Năm 2018 – Tăng lương tối thiểu vùng

Ngày 07/12/2017 vừa qua, Chính Phủ đã ban hành Nghị định 141/2017 về mức lương tối thiểu vùng năm 2018. Theo đó mức lương tối thiểu vùng năm 2018 cụ thể như sau:Luong toi thieu vung 2018

Vùng Mức lương tối thiểu vùng năm 2017 (đồng/tháng) Mức lương tối thiểu vùng năm 2018 (đồng/tháng) Mức lương tối thiểu vùng tăng lên so với năm 2017 (đồng/tháng)
I 3.750.000 3.980.000 230.000
II 3.320.000 3.530.000 210.000
III 2.900.000 3.090.000 190.000
IV 2.580.000 2.760.000 180.000

Bảng thống kê mức lương tối thiểu vùng 2017-2018

Mức lương này được chính thức áp dụng từ ngày 01/01/2018. Dành cho đối tượng là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động. Các doanh nghiệp căn cứ vào mức lương này để điều chỉnh thang lương, bảng lương cho phù hợp.

Những lưu ý khi áp dụng mức lương tối thiểu vùng:
  • Đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất sẽ không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
  • Riêng với người lao động làm công việc đã qua đào tạo nghề, học nghề mức lương tối thiểu vùng được áp dụng phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

Như vậy mức lương tối thiểu vùng áp dụng với đối tượng người lao động đã qua đào tạo nghề, học nghề như sau:

Vùng Mức lương tối thiểu vùng được áp dụng đã qua đào tạo nghề, học nghề (đồng/tháng)
I 3.980.000 + 3.980.000 x 7% =  4.258.600
II 3.530.000 + 3.530.000 x 7% =  3.777.100
III 3.090.000 + 3.090.000 x 7% =  3.306.300
IV 2.760.000 + 2.760.000 x 7% =  2.953.200

Mức lương áp dụng với người lao động đã qua đào tạo nghề, học nghề

Doanh nghiệp cần lưu ý điều này khi xây dựng thang lương, bảng lương để tính mức đóng BHXH, BHYT. Chẳng hạn nếu người lao động vùng I không qua đào tạo nghề, học nghề sẽ áp dụng mức lương đóng BHXH là 3.980.000, nhưng nếu có qua đào tạo nghề thì mức áp dụng sẽ là 4.258.000.

⇒ Mức lương tối thiểu vùng áp dụng theo địa bàn doanh nghiệp hoạt động

Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng tại địa bàn đó. Trường hợp trong khu công nghiệp, khu chế xuất có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng mức cao nhất.

Chẳng hạn, Doanh nghiệp A hoạt động tại thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai (thuộc vùng I) thì sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng là 3.980.000.

Nếu Doanh nghiệp A hoạt động trong khu chế xuất nằm trên cả vùng I và vùng II thì sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng là 3.980.000 (do mức lương tối thiểu vùng của vùng II thấp hơn vùng I).

Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng xem thêm Phụ lục Nghị định 141/ 2017/NĐ-CP.

Tác giả: Đặng Thị Duyên