Tập đoàn Marriott thất bại khi phản đối cấp đăng ký nhãn hiệu

Ngày 3/5/2018, Cơ quan Sở hữu trí tuệ Vương Quốc Anh (UK IPO) đã từ chối yêu cầu phản đối cấp văn bằng đối với nhãn hiệu “JacHotels”, được nộp bởi JacTravel, một công ty cung cấp dịch vụ lưu trú, khách sạn. Nhãn hiệu được nộp đơn năm 2015 cho dịch vụ vận tải, thông tin du lịch và dịch vụ lưu trú.

AC Hotels là một chuỗi khách sạn của Marriott, hiện tại đã có hơn 130 khách sạn. Marriott đã đăng ký nhãn hiệu “AC Hotels” (2549087) và “AC Hotel” (số đơn 013894944) tại EU.

tap-doan-marriott-01

Oliver Morris, đại diện cho UK IPO cho rằng: ngoài dịch vụ nhà hưu trí và dịch vụ nhà trẻ, các dịch khác của cả 3 nhãn hiệu trong nhóm 43 đều giống (hoặc có tính tương tự cao). Tuy nhiên, cách phát âm cũng là một yếu tố quan trọng. Khi so sánh các nhãn hiệu, UK IPO đánh giá phần chữ “Hotel/Hotels” là thành phần yếu, và thành phần mạnh được quyết định bởi chữ “Jac” và “AC”. Cả 2 nhãn hiệu đều có chứa chữ “ac” tuy nhiên sự tương đồng về thị giác lại ở mức độ trung bình.

Về cách phát âm, ông Morris nhận định: “Theo tôi, “Jac” sẽ được phát âm như là tên của một người – “Jack”, các chữ cái được cấu tạo theo cách dựa trên phát âm của một từ. Còn trường hợp của “AC” sẽ thường được phát âm theo từng chữ cái riêng lẻ”. Do vậy, không thể có sự giống nhau về cách phát âm 2 nhãn hiệu này.

Cuối cùng, UK IPO cho rằng không có một sự gây nhầm lẫn nào giữa 2 nhãn hiệu và yêu cầu phản đối của Marriott không được chấp nhận.

Marriot đã bị yêu cầu phải trả cho JacTravel 700 bảng Anh.

tap-doan-marriott-02

Pháp luật về sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng quy định về quyền phản đối cấp văn bằng bảo hộ. Theo quy định hiện hành, kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng có quyền có ý kiến bằng văn bản gửi cho Cục Sở hữu trí tuệ về quyền đăng ký, quyền ưu tiên, điều kiện bảo hộ và về những vấn đề khác liên quan đến đơn đăng ký sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 112 của Luật Sở hữu trí tuệ. Văn bản nêu ý kiến của người thứ ba được coi là một nguồn thông tin cho quá trình xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.

Xem phán quyết của UK IPO tại đây.

(Tác giả: Lê Khanh, lược dịch từ worldipreview.com)