Bị yêu cầu đổi tên công ty vì vi phạm Nhãn hiệu, phải làm sao? Ý kiến Luật sư

Gần đây, có khá nhiều công ty nhận được cảnh báo vi phạm bản quyền thương hiệu, hay nói chính xác là xâm phạm nhãn hiệu của người khác, bằng nhiều hình thức như văn bản, email, điện thoại, tin nhắn zalo v.v…

Trong nội dung cảnh báo này thường là cáo buộc công ty nào đó đã có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ của người khác, cụ thể là sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn gắn lên trên hàng hoá, biển hiệu, giấy tờ giao dịch, website, facebook v.v… và thường có những yêu cầu như: buộc chấm dứt ngay, không được sử dụng những dấu hiệu, tên gọi, logo đó nữa; yêu cầu bồi thường một số tiền để không bị khởi kiện ra Toà; đặc biệt là yêu cầu phải đổi tên công ty, không được dùng tên công ty cũ nữa.

Hãy cùng Công ty Luật CIS xem qua bài viết sau đây để tìm hiểu xem:

(i) Chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền yêu cầu những gì khi phát hiện có hành vi xâm phạm?

(ii) Chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền buộc công ty khác phải đổi tên không?

(iii) Bên nhận được yêu cầu này cần làm gì để giảm thiểu thiệt hại hoặc bị khiếu kiện?

1) Chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền yêu cầu những gì khi phát hiện có hành vi xâm phạm?

– Theo quy định pháp luật sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Quyền đối với nhãn hiệu được xác lập, hay chủ sở hữu nhãn hiệu được pháp luật bảo hộ quyền khi và chỉ khi chủ nhãn hiệu tiến hành đăng ký nhãn hiệu tại Cục SHTT và được cấp Văn bằng bảo hộ. Khi có văn bằng thì chủ nhãn hiệu có quyền độc quyền sử dụng, cho phép hoặc ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu trong việc:

+ Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh;

+ Lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ;

+ Nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ.

– Ngoài ra, chủ sở hữu nhãn hiệu có toàn quyền định đoạt đối với nhãn hiệu như chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ quyền của mình cho người khác theo quy định.

– Khi nhãn hiệu đã được bảo hộ rồi thì bất kỳ người nào không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu mà sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn (cấu trúc, phát âm, nội dung, ý nghĩa, hình thức thể hiện) với nhãn hiệu đã được bảo hộ thì có thể bị coi là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, ­­có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.

– Và theo quy định thì chủ nhãn hiệu hoàn toàn có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm nhãn hiệu phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm nhãn hiệu; hay lựa chọn biện pháp khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

2) Về yêu cầu đổi tên công ty khi vi phạm nhãn hiệu:

Đây là một vấn đề tương đối phức tạp và không thể có câu trả lời cho mọi trường hợp được.

Thực tế hiện nay, rất nhiều người vẫn nghĩ rằng, tên doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh được cấp giấy chứng nhận ĐKKD rồi tức là chưa bị trùng với ai nên hoàn toàn được phép kinh doanh dưới tên gọi đó.

Tuy nhiên, luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành đều đã quy định rõ:

Không được sử dụng nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu nhãn hiệu đó” (Điều 19.1 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp)

Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đặt tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì doanh nghiệp có tên vi phạm phải đăng ký đổi tên

Căn cứ để xác định tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được thực hiện theo các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Trong văn bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, biện pháp buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp được coi là một trong những biện pháp khắc phục hậu quả khi có hành vi xâm phạm nhãn hiệu và bị bị xử phạt hành chính.

Giữa Bộ KHCN và Bộ KHĐT cũng đã ban hành thông tư liên tịch quy định cụ thể rằng:

“Biện pháp buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp chỉ được áp dụng khi doanh nghiệp vi phạm không chấm dứt hành vi sử dụng tên doanh nghiệp xâm phạm trên hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, biển hiệu, giấy tờ giao dịch hoặc không tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp xâm phạm theo thông báo của Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc theo thỏa thuận của các bên”.

Như vậy, để buộc một doanh nghiệp đổi tên thì chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ cần thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền để yêu cầu và điều kiện tiên quyết là phải có kết luận về việc một doanh nghiệp nào đó đang dùng tên doanh nghiệp là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ.

Lưu ý rằng, theo quy định pháp luật SHTT, vẫn có một số trường hợp doanh nghiệp sử dụng tên trùng/ tương tự với nhãn hiệu đã được bảo hộ nhưng vẫn không bị coi là xâm phạm nhãn hiệu. Do đó, nếu bạn nhận được yêu cầu buộc đổi tên doanh nghiệp thì nên bình tĩnh và báo ngay cho Luật sư chuyên về lĩnh vực này để nghiên cứu tư vấn cho bạn.

Sau đây là 3 cách để bạn không rơi vào những tình huống khó chịu này, đó là:

Thứ nhất, nếu bạn đang dùng tên gọi của doanh nghiệp bạn lên trên hàng hoá, bảng hiệu, website, facebook, giấy tờ giao dịch… thì bạn nên kiểm tra xem việc sử dụng tên gọi này có đang xâm phạm nhãn hiệu nào của ai hay không?

Thứ hai, nếu chưa xâm phạm nhãn hiệu của ai thì bạn cần ngay lập tức tiến hành nộp đơn đăng ký nhãn hiệu là tên gọi doanh nghiệp của bạn, để có cơ hội trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu đó và không ai có quyền yêu cầu bạn đổi tên doanh nghiệp vì vi phạm nhãn hiệu nữa.

Thứ ba, khi nhận được thông báo, cảnh báo, hay lời đe doạ nào thì cũng cần bình tĩnh và chuyển ngay cho Luật sư có nhiều kinh nghiệm xử lý những tình huống như thế này, mình khuyên các bạn nên lựa chọn các đơn vị là tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp vì họ là những chuyên gia đã được Cục SHTT cấp giấy phép hoạt động.

Công ty Luật HD Bản Quyền Quốc Tế (CIS Law Firm) là tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp được chứng nhận bởi Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Để giải đáp thắc mắc về vấn đề bảo hộ nêu trên, Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ thông tin bên dưới để được tư vấn và yêu cầu dịch vụ:

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8580 – 3911 8581
Email: info@cis.vn