Hội nghị WIPO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về quản lý tập thể Quyền tác giả – Quyền liên quan

Vừa qua, một sự kiện bản quyền nổi bật vừa được diễn ra tại thủ đô Ulaanbaatar, Mông Cổ: Hội nghị WIPO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan, được tổ chức bởi Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) cùng sự hỗ trợ của Cục Sở hữu Trí tuệ Mông Cổ, Cục Sở hữu Trí tuệ Nhật Bản. Tham dự Hội nghị là các đại biểu đến từ Bangladesh, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Fiji, Indonesia, Iran, Lào, Malaysia, Nepan, Pakistan, Papua New Guinea, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan, Mông Cổ, Nhật Bản và Việt Nam.

Tại Hội nghị, các đại biểu được đã được tiếp cận một cách sâu sát hơn các điều ước quốc tế về quyền tác giả và quyền liên quan như Công ước Bern 1886, Công ước Rome 1961, Hiệp ước Quyền tác giả WIPO 1996 (WCT), Hiệp ước WIPO về cuộc biểu diễn và bản ghi âm 1996 (WPPT) …. Đây là những quy định pháp lý cơ bản và quan trọng trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên toàn thế giới. Ngoài ra, các đại biểu đã thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về việc thực thi quyền tác giả – quyền liên quan, chẳng hạn như về quá trình cấp phép, hợp đồng sử dụng quyền tác giả – quyền liên quan, cách phân chia tiền nhuận bút, khai thác và quản lý tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình…

Hội nghị WIPO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về quyền tác giả – quyền liên quan là một minh chứng cho sự quan tâm của WIPO nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung về vấn đề bản quyền tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, khu vực có tỉ lệ vi phạm bản quyền cao trên thế giới. Việt Nam là một trong các quốc gia có tỉ lệ xâm phạm bản quyền thuộc hàng cao nhất trong khu vực: 85% – con số này đã không thay đổi trong suốt ba năm 2008, 2009, 2010 (số liệu cập nhật vào tháng 05/2010). Nguyên nhân của vấn nạn này nằm ở nhận thức và thói quen trong việc sử dụng các tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình mà không quan tâm đến vấn đề bản quyền

Để thay đổi một thói quen, cần có sự nỗ lực của từng cá nhân trong trong hội và đặc biệt cần những tổ chức, cá nhân có tâm huyết, kiến thức lẫn kinh nghiệm trong vấn đề thực thi bản quyền tại Việt Nam. CIS kể từ khi thành lập năm 2006 đã chọn riêng con đường đi mang tên “bản quyền”, điều này được thể hiện ngay tại tên gọi của chúng tôi: Công ty Luật Hợp danh Bản Quyền Quốc Tế. Trong 4 năm miệt mài, chúng tôi đã, đang và sẽ theo đuổi theo định hướng ban đầu đó với một quyết tâm “Đưa bản quyền trở thành một quyền cơ bản và được tôn trọng trong xã hội”.

CIS.