Đăng video nhạc chế lên Youtube coi chừng bị phạt ?!

Nhạc chế (hay nhạc nhại lại) là việc thay đổi một phần hoặc toàn bộ lời bài hát đã có trước (thường là nổi tiếng). Những ca khúc chế lời trên thực tế rất có sức hút đối với người nghe, nhất là khi nội dung lời ca có tính hài hước, gắn với một sự kiện nào đó mà dư luận đang rất quan tâm. Vì vậy mà hiện nay có rất nhiều kênh nhạc chế xuất hiện trên YouTube với cách dàn dựng vô cùng công phu, độc đáo, tỉ mỉ từ nội dung kịch bản đến ekip dàn dựng và diễn viên đóng vai. Những kênh nhạc chế này đã thu hút hàng triệu lượt xem, điển hình như kênh YouTube của Hậu Hoàng chỉ mới một tuần đăng tải video mà lượt xem đã lên đến con số hơn 30 triệu. Ngoài ra, còn có các kênh nhạc chế khác như Di Di, Thái Dương Official, Tuyết Bít,…

dang-video-nhac-che-len-youtube

Với số lượng lượt xem (view) đáng mơ ước như vậy, chủ các kênh này đã thu lại một khoản lợi không hề nhỏ từ chính sách của YouTube. Cụ thể, nếu kênh có từ 10.000 view trở lên, thì với 1.000 view kênh sẽ được trả 2-3 USD (ở Mỹ hoặc châu Âu), hoặc 0,3 – 0,5 USD (ở Việt Nam).

Hơn thế nữa, các chủ kênh còn thu được một khoản lợi kha khá từ việc hợp tác với các đối tác để giúp họ quảng cáo cho thương hiệu của mình qua hình thức Tiếp thị liên kết, tức có thể chèn liên kết đến sản phẩm, dịch vụ của một công ty nào đó lên video hoặc phần mô tả. Khi người xem nhấp chuột vào liên kết, chủ kênh sẽ kiếm được tiền hoa hồng.

Như vậy, đối với các kênh nổi tiếng, ngoài doanh thu từ lượt xem, các chủ kênh còn có thể kiếm thêm bên ngoài thông qua hợp đồng quảng cáo, đánh giá sản phẩm với doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân nào đó.

Câu hỏi đặt ra là việc các chủ kênh phát hành những video “nhạc chế” có vi phạm bản quyền hay không ?

1. Bài hát là tác phẩm âm nhạc được bảo hộ quyền tác giả

Theo quy định pháp luật, tác phẩm âm nhạc là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.

Để tạo ra một tác phẩm ẩm nhạc có giá trị và sáng tạo, đòi hỏi tác giả (nhạc sỹ) phải lao động trí óc, trí tuệ, bỏ không ít thời gian và tài chính. Vì vậy, để ghi nhận và khuyến khích tinh thần sáng tạo của tác giả, Luật Sở hữu trí tuệ có quy định khi tác giả sáng tạo ra tác phẩm âm nhạc thì họ có quyền tác giảđối với tác phẩm đó, bao gồm:

+ Quyền nhân thân: Đặt tên cho tác phẩm; Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm;… (Điều 19 Luật SHTT)

+ Quyền tài sản: Làm tác phẩm phái sinh; Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;… (Điều 20 Luật SHTT)

Ở đây, nếu không được sự cho phép của nhạc sỹ (tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của bài hát gốc), việc “chế nhạc” đã có hoạt động sửa đổi nội dung (xâm phạm quyền được bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm gốc) và trình diễn (biểu diễn) trước công chúng (cộng đồng mạng), đáp ứng điều kiện để bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.

Điều 28. Hành vi xâm phạm quyền tác giả:

5. Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

6. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật SHTT.

8. Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật SHTT.

 2. Chế tài áp dụng trong trường hợp kênh youtube Việt Nam vi phạm quyền tác giả

Hiện nay, pháp luật về sở hữu trí tuệ quy định rất chi tiết các mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả. Cụ thể, với hành vi  xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, các chủ kênh có thể sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm; từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. (Điều 10 Nghị định 131/2013/NĐ-CP). Mức phạt nêu trên là áp dụng cho cá nhân, trường hợp người vi phạm là tổ chức thì mức phạt sẽ gấp đôi.

Bên cạnh đó tại Điều 225 Bộ luật hình sự có quy định: “Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả mà cố ý thực hiện các hành vi xâm phạm quyền tác giả đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”

Chính sách của YouTube cũng quy định về vấn đề Bản quyền như sau:

“Nếu bạn sử dụng nội dung của người khác trên kênh YouTube của mình, chủ sở hữu bản quyền có thể gửi yêu cầu gỡ bỏ. Nếu yêu cầu này hợp lệ, video của bạn sẽ bị xóa khỏi YouTube và bạn sẽ phải nhận cảnh cáo vi phạm bản quyền. Bạn có thể chờ cho đến khi cảnh cáo vi phạm bản quyền hết hiệu lực, đề nghị chủ sở hữu nội dung rút đơn khiếu nại hoặc gửi thông báo phản đối. Nếu bạn nhận được 3 cảnh cáo vi phạm bản quyền, kênh của bạn sẽ bị chấm dứt.

Một trường hợp khác là nếu tải video chứa nội dung được bảo vệ bản quyền lên, bạn có thể nhận được thông báo xác nhận quyền sở hữu trong Content ID do bên sở hữu nhạc, phim, chương trình TV, trò chơi điện tử hoặc các loại nội dung được bảo vệ bản quyền khác đưa ra. Thông báo xác nhận quyền sở hữu trong Content ID có thể khiến video của bạn bị gỡ bỏ hoặc bạn bị mất doanh thu tùy vào hành động do chủ sở hữu nội dung quy định.”

3. Để không vi phạm quyền tác giả thì chủ kênh nên làm gì

Pháp luật sở hữu trí tuệ đặt ra rất nhiều yêu cầu về nghĩa vụ pháp lý khi khai thác, sử dụng tác phẩm thuộc bản quyền của người khác nhằm mục đích thương mại. Do đó, muốn xây dựng các video nhạc chế mà không vi phạm quyền tác giả, các chủ kênh cần liên hệ Luật sư có chuyên môn về bản quyền để được tư vấn.

Công ty Luật HD Bản quyền Quốc tế (CIS Law Firm) là tổ chức Đại diện Sở hữu trí tuệ được chứng nhận bởi Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Để giải đáp thắc mắc về vấn đề nêu trên, Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ thông tin bên dưới để được tư vấn và yêu cầu dịch vụ:

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028 3911 8580 – 3911 8581

Email: info@cis.vn

(Tác giả : Hòa Diễm – CISLAWFIRM)