Khai báo y tế gian dối làm lây covid-19 coi chừng đi tù

Chắc mọi người không quên được rằng vào ngày 26/2, cả nước đang trong tâm thế rất vui mừng, các trường học cũng đã có kế hoạch cho học sinh, sinh viên đi học lại vì Bộ Y Tế công bố kết quả 16/16 bệnh nhân mắc COVID-19 ở nước ta đều khỏi bệnh và đã được ra viện

Nhưng chỉ chưa đầy 1 tuần sau đó, đó là ngày 06/3, một buổi tối không bao giờ quên được của tập thể các hộ dân sinh sống tại phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội khi cả khu phố đã bị buộc phải cách ly vì trường hợp bệnh nhân số 17. Cụ thể, rạng sáng ngày 1-3, nữ bệnh nhân lên máy bay bay từ London về Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi nhập cảnh, bệnh nhân 17 đã không khai báo đầy đủ hành trình di chuyển của mình, bởi vậy cô đã không bị đưa tới khu cách ly tập trung để theo dõi sức khỏe. Sau đó, cô bị phát hiện nhiễm bệnh dẫn đến toàn bộ khu phố bị cách ly.

Tiếp đến là vụ việc của Bệnh nhân số 34 ở Bình Thuận, cũng vì không khai báo trung thực về hành trình của mình mà tính đến ngày 14/3, “bệnh nhân 34” đã lây cho 8 người tiếp xúc gần và 2 người tiếp xúc với người tiếp xúc. Các chuyên gia cho rằng có thể coi bệnh nhân này là trường hợp siêu lây nhiễm đầu tiên ở Việt Nam.

Vấn đề khai báo gian dối đang nhận được sự quan tâm, bàn tán rất lớn của Cộng đồng, nhiều mục bình luận trên nhiều trang báo, nhiều diễn đàn, trang facebook cá nhân,.. rất bức xúc và tỏ thái độ tiêu cực đối với bệnh nhân không có ý thức trong việc khai báo y tế, nhiều bình luận rất gay gắt như: …

  • Ngoài phạt tiền phải cho ngồi tù nữa. Sáng nay thời sự phân tích rồi. Gây bệnh truyền nhiễm ở mức báo động do bộ y tế đưa ra thì mức ít nhất cũng 5-10 năm tù.
  • Trời ơi, Em N này lây nhiễm cho mấy chục người thế này ?
  • Không phải phạt dân sự đâu, phải phạt hình sự mới đúng.
  • Có một số comment cho rằng làm như vậy là một hành động thiếu ý thức, không có đạo đức

Tiếp nối các video trước, chủ đề của video ngày hôm nay sẽ là chế tài khi khai báo gian dối, không trung thực làm lây lan bệnh truyền nhiễm, thông qua buổi trò chuyện cùng Luật sư Hoàng Trung Kiên – Luật sư điều hành của Công t Luật CIS nhé!

MC: Xin chào Luật sư, trước những ý kiến của nhiều người về vấn đề xử lý nghiêm người không trung thực trong khai báo y tế, Luật sư có suy nghĩ gì về vấn đề này?

LS: Xin chào các bạn

Đại dịch viêm phổi Vũ Hán – đang là mối quan tâm hàng đầu của người dân Việt Nam cũng như thế giới.

Trong giai đoạn đầu phòng chống dịch bệnh, Việt Nam đã rất thành công khi chữa khỏi hoàn toàn 16 ca bệnh, không có ca nhiễm mới trong vòng 20 ngày và sắp công bố hết dịch.

Tuy nhiên, vì một số cá nhân thiếu ý thức, không trung thực khi khai báo y tế như bệnh nhân số 17 (không khai báo y tế khi đi qua vùng dịch là Italia) hay Bệnh nhân số 34 không hợp tác khi khai báo lịch trình đi lại, những người đã từng tiếp xúc trong thời gian ủ bệnh hay trường hợp một cô gái ở Bình Dương không những trốn tránh việc khai báo từng đi qua vùng dịch là Daegu (Hàn Quốc) mà còn livestream phổ biến “bí quyết” trốn cách ly trên Facebook.

Những hành vi không trung thực như trên đã khiến xã hội bức xúc và lên án mạnh mẽ.

MC: Với hành vi trên thì có bị coi là vi phạm pháp luật không? Nếu có thì chế tài là gì, thưa Luật sư?

LS: Theo quy định, hành vi Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm là những hành vi bị nghiêm cấm.

Tuỳ thuộc vào tính chất và mức độ ảnh hưởng, mà có các chế tài tương ứng sau:

Thứ nhất: Chế tài về xử phạt vi phạm hành chính:

  • Hành vi không thực hiện khai báo về kiểm dịch y tế biên giới, sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng,
  • Hành vi Che giấu hiện trạng phải kiểm dịch y tế, sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng.
  • Hành vi không thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, sẽ bị phạt từ 15-20 triệu đồng.

Thứ hai: Về chế tài hình sự:

Theo quy định của Bộ luật hình sư hiện hành, và Văn bản hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, vừa ban hành ngày 30/3/2020, đối với một số hành vi vi phạm pháp luật, có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh,  theo đó:

  • Đối với Người đã được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh, hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh covid 19, mà không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ, hoặc khai báo gian dối, gây lây truyền dịch bệnh Covid 19 cho người khác, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; nếu hành vi này dẫn đến làm chết người, thì mức phạt tù có thể lên đến 12 năm tùy theo mức độ thiệt hại.
  • Đối với Người chưa bị mắc bệnh covid 19, nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong toả mà không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ, hoặc khai báo gian dối gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên, do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; nếu hành vi này dẫn đến làm chết người thì mức phạt tù có thể lên đến 12 năm tùy theo mức độ thiệt hại.

Theo sự hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, nhằm tăng tính răng đe, nâng cao  nhận thức của người dân trong việc khai báo y tế, góp phần kiểm soát dịch bệnh, trong thời gian tới, Tòa án, viện kiểm sát và cơ quan điều tra cùng nhau phối hợp chặt chẽ, tiến hành truy tố, xét xử các hành vi vi phạm trên. Thủ tục tố tụng cũng sẽ được rút gọn, theo đó:

  • Thời hạn điều tra là 20 ngày,
  • Thời hạn truy tố bị can: là 5 ngày:
  • Thời hạn quyêt định xét xử là 10 ngày

Như vậy do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, và nhằm ngăn ngừa hành vi khai báo y tế gian dối, tạo ra sự răn đe chung, thủ tục điều tra, truy tố, xét xử với tội phạm này được thực hiện với thời gian rút ngắn.

Đây là một biện pháp rất cứng rắn, hay nói chính xác hơn là chế tài nghiêm khắc nhất của nhà nước đối với người vi phạm, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, giúp ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh Covid trong thời điểm hiện nay.

MC: Thưa Luật sư, xin luật sư cho biết các quy định khai báo y tế khi tiến hành nhập cảnh vào Việt Nam ạ?

LS: Thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã triển khai áp dụng khai báo y tế bắt buộc với tất cả hành khách nhập cảnh về từ vùng có dịch và gần đây Bộ Y tế cũng đã triển khai y tế điện tử với 100% hành khách nhập cảnh từ nước ngoài. Thông qua quá trình khai báo y tế, cơ quan y tế có thể nắm được tình trạng sức khỏe của người nhập cảnh  thông qua máy đo thân nhiệt, tờ khai, thông tin người nhập cảnh phải khai báo.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã bước sang giai đoạn 2 của việc chống dịch Viêm phổi Vũ Hán. Dịch bệnh không chỉ vào nước ta từ một, hai phía mà vào từ rất nhiều phía, thậm chí đang nằm trong cộng đồng. Do đó, nhằm đẩy mạnh nỗ lực kiểm soát và ngăn ngừa dịch, Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch đã chỉ đạo việc triển khai khai báo y tế toàn dân, bắt đầu từ ngày 10/03, mặc dù đây không phải là khai báo bắt buộc có tính ràng buộc pháp luật như việc khai báo y tế đối với người nhập cảnh vào Việt Nam, nhưng đây sẽ là sự đóng góp tích cực cho việc chống dịch.

Điều này sẽ giúp công tác chống dịch tốt hơn. Đây là hành động thiết thực và ý nghĩa.

Do đó, bà con và các bạn nên thực hiện. Dĩ nhiên là, khi khai báo thì cần khai trung thực, khi đó sẽ công tác phòng chống dịch đạt được hiệu quả mong muốn.

MC: Xin cảm ơn Luật sư về phần trả lời vừa rồi.

Như vậy, việc khai báo y tế gian dối trong bối cảnh cả nước đang quán triệt phương châm “chống dịch như chống giặc” cần phải bị xử lý nghiêm. Vậy làm thế nào để khai báo y tế một cách nhanh chóng và dễ dàng?

Hiện tại, Để khai báo sức khỏe, người dân có thể truy cập vào https://tokhaiyte.vn/ hoặc tải các ứng dụng hỗ trợ, điền thông tin theo hướng dẫn.

Như vậy, có thể thấy rằng, các cơ quan Nhà nước đã và đang tích cực nỗ lực trong công tác phòng, chống, khống chế dịch bệnh. Mỗi người dân chúng ta cũng cần chung tay góp sức vào phong trào phòng chống dịch bệnh bằng cách tuân thủ các quy định về y tế, phòng dịch. tuyệt đối không nên có những hành động như trốn cách ly, che dấu khai báo y tế gây khiến cho công tác phòng, chống dịch thêm khó khăn, tình hình dịch bệnh càng phức tạp.

Chúng ta có đẩy lùi được dịch bệnh COVID-19 hay không phụ thuộc rất lớn vào ý thức phòng chống dịch của mỗi người dân.

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM
Điện thoại: 028 3911 8580 – 3911 8581
Email: info@cis.vn