Hát karaoke, phải trả thêm 2.000 đồng/bài

Mới đây, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) quyết định triển khai thu phí tác quyền. Cụ thể, đó là quyền liên quan đối với hơn 10.000 bản ghi âm, ghi hình tác phẩm âm nhạc thuộc quyền sở hữu, quyền quản lý của RIAV tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, các địa điểm kinh doanh dịch vụ ca hát có sử dụng thiết bị karaoke trên cả nước. Liệu RIAV có quyền thu phí như vậy hay không?

tra them 2000 dong bai karaoke

RIAV được thành lập theo Quyết định số 31/2003/QD-BNV ngày 16/6/2003. Chức năng chính của RIAV là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội viên là cá nhân, tổ chức sản xuất các chương trình băng đĩa ghi âm. Các hội viên ủy quyền cho RIAV để đại diện bảo vệ quyền tác giả, RIAV sẽ thay mặt các hội viên thực thi quyền này bằng nhiều cách khác nhau như thu phí quyền tác giả bản ghi âm, ghi hình…

Việc thu phí của RIAV là đúng quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ. Điều 56.2.a) Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có quy định:

“2. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện các hoạt động sau đây theo ủy quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan:

a) Thực hiện việc quản lý quyền tác giả, quyền liên quan; đàm phán cấp phép, thu và phân chia tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác từ việc cho phép khai thác các quyền được ủy quyền”

Tuy nhiên, vì RIAV chỉ thay mặt thực thi bảo vệ quyền tác giả đối với các hội viên ủy quyền cho Hiệp hội, nên RIAV chỉ có thể thu phí đối với các bản ghi âm, ghi hình của các tác giả đã ủy quyền cho RIAV. Hay nói cách khác, không phải tất cả các bài trong đầu máy karaoke đều bị thu phí, và cơ sở kinh doanh karaoke có thể yêu cầu RIAV xuất trình văn bản ủy quyền nói trên.

Mức thu phí cấp phép 2.000 đồng/bài hát có đúng quy định?

Căn cứ Điều 33.1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009: “Tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng; trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.”

Và tại Điều 45a.1.b) Nghị định 100/2006/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định về nhuận bút, thù lao như sau: “Mức nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất căn cứ vào thể loại, hình thức, chất lượng, số lượng hoặc tần suất sử dụng tác phẩm”.

Như vậy, việc các cơ sở dịch vụ karaoke sử dụng các bản ghi âm, ghi hình nhằm mục đích thương mại thì không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng.

Mức nhuận bút, thù lao được xác định căn cứ vào loại hình, chất lượng, số lượng, hình thức khai thác, sử dụng và hiệu quả kinh tế, xã hội của tác phẩm. Và phải trả cho nhiều đối tượng có liên quan khác không chỉ riêng chủ sở hữu quyền tác giả (bao gồm cả tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất)

Trong trường hợp này, RIAV tự quy định mức thu 2000 đồng/bài/đầu máy karaoke và yêu cầu các cơ sở kinh doanh karaoke phải đóng, không hề có sự thỏa thuận giữa các bên và liệu có khả thi khi phải tập hợp toàn bộ số lượng người có liên quan đến bản ghi âm, ghi hình đó để thống nhất thỏa thuận về mức thu phí và tỷ lệ phân chia?

Ngoài ra, RIAV cũng sẽ gặp phải nhiều khó khăn khi tiến hành thu phí tác quyền, cụ thể:

  • Không thể thu phí hết tất cả cơ sở kinh doanh karaoke nên việc thu phí sẽ không công bằng;
  • Cần có cơ chế kiểm soát việc sử dụng bản ghi âm, ghi hình thuộc phạm vi được ủy quyền cấp phép của Hiệp hội này;
  • Chế tài xử lý các trường hợp gian lận, trốn tránh, chống đối việc thu phí cấp phép;
  • Cần xem xét việc thực thi có chồng lấn đối tượng cấp phép của các CMO (tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả) khác như VCPMC không?
  • Cần có cơ chế công khai, minh bạch quản lý việc chi trả tiền cấp phép thu được;
  • Ngoài cơ sở karaoke thì Hiệp hội có thu phí cấp phép của đối tượng nào nữa không, như là: phòng trà hát với nhau, beer club, vũ trường…có sử dụng hệ thống karaoke nhưng không đăng ký hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke.

Việc bảo vệ quyền tác giả bản ghi âm, ghi hình là như trên là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, có lẽ RIAV nên có một phương án, kế hoạch cụ thể để việc triển khai được hiệu quả trên thực tế./.

Lê KhanhCIS Law Firm