Cảnh Sát Giao Thông được quyền trưng dụng tài sản là trái luật?

Vừa qua Bộ Công An ban hành Thông tư 01/2016/TT-BCA  quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông có hiệu lực từ ngày 15.02.2016. Thông tư này đã thay thế cho Thông tư 65/2012/TT-BCA ban hành ngày 30.10.2012.

Điều cần chú ý là tại khoản 6 Điều 5 của Thông tư này có quy định Cảnh sát giao thông (CSGT) được quyền: “trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật.” Quy định này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.  Nhiều ý kiến cho rằng việc trao quyền  cho CSGT như thế là không phù hợp, trái với Hiến pháp, và có khi còn lạm quyền, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Vậy việc trao quyền cho CSGT như vậy có thật sự là trái luật hay không?

canh-sat-duoc-quyen-trung-dung-xe

(Ảnh nguồn: baotintuc.vn)

1. “Trưng dụng” là gì?

Tại khoản 2 điều 2 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 định nghĩa “Trưng dụng tài sản là việc Nhà nước sử dụng có thời hạn tài sản của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thông qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia”.

2. Đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành

Theo quy định tại Luật trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 thì có quy định chỉ được trưng dụng tài sản trong 05 trường hợp sau: Khi đất nước trong tình trạng chiến tranh, khẩn cấp về quốc phòng theo luật quốc phòng; khi an ninh quốc gia có nguy cơ bị đe dọa hoặc khi mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia có khả năng bị xâm phạm theo luật về An ninh quốc gia, luật quốc phòng; khi phải đối phó với nguy cơ hoặc để khắc phục thảm họa do thiên tai, dịch bệnh gây ra trên diện rộng. Do đó có thể thấy việc trưng dụng tài sản được quy định trong Thông tư này không thuộc các trường hợp được quyền trưng dụng như pháp luật quy định.

Thông tư chỉ quy định là CSGT được trưng dụng các loại phương tiện, thiết bị mà không quy định trường hợp nào thì được trưng dụng những tài sản đó của nhân dân. Trong khi đó, Điều 32 Hiến pháp 2013 đã khẳng định, “chỉ trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai. Nhà nước trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”.

Thông tư quy định CSGT được quyền trưng dụng các loại phương tiện theo quy định của pháp luậtTuy nhiên theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là tại  Điều 24 của Luật trưng mua, trưng dụng tài sản thì chỉ có những người sau mới có quyền trưng dụng tài sản: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ giao thông – vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Y tế và Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Chúng ta đã có văn bản quy định rất rõ các chủ thể có thẩm quyền trưng dụng tài sản, mà Thông tư (văn bản dưới luật) lại  quy định trái với văn bản có giá trị pháp lý cao hơn. Điều này cho thấy quy định này là không đảm bảo tính khả thi, không phù hợp với quy định của pháp luật.

Dưới đây là khảo sát của Pháp luật Thành phố HCM  từ 1710 người về chủ đề “Cảnh sát giao thông được trưng dụng điện thoại”.

canh-sat-duoc-quyen-trung-dung-xe-02

Khảo sát này được thực hiện vào tháng 2/2016. Và kết quả như đã thấy, có đến 89% ý kiến không đồng tình và đã đề nghị sửa đổi quy định này.

Có thể thấy Thông tư này đã quy định quá nhiều quyền hạn cho CSGT, việc quy định như vậy không chỉ xâm phạm quyền sở hữu mà còn xâm phạm cả đời tư. tại Khoản 2, Điều 21, Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin  riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái pháp luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.

Bên cạnh đó, BLDS 2005  cũng có quy định về việc bảo vệ quyền sở hữu, cụ thể tại Điều 169:

“1. Quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ.

2. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình.

Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình, truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật.

3. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, pháp nhân hoặc của chủ thể khác theo quy định của pháp luật.”

Qua những quy định trên ta có thể thấy quyền sở hữu, sử dụng tài sản của người dân và tổ chức được nhà nước tôn trọng và bảo vệ theo hiến pháp và pháp luật. Không thể vì muốn tạo điều kiện thuận lợi cho CSGT trong khi thi hành nhiệm vụ mà ban hành ra Thông tư trái với quy định của pháp luật như vậy. Khi đối chiếu với Hiến pháp-đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất, Bộ luật dân sự, luật Trưng mua, trưng dụng tài sản thì thấy quy định Cảnh Sát Giao Thông được quyền trưng dụng tài sản là vi hiến, không mang tính khả thi, không phù hợp với những quy định của pháp luật hiện hành. Thông tư này đã xâm phạm đến tài sản của người tham gia giao thông, quyền sở hữu của công dân đã được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ.

“Lâm Thị Cẩm Thu – Sinh viên Đại học Luật TPHCM – Thực tập sinh CIS 03/2016”

Tin liên quan