Công ty được quyền trừ lương, phạt tiền người lao động không?

Hiện nay, nhiều trường hợp người lao động vi phạm các quy định tại nơi làm, dẫn đến việc bị công ty phạt tiền hoặc trừ lương.

Vậy cách thức xử lý này của công ty có đúng quy định của pháp luật hay không?

I./ Phạt tiền, trừ lương hoặc không trả đủ lương được hiểu như thế nào?

Thông thường khi người lao động vi phạm nội quy lao động, dẫn đến không được Công ty trả đủ lương, thì nghĩ rằng công ty phạt tiền hoặc trừ lương. Tuy nhiên, cách hiểu này không hẳn là đúng.

Phạt tiền được hiểu là công ty buộc người lao động phải nộp khoản tiền nhất định cho công ty do vi phạm nội quy công việc. Việc phạt tiền này có thể được thực hiện bằng cách người lao động nộp tiền phạt hoặc công ty trừ tiền phạt vào tiền lương.

Trừ lương được hiểu là khi người lao động có những khoản tiền phải trả cho công ty và công ty trừ khoản tiền phải trả đó vào tiền lương, như: người lao động làm hư hỏng, mất mát tài sản của công ty, hay người lao động gây thiệt hại cho công ty nên phải bồi thường, hay người lao động bị phạt tiền nên trừ vào khoản lương như vừa nói trên.

Cuối cùng, trường hợp người lao động không được nhận đủ lương, có thể do bị công ty phạt tiền hay người lao động bị công ty trừ lương hay người lao động không làm đủ thời gian làm việc do công ty quy định thì người lao động không được nhận đủ lương.

Vậy nên, khi người lao động không được nhận đủ lương không phải chỉ do bị công ty phạt hay trừ lương, mà có thể có nhiều lý do như trên.

II./ Doanh nghiệp không trả lương đủ cho người lao động, đúng hay sai?

Trường hợp thứ nhất, người lao động không được nhận đủ lương do bị công ty phạt tiền do vi phạm nội quy lao động.

Ví dụ: Công ty quy định, người lao động khi đi làm phải mặc đồng phục của công ty, người lao động nào vi phạm thì sẽ bị phạt 200.000 đồng/lần vi phạm và trừ vào lương tháng.

Đây là hình phạt mà công ty quy định do không tuân thủ nội quy lao động và hình phạt này là hình phạt tiền. Trong trường hợp công ty quy định và áp dụng hình phạt như thế này thì công ty đã làm trái quy định của pháp luật lao động. Vì Bộ luật lao động quy định: “cấm doanh nghiệp dùng hình thức phạt tiền thay việc xử lý kỷ luật lao động”.

Trường hợp thứ hai: người lao động bị trừ lương do gây thiệt hại cho tài sản của công ty.

Ví dụ: người lao động làm mất mát, hư hỏng tài sản trong công ty, theo đó, công ty buộc người lao động phải bồi thường giá trị tài sản đã mất hoặc bồi thường chi phí sửa chữa tài sản đó bằng cách trừ vào tiền lương.

Trường hợp này, việc trừ lương là phù hợp với quy định của pháp luật, cụ thể, luật quy định: “Doanh nghiệp được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị doanh nghiệp”, theo đó, Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương hằng tháng của người lao động.

Và trường hợp thứ ba: người lao động không được nhận đủ lương do không được công ty trả tiền cho thời gian không làm việc.

Ví dụ: Nhân viên sẽ không được hưởng lương tương ứng với thời gian làm việc mà nhân viên đi trễ hoặc về sớm hoặc rời nơi làm việc vì việc riêng mà không có sự đồng ý của người quản lý, hoặc nghỉ việc không xin phép.

Trường hợp này, người lao động không được nhận lương cho thời gian mà anh ta không làm việc, không phải là trừ lương hay phạt tiền.

III./ Pháp luật quy định hình thức kỷ luật lao động như thế nào?

Bộ Luật Lao động hiện hành quy định, nếu người lao động không tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp áp dụng 04 hình thức xử lý kỷ luật lao động gồm:

  • Thứ nhất, Khiển trách
  • Thứ 2, Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng
  • Thứ 3, Cách chức
  • Thứ 4, Sa thải.

Tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm và quy định của Nội quy lao động do mỗi công ty ban hành, công ty sẽ áp dụng các hình thức kỷ luật phù hợp cho mỗi hành vi vi phạm của người lao động.

Bộ Luật Lao động mới (sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) cũng chỉ quy định 04 hình thức xử lý kỷ luật lao động tương tự như trên, đồng thời cấm doanh nghiệp phạt tiền, trừ lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

Lưu ý: Công ty nếu có hành vi dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động sẽ bị phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng và phải trả lại khoản tiền đã thu hoặc trả đủ tiền lương cho người lao động.

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CÔNG TY LUẬT CIS

109 Hoàng Sa, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8581 – 0938 548 101
Email: info@cis.vn