi được gửi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, bao gồm:

1. Thông báo thay đổi cổ đông sáng lập;

2. Quyết định bằng văn bản về việc thay đổi cổ đông sáng lập của Đại hội đồng cổ đông;

3. Bản sao biên bản họp về việc thay đổi cổ đông sáng lập của Đại hội đồng cổ đông;

4. Danh sách các cổ đông sáng lập khi đã thay đổi;

5. Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và các giấy tờ chứng thực việc hoàn tất chuyển nhượng;

6. Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân hoặc pháp nhân còn hiệu lực của cổ đông sáng lập mới:

7. Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trong trường hợp có bất kỳ vấn đề gì chưa rõ, bạn có thể liên hệ để được hỗ trợ thêm thông qua Dịch vụ tư vấn thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh của Chúng tôi.

9. Công ty tôi là công ty TNHH đặt trụ sở chính ở quận Tân Bình, nay do tình hình kinh tế khó khăn, tôi muốn tạm ngưng hoạt động kinh doanh 12 tháng, vậy tôi có cần phải làm thủ tục gì không? Trong thời gian tạm ngừng, công ty có nghĩa vụ kê khai thuế không? Sau khi hết thời gian tạm ngưng hoạt động, có phải làm thủ tục như đăng ký doanh nghiệp lại không? Xin cảm ơn.

(Lê Hữu Nam – Quận Tân Bình, TP. HCM)       

Trả lời: Căn cứ Luật Doanh nghiệp và Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, công ty có quyền tạm ngừng kinh doanh. Khi tạm ngừng hoạt động kinh doanh thì công ty bạn có nghĩa vụ thông báo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM (trong vòng 15 ngày trước ngày tạm ngừng kinh doanh) và Chi cục thuế Quận Tân Bình (trong vòng 5 ngày trước ngày tạm ngừng kinh doanh), hồ sơ thông báo gồm:

1. Thông báo tạm ngừng kinh doanh;

2. Quyết định bằng văn bản về việc tạm ngừng kinh doanh của Hội đồng thành viên;

3. Bản sao biên bản họp về việc tạm ngừng kinh doanh của Hội đồng thành viên.

Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, công ty không phải thực hiện kê khai thuế theo quy định, nhưng vẫn phải nộp đủ số thuế còn nợ, tiếp tục thanh toán các khoản nợ, thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động (nếu có), trừ trường hợp chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.

Sau khi hết thời gian tạm ngừng hoạt động, công ty bạn phải thực hiện thủ tục thông báo hoạt động trở lại cho Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM và Chi cục thuế Quận Tân Bình (trong vòng 15 ngày trước ngày hoạt động trở lại)

Trong trường hợp có bất kỳ vấn đề gì chưa rõ, bạn có thể liên hệ để được hỗ trợ thêm thông qua Dịch vụ tư vấn tạm ngừng kinh doanh của Chúng tôi.

10. Công ty tôi là công ty cổ phần có trụ sở chính tại Tp.HCM, nay công ty muốn mở rộng kinh doanh tại Hà Nội, vậy tôi nên mở Chi nhánh, Văn phòng đại diện hay Địa điểm kinh doanh cho phù hợp? Việc thành lập có phải được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông không? Và thủ tục như thế nào?

(Công ty Thành Tâm – Quận 12, TP. HCM)       

Trả lời: Theo Luật thương mại, Chi nhánh được tiến hành các hoạt động thương mại và các hoạt động khác phù hợp với Giấy phép thành lập và quy định của pháp luật Việt Nam. Văn phòng đại diện thực hiện chức năng nghiên cứu thị trường, thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại và các hoạt động khác pháp luật cho phép. Vì vậy, trong trường hợp công ty bạn muốn mở rộng kinh doanh thì không thể thành lập Văn phòng đại diện.

Nghị định 43/2010/NĐ-CP quy định địa điểm kinh doanh chỉ được đặt tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Vì vậy, việc thành lập Chi nhánh tại Hà Nội là hình thức phù hợp nhất.

Việc thành lập Chi nhánh không cần sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông, mà chỉ cần quyết định của Hội đồng quản trị của Công ty bạn. Thủ tục thành lập Chi nhánh theo quy định của Nghị định 43/2010/NĐ-CP.

Hồ sơ thành lập chi nhánh nộp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội gồm có:

1- Thông báo lập chi nhánh;

2- Quyết định bằng văn bản về việc thành lập chi nhánh của Hội đồng quản trị;

3- Bản sao biên bản họp về việc lập chi nhánh của Hội đồng quản trị;

4- Bản sao hợp lệ quyết định bổ nhiệm người đứng đầu chi nhánh;

5- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực của người đứng đầu chi nhánh:

5.1- Cá nhân có quốc tịch Việt Nam: Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu;

5.2- Cá nhân có quốc tịch nước ngoài: Giấy đăng ký tạm trú do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, Giấy phép lao động và Hộ chiếu;

6- Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của người đứng đầu chi nhánh hoặc của cá nhân khác nếu chi nhánh hoạt động ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, công ty bạn phải thông báo bằng văn bản tới Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM để được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trong trường hợp có bất kỳ vấn đề gì chưa rõ, bạn có thể liên hệ để được hỗ trợ thêm thông qua Dịch vụ tư vấn thành lập Chi nhánh của Chúng tôi.

11. Xin cho tôi hỏi trình tự và thủ tục sáp nhập doanh nghiệp?

(Bà Nguyễn Thị Kim Loan – TP.Tân An, tỉnh Long An).

Trả lời: Luật Doanh nghiệp 2005 quy định một hoặc một số công ty cùng loại (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.

Thủ tục sáp nhập công ty được quy định như sau:

1. Các công ty liên quan chuẩn bị hợp đồng sáp nhập và dự thảo Điều lệ công ty nhận sáp nhập. Hợp đồng sáp nhập phải có các nội dung chủ yếu về tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty nhận sáp nhập; tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị sáp nhập; thủ tục và điều kiện sáp nhập; phương án sử dụng lao động; thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty nhận sáp nhập; thời hạn thực hiện sáp nhập;

2. Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của các công ty liên quan thông qua hợp đồng sáp nhập, Điều lệ công ty nhận sáp nhập và tiến hành đăng ký kinh doanh công ty nhận sáp nhập theo quy định chung. Trong trường hợp này, hồ sơ đăng ký kinh doanh phải kèm theo hợp đồng sáp nhập. Hợp đồng sáp nhập phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày thông qua;

Sau khi đăng ký kinh doanh, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập.

Trường hợp sáp nhập mà theo đó công ty nhận sáp nhập có thị phần từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại điện hợp pháp của công ty thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành sáp nhập. Cấm các trường hợp sáp nhập các công ty mà theo đó công ty nhận sáp nhập có thị phần trên 50% trên thị trường có liên quan, trừ trường hợp pháp luật về cạnh tranh có quy định khác.

Trong trường hợp có bất kỳ vấn đề gì chưa rõ, bạn có thể liên hệ để được hỗ trợ thêm thông qua Dịch vụ tư vấn sáp nhập doanh nghiệp của Chúng tôi.

12. Công ty tôi có trụ sở ở Quận 1, Tp.HCM, nay muốn chuyển trụ sở về quận Bình Thạnh. Đồng thời bổ sung ngành nghề kinh doanh. Vậy có thể tiến hành thay đổi 2 nội dung cùng lúc được không, thủ tục như thế nào?

(Công ty Lê Lâm – Quận 1, TP. HCM)

Trả lời: Căn cứ Luật doanh nghiệp 2005 và Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, quy định trước khi đăng ký thay đổi trụ sở chính, công ty của bạn phải thực hiện các thủ tục với cơ quan thuế liên quan đến việc chuyển địa điểm theo quy định của pháp luật về thuế.

Công ty bạn có thể tiến hành đồng thời thủ tục thay đổi ngành nghề kinh doanh và thủ tục thay đổi địa chỉ trụ sở chính (từ Quận 1 chuyển đến quận Bình Thạnh), gửi hồ sơ thay đổi đến Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM.

Vì bạn không nói rõ loại hình công ty mình nên tùy vào loại hình công ty mà hồ sơ của bạn bao gồm:

  1. Thông báo thay đổi địa chỉ trụ sở chính;
  2. Thông báo thay đổi ngành nghề kinh doanh;
  3. Quyết định bằng văn bản và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần và của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
  4. Thông báo thay đổi nội dung đăng ký thuế đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong đó nêu rõ địa chỉ nơi nhận thông báo thuế;
  5. Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định;
  6. Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của một hoặc một số cá nhân nếu công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề;
  7. Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trong trường hợp có bất kỳ vấn đề gì chưa rõ, bạn có thể liên hệ để được hỗ trợ thêm thông qua Dịch vụ tư vấn thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh của Chúng tôi.

13. Anh tôi chỉ là một nông dân. Có một người nước ngoài là bạn trai của cháu gái chúng tôi, ông ấy bỏ tiền ra muốn nhờ anh tôi đứng tên để ông ấy mở một công ty TNHH MTV tại Việt Nam và là Giám đốc đồng thời người đại diện theo pháp luật của Công ty. Ngoài ra, anh tôi không có bất kỳ liên hệ gì khác với công ty.

Cho tôi hỏi anh của tôi có phải chịu trách nhiệm hình sự hay dân sự về những sai trái của công ty (nếu có) hay không?

(Trần Hải Long – tỉnh Tiền Giang)

Trả lời: Trước pháp luật, anh của bạn là chủ sở hữu công ty và phải chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp. Nếu có phát sinh bất cứ trách nhiệm dân sự nào giữa công ty và bên thứ ba thì anh bạn có trách nhiệm giải quyết.

Do anh bạn là người đại diện theo pháp luật của công ty và đồng thời là Giám đốc nếu trong trường hợp người nước ngoài này phát sinh hành vi lừa đảo (như ký tên khống biên lai, hoặc ký các hợp đồng …) thì anh bạn sẽ gặp nhiều rắc rối phát sinh.

Do đây là một vấn đề khá phức tạp, vì vậy bạn nên liên hệ trực tiếp để được hỗ trợ thêm thông qua Dịch vụ tư vấn thành lập doanh nghiệp và tư vấn đầu tư của Chúng tôi.

14. Công ty tôi đang dự kiến ký hợp đồng hợp tác kinh doanh theo hình thức BCC. Xin luật sư giải thích rõ hơn về hình thức đầu tư BCC và các vấn đề pháp lý liên quan đến BCC?

(Công ty Sao Mai – Quận Thủ Đức, TP. HCM)

Trả lời: Hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC là hình thức đầu tư trực tiếp theo quy định của Luật đầu tư. Nhà đầu tư ký kết hợp đồng BCC để hợp tác sản xuất phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm và các hình thức hợp tác kinh doanh khác. Các vấn đề pháp lý như đối tượng, nội dung hợp tác, thời hạn kinh doanh, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi bên, quan hệ hợp tác giữa các bên và tổ chức pháp lý do các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng. Tùy thuộc và lĩnh vực hợp tác mà hợp tác kinh doanh BCC chịu sự điều chỉnh của Luật đầu tư và các quy định của pháp luật có liên quan.

Ưu điểm của hình thức này là:

  • Một là, giúp các nhà đầu tư tiết kiệm thời gian, công sức, vật chất khi không cần thành lập một pháp nhân mới nhưng vẫn hoạt động đầu tư một cách bình thường;
  • Hai là, các nhà đầu tư có thể tương hỗ lẫn nhau, bổ trợ lẫn nhau những thiếu sót, yếu điểm của nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh;
  • Ba là, trong quá trình thực hiện hợp đồng, nhà đầu tư nhân danh tư cách pháp lý độc lập của mình để chủ động thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ. Do đó, nhà đầu tư sẽ rất linh hoạt, độc lập, ít lệ thuộc vào đối tác khi quyết định các vấn đề của dự án đầu tư.

Nhược điểm:

  • Do không thành lập pháp nhân mới, không có con dấu riêng nên dự án đầu tư sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các hợp đồng phục vụ cho hoạt động hợp tác kinh doanh;
  • Pháp luật chưa có các quy định cụ thể về trách nhiệm của các bên và bên thứ ba khi một bên giao kết hợp đồng với bên thứ ba trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC. Đây cũng là một rủi ro cần được tiên liệu trước trong khi thực hiện hợp đồng BCC.

Vì đây là một vấn đề khá phức tạp nên bạn có thể nhờ sự tư vấn của luật sư để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi ký hợp đồng BCC.

Trong trường hợp có bất kỳ vấn đề gì chưa rõ, bạn có thể liên hệ để được hỗ trợ thêm thông qua Dịch vụ tư vấn đầu tư Chúng tôi.

15. Cho tôi hỏi, cần những điều kiện gì để cá nhân người nước ngoài có thể thành lập công ty tại Việt Nam? Thành lập công ty theo hình thức Cty TNHH một thành viên, chủ sở hữu là cá nhân người nước ngoài và sẽ kiêm luôn vị trí giám đốc công ty được không?

(Dịch từ thư của Ông Jan John Sen – Mỹ)

Trả lời: Theo quy định luật Đầu tư và luật Doanh nghiệp 2005 thì đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài muốn thành lập công ty ở Việt Nam thì phải thực hiện theo thủ tục đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Việc thành lập công ty theo thủ tục đầu tư sẽ được thực hiện tại Sở kế hoạch đầu tư tỉnh, thành phố nơi công ty đặt trụ sở chính. Trong trường hợp có hàng hóa xuất nhập khẩu thì phải đăng ký với Bộ Công thương. Hồ sơ thủ tục đầu tư nước ngoài đối với việc thành lập doanh nghiệp ở VN gồm:

  1. Bản đăng ký/đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư;
  2. Báo cáo năng lực tài chính của Nhà đầu tư;
  3. Bản giải trình khả năng đáp ứng điều kiện trong trường hợp thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện;
  4. Dự thảo Điều lệ Công ty;
  5. Văn bản xác nhận tư cách pháp lý;
  6. Đối với thành viên sáng lập là cá nhân: Giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp còn hiệu lực (Bản sao hợp lệ có hợp pháp hóa lãnh sự (không quá 3 tháng trước ngày nộp hồ sơ);
  7. Các tài liệu khác

– Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định;

– Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của một hoặc một số cá nhân đối với công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề (chứng chỉ hành nghề được cấp ở nước ngoài không có hiệu lực thi hành tại Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác).

Về ngành nghề được phép kinh doanh thì phải phù hợp với Luật Đầu tư năm 2005, Nghị định 108/2006/NĐ-CP, Biểu cam kết hàng hóa dịch vụ của Việt Nam đối với tổ chức thương mại thế giới (WTO), Quyết định 10 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) về lộ trình mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Theo quy định của Luật doanh nghiệp thì đối với công ty TNHH MTV do cá nhân là chủ sở hữu thì chủ sở hữu đồng thời là Chủ tịch Công ty và có thể kiêm nhiệm làm Giám đốc Công ty.

Trong trường hợp có bất kỳ vấn đề gì chưa rõ, bạn có thể liên hệ để được hỗ trợ thêm thông qua Dịch vụ tư vấn đầu tư Chúng tôi.

16. LS cho tôi hỏi trường hợp tôi đăng ký góp vốn bằng máy móc, thiết bị … và tương ứng với đó là chiếm 10% vốn điều lệ.Tuy nhiên,vì một số lý do mà tôi chưa chuyển giao kịp tài sản góp vốn của tôi cho công ty vào ngày công ty được thành lập như các thành viên khác thì quyền biểu quyết có bị ảnh hưởng không? Nếu có thì như thế nào?

Trả lời: Đối với câu hỏi của bạn, Luật sư Công ty Luật CIS trả lời như sau:

Vì bạn không nêu rõ trường hợp này là góp vốn vào công ty TNHH hay công ty cổ phần nên Chúng tôi đưa ra hai trường hợp để bạn tham khảo như sau:

                 Trường hợp 1: Bạn là thành viên công ty TNHH:

  • Bạn nên xem lại mục “Thời điểm góp vốn” trong “Danh sách thành viên công ty” khi thành lập công ty để biết thời điểm bạn cam kết góp vốn vào công ty.

Lưu ý: Nếu việc góp vốn được thực hiện nhiều hơn một lần, giới hạn thời hạn tối đa mà các thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn phải góp vốn đầy đủ vào công ty là 36 tháng kể từ ngày đăng ký thành lập công ty hoặc từ ngày tăng vốn do kết nạp thành viên mới vào công ty.

  • Theo quy định của pháp luật hiện hành, trong thời hạn chưa góp đủ số vốn theo cam kết bạn sẽ có số phiếu biểu quyết và được chia lợi tức tương ứng với tỷ lệ số vốn thực góp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác.
  • Sau thời hạn cam kết góp lần cuối mà bạn vẫn chưa góp vốn đã cam kết góp vào công ty thì đương nhiên không còn là thành viên của công ty và không có quyền chuyển nhượng quyền góp vốn đó cho người khác; số vốn chưa góp được xử lý như sau:

–      Các thành viên còn lại nhận góp một phần hoặc toàn bộ số vốn chưa góp theo tỷ lệ số vốn đã góp vào công ty;

–      Một hoặc một số thành viên nhận góp đủ số vốn chưa góp;

–      Huy động thêm người khác góp đủ số vốn chưa góp.

                 Trường hợp 2: Bạn là cổ đông công ty cổ phần

  • Trong trường hợp này, Bạn phải thanh toán đủ số cổ phần đăng ký mua bằng cách chuyển giao đầy đủ tài sản góp vốn trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong thời hạn này, số phiếu biểu quyết của bạn được tính theo số cổ phần phổ thông được đăng ký mua.
  • Trường hợp sau 90 ngày, kể từ khi công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nếu bạn chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác. Trường hợp bạn đã thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua sẽ có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được quyền chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác.

Hi vọng câu trả lời trên giải đáp được thắc mắc của bạn. Trong trường hợp cần hỗ trợ, bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi.