Ban quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh – Bao giờ mới hoạt động ?

Thực phẩm bẩn luôn là vấn nạn nhức nhối trong cuộc sống hiện nay. Theo Nghị định 38/2012/ NĐ – CP, trách nhiệm quản lý về an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng được phân công về cho 3 Bộ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và Bộ Y tế. Tuy nhiên, thực tế “1 mâm cơm, 3 Bộ quản lý” như ở nước ta hiện nay lại dấy lên mối lo “cha chung không ai khóc”, chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau. Bộ máy quản lý cồng kềnh với đủ phòng ban quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng thực phẩm bẩn vẫn cứ tràn lan ngoài thị trường, tuồn vào đến tận bàn ăn của người Việt mà lại không thể quy trách nhiệm về cho Bộ nào.

 Trước tình trạng trên, ngày 5/12/2016, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định 2349/QĐ-TTg thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (BQL ATTP TPHCM), quy trách nhiệm quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong địa bàn thành phố về 1 mối. Ban Quản lý An toàn thực phẩm được lập trên cơ sở tổ chức lại Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế và một số bộ phận trực thuộc phòng, chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Sở Công Thương. Ban Quản lý là cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, có chức năng giúp Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức thực thi pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Triển khai Quyết định của Thủ tướng chính phủ, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã ban hành Quyết định 06/2017 (có hiệu lực từ ngày 12/02/2017) ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của BQL ATTP TPHCM. UBND TP. HCM đã tổ chức buổi lễ ra mắt Ban QL và Ban Quản lý chính thức đi vào hoạt động từ ngày 11/03/2017.

Theo quy chế hoạt động đã xây dựng thì năm 2017, Ban quản lý ATTP thành phố sẽ tập trung vào hai nhiệm vụ chính, đó là xây và chống. Thứ nhất, cương quyết chống thực phẩm bẩn bằng cách thiết lập và tăng cường hiệu quả của hệ thống thanh tra, hệ thống kiểm nghiệm hàng rào kỹ thuật cũng như quyết tâm và nỗ lực chống thực phẩm bẩn trên toàn thành phố. Thứ hai, xây dựng hệ thống thực phẩm sạch bằng cách tiếp tục nâng cao hiệu quả các chuỗi thực phẩm an toàn, đề án truy xuất nguồn gốc thực phẩm, không chỉ là thịt lợn, rau củ mà còn nhiều mặt hàng khác, cũng như phát triển những mô hình an toàn về kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, tăng cường cải cách hành chính trong việc cấp phép để không gây phiền hà cho người dân, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tăng cường công tác truyền thông để nâng cao ý thức về ATTP cho mỗi người dân. Mục tiêu của Ban quản lý ATTP là làm sao để người dân thành phố cảm thấy an toàn và an tâm khi sử dụng thực phẩm.

Quy định là thế nhưng trên thực tế, đã 3 tháng trôi qua kể từ ngày công bố thông tin chính thức hoạt động và hơn 6 tháng kể từ ngày thí điểm (Thời gian thực hiện thí điểm 03 năm kể từ ngày 05/12/2016) nhưng các vấn đề quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn do các cơ quan cũ của các Sở Y tế, Sở Công thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách y như trước. Cụ thể, các vấn đề về quản lý an toàn thực phẩm đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng…vv thuộc quản lý của Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế thành phố; về quản lý an toàn thực phẩm đối với ngũ cốc, thịt, thủy sản, rau, củ, quả, trứng , sữa, gia vị, các nông sản thực phẩm…vv vẫn thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn; còn Sở Công thương quản lý về các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo…Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh khi các cơ quan này ngừng việc quản lý và tiến hành các thủ tục hành chính liên quan để bàn giao lại cho Ban quản lý nhưng khi liên lạc với Ban quản lý thì lại nhận được câu trả lời “Ban vẫn chưa chính thức hoạt động”. Thực tiễn “không một ai quản” không chỉ gây lo ngại cho người tiêu dùng vì không biết ai sẽ bảo vệ cho mâm cơm hằng ngày của họ mà nặng nề hơn còn ảnh hướng tới việc sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và bản công bố hợp quy, công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm là những yếu tố bắt buộc khi cá nhân, tổ chức tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tùy vào sản phẩm đó thuộc lĩnh vực được phân công quản lý của cơ quan nào mà các cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ nộp hồ sơ xin cấp các loại giấy chứng nhận này ở Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay Sở Công thương trong thời gian chờ Ban quản lý hoạt động. Tuy nhiên, vào giữa tháng 5/2017, các cơ quan này ngừng việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ để bàn giao lại cho Ban quản lý với sự hứa hẹn “tháng sau Ban tiếp tục giải quyết”. Sự ngưng trệ trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đã gây ra vô vàn tổn thất lớn cho các cơ sở doanh nghiệp kinh doanh sản xuất.

Điều này thực sự dấy lên câu hỏi liệu Ban quản lý có thể phát huy hiệu quả khi gánh trọng trách là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố và là cơ quan thí điểm đi đầu của cả nước. Mô hình mới được tạo ra với hy vọng sẽ thay thế mô hình quản lý cũ đã yếu kém và không còn hiệu quả, và sẽ giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm thực phẩm tràn lan trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, với mô hình tuy mới nhưng cách vận hành, quản lý vẫn còn quá chậm trễ như hiện nay thì lại khiến người dân và doanh nghiệp tỏ ra quan ngại về chất lượng và hiệu quả thực sự của Ban Quản lý mới này.