Bản vẽ thiết kế kiến trúc được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như thế nào?

Cùng với sự phát triển của xã hội hiện nay, nhu cầu của con người không chỉ dừng lại ở việc ăn no, mặc ấm mà yêu cầu về cái chân, thiện, mĩ ngày càng được quan tâm nhiều hơn, trong đó có nhu cầu được sống hoặc làm việc trong một môi trường không gian kiến trúc hoàn mỹ.

Ở Việt Nam, hàng loạt công trình kiến trúc tiêu biểu đã xuất hiện như:

Tòa nhà The Landmark 81 (do Tập đoàn Atkins – Anh Quốc thiết kế, khởi công xây dựng năm 2015, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2018),

Cầu Rồng Đà Nẵng (Giải thưởng Kỹ thuật xuất sắc (EEA) của Hội đồng Các công ty kỹ thuật Mỹ (ACEC) 2014),

Tổ hợp nhà tre Đại Lải Vĩnh Phúc (do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế đạt giải thưởng của Hội đồng Kiến trúc sư khu vực châu Á (ARCASIA) 2014)

Bitexco Financial Tower (một trong 25 biểu tượng xây dựng thế giới do CNN bình chọn, từng là biểu tượng của TP. HCM)

Khách sạn InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Đà Nẵng (ba năm liền được nhận giải thưởng World Travel Awards ở hạng mục resort sang trọng nhất thế giới)

Câu hỏi đặt ra là: thiết kế kiến trúc được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như thế nào?

1. Thiết kế kiến trúc là một đối tượng được bảo hộ quyền tác giả?

ban-ve-thiet-ke-nha

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tác ra hoặc sở hữu. Do đó, tác giả (kiến trúc sư) có thể đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc do mình sáng tạo ra, cụ thể:

– Đối tượng đăng ký: bản vẽ thiết kế kiến trúc như bản vẽ về công trình hoặc tổ hợp các công trình, nội thất, phong cảnh; công trình kiến trúc… có thể đăng ký bảo hộ dưới dạng tác phẩm kiến trúc theo quy định điểm i khoản 1 Điều 14 Luật SHTT; Điều 15 Nghị định 22/2018/NĐ-CP.

– Phạm vi quyền tác giả:

  • Quyền nhân thân: Đặt tên cho tác phẩm; Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kì hình thức nào;… (Điều 19 Luật SHTT)
  • Quyền tài sản: Sao chép tác phẩm, truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;… (Điều 20 Luật SHTT)

Thời hạn bảo hộ “quyền tác giả”

  • Đối với các quyền nhân thân thì thời hạn bảo hộ vô thời hạn kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định;
  • Đối với quyền tài sản và quyền nhân thân được quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật SHTT thì thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo khi tác giả chết.

Điều kiện bảo hộ: Để tác phẩm kiến trúc được đăng ký bản quyền phải được thể hiện dưới dạng hình thức vật chất nhất định, đồng thời phải có tính nguyên gốctính sáng tạo.

2. Thiết kế kiến trúc, công trình xây dựng (nhà, cầu) có đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hay không?

Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này (khoản 13 Điều 4 Luật SHTT).

Theo đó thiết kế kiến trúc, bản vẽ công trình xây dựng cũng là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc do đó đáp ứng “điều kiện cần” về khái niệm “kiểu dáng công nghiệp”.

Tuy nhiên, để một “kiểu dáng công nghiệp” được Nhà nước công nhận bảo hộ thì kiểu dáng đó cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Tính lưu thông độc lập: sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp phải có kết cấu và chức năng rõ ràng và được lưu thông độc lập;

b) Đáp ứng tính mới (trên thế giới chưa có), tính sáng tạo (không dễ thiết kế) và khả năng áp dụng công nghiệp (sản xuất được hàng loạt);

c) Không rơi vào các trường hợp quy định tại Điều 64 Luật SHTT, cụ thể:

  • Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;
  • Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;
  • Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.

Theo đó, thiết kế công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp là một đối tượng bị loại trừ, không được bảo hộ (vì không lưu thông độc lập được), tuy nhiên, những thiết kế kiến trúc, công trình xây dựng là sản phẩm được chế tạo dưới dạng các môđun hay các đơn nguyên riêng biệt, có thể dịch chuyển và sử dụng độc lập hoặc lắp ráp với nhau để tạo thành các cửa hàng, gian hàng, ki-ốt, nhà lưu động (hình ảnh minh họa)… thì hình dáng của đối tượng đó vẫn có khả năng được chấp nhận đăng ký dưới hình thức kiểu dáng công nghiệp.

Ví dụ:

ban-ve-thiet-ke-nha

Thiết kế nhà di động

ban-ve-thiet-ke-nha

Thiết kế nhà nổi

ban-ve-thiet-ke-nha

Thiết kế Kiosk

3. So sánh đăng ký bản quyền tác phẩm kiến trúc và đăng ký kiểu dáng công nghiệp?

Nội dung Đăng ký bản quyền Đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Cơ chế bảo hộ – Về lý thuyết, quyền tác giả được bảo hộ tự động;

– Tuy nhiên, nếu đăng ký bản quyền thì khi xảy ra tranh chấp. Tác giả không cần chứng minh quyền tác giả thuộc về mình.

– Không được bảo hộ tự động;

– Quyền sở hữu đối với kiểu dáng công nghiệp chỉ được công nhận chỉ khi chủ sở hữu được cấp Giấy chứng nhận đăng ký KDCN, bắt buộc phải qua thủ tục nộp hồ sơ đăng ký.

Ưu điểm – Thời gian được cấp giấy chứng nhận nhanh (15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ).

 

– Cơ chế bảo hộ rất chặt chẽ;

– GCN ĐKKDCN là cơ sở để củng cố vị trí doanh nghiệp/ sản phẩm; yêu cầu đền bù và chống lại những hành vi sử dụng KDCN hoặc sử dụng KDCN tương tự mình đã đăng ký của những đối thủ khác trên thị trường;

– GCN ĐKKDCN là bằng chứng có giá trị cao khi xử lý tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp.

Nhược điểm – Việc cấp giấy chứng nhận được thực hiện trên cơ sở cam kết của chính tác giả của bản vẽ thiết kế đó, chưa có hệ thống đồng bộ để quản lý và tra cứu. Do đó, quyền xác lập không mang tính tuyệt đối nếu có bên thứ ba chứng minh được bản vẽ thiết kế của mình là sao chép;

– Các tranh chấp về bản quyền thường phải qua Toà Án với thủ tục và thời gian kéo dài nhưng kết quả cuối cùng vẫn có thể không như mong muốn;

– Tình trạng “đạo” ý tưởng diễn biến phức tạp, khó chứng minh được ý đồ sao chép và tỷ lệ sao chép để bị coi là hành vi vi phạm bản quyền.

– Do tính bảo hộ là tuyệt đối, nên để có kết quả cuối cùng được cấp Văn bằng là rất khó khăn, Cục SHTT phải thẩm định nội dung và tra cứu hệ thống một cách chặt chẽ và khắt khe trước khi ra quyết định cấp Văn bằng hoặc từ chối cấp Văn bằng;

– Mất nhiều thời gian để thẩm định và chờ cấp Văn bằng (so với việc cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả).

Để phân biệt với các tác phẩm kiến trúc của người khác, đồng thời bảo vệ thành quả sáng tạo của bản thân thì việc đăng ký bảo hộ là cần thiết. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tính chất của công trình xây dựng, công trình kiến trúc mà ta có thể đăng ký kiểu dáng công nghiệp hay đăng ký bản quyền hoặc cả hai (bản quyền và kiểu dáng công nghiệp).

Cá nhân, doanh nghiệp có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho CIS LAW FIRM thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan hoặc đăng ký bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp đối với bản vẽ thiết kế, hình dáng công trình xây dựng, công trình kiến trúc.

Mọi chi tiết xin liên hệ:

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ (CIS LAW FIRM)

109 Hoàng Sa, Phường Đakao, Quận 1, TP.HCM

Điện thoại: 028 3911 8580 – 028 3911 8581

Email: info@cis.vn

(Tác giả: Mỹ Lệ – CIS LAW FIRM)