Tự ý công bố thông tin người nhiễm COVID-19 coi chừng bị truy cứu hình sự – Tòa tối cao hướng dẫn

Những ngày gần đây, số người nhiễm bệnh Covid-19 ở Việt Nam không ngừng tăng. Trên mạng xã hội đã và đang lan truyền nhiều thông tin có liên quan đến danh tính, hình ảnh của bệnh nhân Covid-19, người bị nghi nhiễm và bị cách ly; một số tờ báo cũng công khai tên tuổi của người bệnh. Mặt khác, cũng có trường hợp một số cá nhân đã có hành vi công kích, lăng mạ, chửi bới người nhiễm bệnh, gây ảnh hưởng đến bản thân và gia đình người đó.

Điều này đã khiến bệnh nhân, người nhà của họ và nhiều người đặt ra câu hỏi: Có được công khai danh tính, hình ảnh của bệnh nhân Covid-19 và những người có liên quan hay không?

Có một số ý kiến cho rằng: “Cần thiết công khai danh tính người nhiễm COVID-19”. Theo đó, trường hợp người nhiễm Covid -19 không nhớ hoặc cố tình không khai lộ trình di chuyển thì những người đã tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm này có khả năng bị lây nhiễm mà mình không hề biết. Ngược lại, nếu họ biết thông tin của người nhiễm, thì họ có thể bảo vệ mình, gia đình, người thân bằng cách tự khai báo, cách ly hoặc đến các cơ sở khám chữa bệnh để kiểm tra. Việc cung cấp chi tiết thông tin về người nhiễm Covid-19 góp phần tránh lây lan bệnh dịch. Nếu không công khai danh tính người nhiễm Covid-19 có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng vì gieo rắc tâm lý sợ hãi cho nhiều người, rằng mình có tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm hay không.

Song, một số khác lại cho rằng: “Không nên công khai danh tính, hình ảnh bệnh nhân và người liên quan Covid-19” bởi việc này ảnh hưởng đến bản thân của người nhiễm, ảnh hưởng không chỉ đến công việc, đến sinh hoạt thường ngày mà đôi khi ảnh hưởng đến đời sống tinh thần như xúc phạm, lăng mạ, miệt thị,… đồng thời, việc công khai danh tính người bệnh đi ngược lại nguyên tắc và luật y tế về bảo vệ thông tin cá nhân của người bệnh.

Vậy vấn đề đặt ra ở đây là: pháp luật đã quy định như thế nào về vấn đề này? Với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lây lan như hiện nay thì những quy định này được thực thi như thế nào?

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời bạn đọc tìm hiểu cùng Chuyên gia Nguyễn Thị Hồng Hạ – Trưởng phòng Pháp lý doanh nghiệp của công ty Luật CIS.

MC: Xin chào chị Hồng Hạ,

MC: Trước tiên xin hỏi chị Hồng Hạ, pháp luật quy định như thế nào về danh tính, hình ảnh của một cá nhân?

Chuyên gia:

Danh tính, hình ảnh, thông tin của một cá nhân thuộc về đời sống riêng tư của người đó. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là một trong những quyền công dân, quyền con người cơ bản, quan trọng nhất được pháp luật ghi nhận. Cụ thể:

– Điều 21 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 nêu rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.

– Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cụ thể quyền bí mật đời tư: “Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”.

– Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền của cá nhân đối với hình ảnh: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.”

MC: Quy định đối với thông tin người bệnh nói chung và bệnh nhân nhiễm covid nói riêng như thế nào ạ?

Chuyên gia:

Điều 8 Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định rõ người bệnh được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án; thông tin này chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định.

Điều 9, Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng quy định người bệnh được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám bệnh, chữa bệnh; không bị kỳ thị, phân biệt đối xử.

Ngoài ra, điều 33 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cũng quy định rõ một trong các trách nhiệm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh.

Như vậy, nếu không có sự đồng ý của người bệnh, các bác sỹ, bệnh viện, cơ sở điều trị không được quyền cung cấp tình trạng bệnh của bệnh nhân đang trong quá trình điều trị.

Đối với những trường hợp những người nhiễm Covid-19, bản thân họ cũng là bệnh nhân nên họ có quyền được tôn trọng về quyền riêng tư của người bệnh, tránh những hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị, xâm phạm quyền nhân thân của họ. Như mới đây Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chụp hình một bệnh nhân người Mỹ cũng phải hỏi ý kiến của người này.

tiet-lo-thong-tin-covid19

MC: Như vậy trong trường hợp nào thì danh tính bệnh nhân và những người liên quan dịch covid được công khai thưa chị?

Chuyên gia:

Quyền tự do về hình ảnh, quyền bảo vệ đời tư bí mật cá nhân được hiến pháp và pháp luật ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 14, Hiến pháp Việt Nam năm 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Đối với Covid-19, Nhà nước đã công bố dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A, tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm. Vì vậy, mọi trường hợp dịch phải được công bố theo Điều 38 luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, lại là bệnh dễ lây lan thì việc công bố danh tính, lộ trình di chuyển của bệnh nhân Covid-19 hoặc người bị cách ly theo Tôi là cần thiết.

Khi đại dịch xảy ra, trong hàng loạt biện pháp được triển khai thì việc công bố các thông tin liên quan đến bệnh nhân đã nhiễm bệnh hoặc có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh là một trong những biện pháp phòng dịch.

Việc công khai người nhiễm hoặc đã bị cách ly y tế bắt buộc để người dân ở cùng khu vực, cùng nơi công tác được biết đó là ai, ở địa chỉ nào, từng đi những nơi đâu, trên chuyến bay, chuyến xe nào để họ có biện pháp bảo vệ cho bản thân, gia đình cũng như thực hiện khai báo chính xác, kịp thời, đảm bảo an tòan cho cá nhân người bệnh và những người xung quanh.

MC: Vậy việc công khai danh tính của bệnh nhân và người liên quan đến dịch Covid-19 được thực hiện như thế nào ạ?

Chuyên gia:

Việc công bố thông tin của bệnh nhân và người liên quan dịch Covid-19 của cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam lâu nay đều đảm bảo tốt quyền của công dân khi danh tính đều được viết tắt và ký hiệu bằng số như BN17, BN21.

Thông tin được công bố bao gồm giới tính, tuổi, quốc tịch, khu vực sinh sống, quá trình nhập cảnh vào Việt Nam, tình trạng hiện tại (đang điều trị, theo dõi ở đâu, sức khỏe thế nào) … Đối với các trường hợp tiếp xúc người bệnh F1, F2 thì chỉ công khai khu vực địa phương nơi sinh sống.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng công bố lộ trình di chuyển của các bệnh nhân covid để người có tiếp xúc hoặc đã đến những địa điểm trong lộ trình chủ động khai báo y tế và thực hiện các hướng dẫn phòng chống bệnh, hạn chế lây lan cộng đồng. Gần đây nhất là thông báo khẩn số 8 nêu 6 địa điểm liên quan đến bệnh nhân Covid-19.

MC: Như chị Hồng Hạ có thông tin việc công bố danh tính, hình ảnh của bệnh nhân và người liên quan dịch Covid-19 do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện, tuy nhiên, trên thực tế, không ít cá nhân đưa tin lan truyền trên mạng xã hội rất nhiều hình ảnh, thông tin cụ thể về bệnh nhân covid và những người có liên quan. Xin chị chia sẻ quy định pháp luật về trường hợp này?

Chuyên gia:

Theo quy định tại Điều 8 của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định không được phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

Theo Tôi thì cần phân biệt như sau:

Trường hợp các cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện việc công bố danh tính, hình ảnh của bệnh nhân và người liên quan dịch Covid-19 trên các phương tiện thông tin đại chúng thì việc cá nhân đưa tin một cách chính xác là cần thiết nhằm truyền thông tin nhanh chóng đến mọi người, góp phần ngăn chặn dịch bệnh

Ngược lại nếu cá nhân, tổ chức khác tự ý đăng tải các thông tin đầy đủ tên tuổi, danh tính, địa chỉ của bệnh nhân và người liên quan dịch Covid-19 hoặc có những hành vi công kích, chửi bới, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm những người này thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.

MC: Chuyên gia có thể chia sẻ rõ hơn về các chế tài đối với hành vi tự ý công khai, tiết lộ thông tin, hình ảnh người bệnh Covid-19 không ạ?

Chuyên gia:

Đối tượng thực hiện hành vi này có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 100.000-300.000 đồng.

Ví dụ như trường hợp một người ở Trà Vinh đã bị xử phạt vì đã đăng tải văn bản báo cáo nhanh về tình hình tiếp xúc với người nghi nhiễm covid lên facebook của mình mà không có sự đồng ý của người nghi nhiễm covid có thông tin trên báo cáo đó.

Vâng xin cảm ơn những chia sẻ của chuyên gia Hồng Hạ.

Việc phòng chống dịch không là nhiệm vụ của riêng cơ quan, tổ chức nào, mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Việc công khai danh tính người nhiễm bệnh để xã hội cùng giám sát, kịp thời phát hiện và ngăn chặn nguy cơ lây lan trong thời điểm hiện nay là cần thiết để đẩy lui được dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhận thức rõ ràng mục đích của việc công khai nhằm bảo vệ lợi ích chung cho cộng đồng.  Nếu không, việc các cá nhân tổ chức lợi dụng việc công khai với mục đích tiêu cực sẽ tạo ra tâm lý sợ hãi, trốn tránh khám chữa bệnh và từ đó lại gây nguy cơ lây nhiễm cộng đồng hơn nữa.

 PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM
Điện thoại: 028 3911 8580 – 028 3911 8581
Email: info@cis.vn