EVFTA đã ký – Doanh nghiệp Việt cần lưu ý những gì?

Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8 – Cơ hội phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam

Vừa qua, ngày 30/06/2020, Ủy ban châu Âu chính thức thông báo Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) ký kết ngày 30/6/2019 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.(tải về hiệp định evfta)

1. Quá trình đàm phán

Hiệp định EVFTA được Việt Nam và EU khởi động đàm phán từ tháng 10/2010 trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam-EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại.

Hiệp định được chính thức ký kết ngày 30/6/2019, đã được phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu vào ngày 12/2/2020, và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8/6/2020. Hiệp định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020.

2. Một số nội dung chính của Hiệp định EVFTA

EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.

Về thương mại hàng hóa

Khi có hiệu lực, EVFTA sẽ loại bỏ 65% thuế đối với hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam, phần còn lại sẽ được loại bỏ dần trong khoảng thời gian 10 năm.

Đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu, EVFTA cũng sẽ loại bỏ 71% thuế xuất kể từ ngày 1/8/2020, phần còn lại sẽ được loại bỏ trong khoảng thời gian 7 năm.

Việt Nam và EU cũng thống nhất các nội dung liên quan tới thủ tục hải quan, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, các rào cản kỹ thuật trong thương mại, phòng vệ thương mại,… tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên hợp tác, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp.

Thương mại dịch vụ và đầu tư

Cam kết của Việt Nam và EU về thương mại dịch vụ đầu tư nhằm tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên. Cam kết của Việt Nam cao hơn cam kết trong WTO. Tương ứng, cam kết của EU cũng cao hơn trong cam kết trong WTO và tương đương với mức cam kết cao nhất của EU trong những Hiệp định FTA gần đây của EU.

Các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết thuận lợi cho các nhà đầu tư EU gồm một số dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối. Hai bên cũng đưa ra cam kết về đối xử quốc gia trong lĩnh vực đầu tư, đồng thời thảo luận về nội dung giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước.

Sở hữu trí tuệ

Cam kết về sở hữu trí tuệ gồm cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan tới dược phẩm, chỉ dẫn địa lý và cả biện pháp kiểm soát tại biên giới đối với hàng xuất khẩu nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Về cơ bản, các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Thương mại điện tử

Để phát triển thương mại điện tử giữa Việt Nam và EU, hai bên cam kết không đánh thuế nhập khẩu đối với giao dịch điện tử. Hai bên cũng cam kết hợp tác thông qua việc duy trì đối thoại về các vấn đề quản lý được đặt ra trong thương mại điện tử và sẽ hợp tác trao đổi thông tin về quy định pháp luật trong nước và các vấn đề thực thi liên quan.

Ngoài ra, Hiệp định cũng bao gồm các Chương liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, minh bạch hóa, phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý-thể chế, chính sách cạnh tranh và trợ cấp. Nhìn chung, các nội dung này phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam, tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên tăng cường hợp tác, thúc đẩy sự phát triển của thương mại và đầu tư giữa hai Bên.

3. Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam

Cơ hội phục hồi nền kinh tế sau ảnh hưởng nặng nề của Covid-19

Trước hết, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ và xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Hiện, các thị trường thuộc EU là những thị trường xuất nhập khẩu chủ lực của Việt Nam.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các hiệp định dự kiến sẽ thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025  44,37% vào năm 2030. Ủy ban Châu Âu ước tính GDP của EU sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035.

Mặt khác, trong khi các nền kinh tế khác trên thế giới còn đang phải vật lộn với tác động của đại dịch Covid-19, Việt Nam hiện đang có cơ hội vàng để tận dụng EVFTA và thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ các công ty châu Âu – những doanh nghiệp đang tìm kiếm thị trường mở, cạnh tranh và thân thiện với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, những cam kết về quản trị nhà nước sẽ đảm bảo một môi trường kinh doanh và pháp lý ổn định, thông thoáng cho nhà đầu tư của cả hai bên nói chung và các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ EU nói riêng.

Người tiêu dùng được lợi

Thông qua Hiệp định, có thể thấy sự thâm nhập của hàng hóa châu Âu vào Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn. Người tiêu dùng Việt sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận được nhiều loại hàng hóa chất lượng tốt chuẩn Châu Âu và giá cả hợp lý như các sản phẩm nông nghiệp các loại thịt, sản phẩm bơ sữa, bánh kẹo… thậm chí là các loại ô tô Châu Âu nhập khẩu.

Bên cạnh đó, quá trình giảm thuế với các sản phẩm từ châu Âu vào Việt Nam sẽ tạo sức ép cạnh tranh đối với các mặt hàng trong nước. Và như vậy các doanh nghiệp trong nước cũng phải thay đổi  chất lượng theo yêu cầu của Hiệp định đưa ra để hàng hóa chúng ta có thể xuất khẩu sang các nước thuận lợi hơn. Do đó, dù là hàng trong nước thì  khi mua người tiêu dùng  như vẫn là người được hưởng lợi nhiều nhất.

Nhưng cũng là thách thức

EU là một trong những thị trường hàng đầu thế giới xét cả về quy mô của thị trường và trình độ công nghệ, tiềm năng tài chính. Do vậy, thị trường này hết sức khó tính, đòi hỏi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn của các quốc gia EU mới tận dụng được thời cơ của EVFTA, đặc biệt là các yêu cầu bắt buộc về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường…

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI, hiện tại, hiểu biết về Hiệp định EVFTA của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không nhiều. Hơn nữa, khả năng thay đổi để thích hợp với EVFTA cũng khá hạn chế khi có tới nhiều doanh nghiệp khó cải thiện điều kiện lao động, khó đầu tư vào công nghệ mới hoặc thói quen kinh doanh thiếu chuyên nghiệp từ trước đến nay vẫn chưa được cải thiện.

Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh mà Hiệp định EVFTA mang lại được nhận định là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Do đó, Hiệp định EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi tư duy và phương thức kinh doanh, chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài tham gia dây chuyền cung ứng toàn cầu.

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CÔNG TY LUẬT CIS

109 Hoàng Sa, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
ĐT: 028 3911 8581 – 0938 548 101
Email: info@cis.vn