Xung đột tên giống cây trồng và nhãn hiệu cây trồng

Tên giống cây trồng và tên dùng cho sản phẩm cây trồng (lĩnh vực sản xuất nông nghiệp) đều là đối tượng được bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ. Khi được bảo hộ, chủ tên gọi đều có quyền ngăn cấm người khác sử dụng tên gọi trùng hoặc tương tự với tên gọi của mình trong lĩnh vực tương ứng. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu cùng một tên nhưng tiến hành đăng ký bảo hộ ở hai hình thức khác nhau?

1. Tên giống cây trồng trong thủ tục đăng ký bảo hộ giống cây trồng

Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu, được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký giống cây trồng.

bang-bao-ho-giong-cay-trong

Giống cây trồng được bảo hộ là giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển, thuộc Danh mục loài cây trồng được Nhà nước bảo hộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp.

Trường hợp giống cây trồng đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ thì sẽ được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng, trong đó có ghi nhận các thông tin tên giống, có hiệu lực kể từ ngày cấp đến hết 25 năm (đối với giống cây thân gỗ và cây nho) hoặc hết 20 năm (đối với các giống cây trồng khác).

ten-giong-cay-trong

Theo quy định tại khoản 2 Điều 188 Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi “sử dụng tên giống cây trồng mà tên đó trùng hoặc tương tự với tên giống cây trồng đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài hoặc loài liên quan gần gũi với giống cây trồng đã được bảo hộ” bị coi là hành vi “xâm phạm quyền đối với giống cây trồng” và căn cứ Khoản 3 Điều 12 Nghị định 31/2016/NĐ-CP sửa đổi năm 2020, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật thì hành vi “sử dụng tên giống cây trồng trùng hoặc tương tự với tên giống cây trồng đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài hoặc loài liên quan gần gũi với giống cây trồng đã được bảo hộ” sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (mức phạt đối với tổ chức là gấp đôi).

Như vậy, trong trường hợp tên giống cây trồng đã được đăng ký bảo hộ theo thủ tục đăng ký giống cây trồng và giống cây trồng đó được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng thì việc sử dụng tên giống cây trồng trùng hoặc tương tự với tên giống cây trồng đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài hoặc loài liên quan gần gũi với giống cây trồng đã được bảo hộ đó thì sẽ bị coi là “xâm phạm quyền đối với giống cây trồng

2. Tên giống cây trồng đăng ký bảo hộ theo thủ tục đăng ký nhãn hiệu?

Theo quy định pháp luật, “nhãn hiệu” là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc, có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác

Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký nhãn hiệu.

Để được cấp Văn bằng bảo hộ (Giấy chứng nhận đăng ký) nhãn hiệu thì nhãn hiệu đăng ký cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ theo quy định. Hiệu lực bảo hộ là 10 năm, kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn không giới hạn số lần (mỗi lần 10 năm).

van-bang-bao-ho

Theo quy định tại Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi sử dụng dấu hiệu trùng/ tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ cho các hàng hóa/dịch vụ cùng loại hoặc tương tự thì bị coi là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Theo danh mục hàng hóa, dịch vụ dùng để đăng ký nhãn hiệu thì “cây giống, hạt giống; Rau, củ và quả tươi, thảo mộc tươi; Cây và hoa tự nhiên” là các loại hàng hóa mà nhãn hiệu có thể được đăng ký bảo hộ.

Trong trường hợp nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chữ (tên riêng), danh mục hàng hóa đăng ký là những loại trên và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn bảo hộ nhãn hiệu thì nhãn hiệu đó sẽ được cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, có hiệu lực bảo hộ vĩnh viễn (nếu gia hạn đúng hạn, đầy đủ), lâu hơn rất nhiều so với hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng.

3. Xung đột giữa tên giống cây trồng và nhãn hiệu được xử lý như thế nào?

Một tên gọi/tên riêng dùng cho cây giống, hạt giống, rau, củ và quả tươi, thảo mộc tươi, cây và hoa tự nhiên đang thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu) và pháp luật giống cây trồng.

Xét về khía cạnh nhãn hiệu, theo quy định tại Khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ, các dấu hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu “là tên gọi thông thường của hàng hóa” (điểm b), hay “chỉ chủng loại… hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hóa…” (điểm c). Theo đó, nếu tên của giống cây trồng đó đã được biết đến như là tên gọi thông thường hoặc chủng loại thì tên gọi/tên riêng đó không đáp ứng tính phân biệt để được độc quyền bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu.

Như vậy, nếu trong quá trình nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, bất kỳ tổ chức/cá nhân nào cũng có quyền đề nghị cơ quan đăng ký xem xét, từ chối cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu nếu tên gọi đăng ký nhãn hiệu đã được biết đến như là tên gọi thông thường của giống cây trồng, tên chỉ về chủng loại, hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả về hàng hóa đăng ký.

Trường hợp không có ý kiến phản đối, không có cơ sở xác định tên gọi đăng ký đã là tên gọi thông thường, chủng loại của giống cây trồng, và đáp ứng đầy đủ các điều kiện khác, như: không trùng/tương tự gây nhầm lẫn với bất kỳ nhãn hiệu nào của người khác đã đăng ký trước thì Cơ quan đăng ký sẽ cấp Văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu đăng ký đó. Sau khi nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ thì thời hiệu yêu cầu hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu chỉ là 5 năm (trừ trường hợp nộp đơn không trung thực), quá thời hạn này thì nhãn hiệu sẽ không thể hủy bỏ hiệu lực, kể cả lí do là tên gọi thông thường, chủng loại của giống cây trồng.

Đối với tên trong thủ tục đăng ký giống cây trồng, thì theo khoản 1, khoản 2 Điều 163 Luật Sở hữu trí tuệ, khi đăng ký bảo hộ giống cây trồng, người đăng ký phải đề xuất một tên phù hợp cho giống cây trồng với cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng,… và theo điểm đ khoản 3 Điều 163 Luật Sở hữu trí tuệ, tên của giống cây trồng nếu “trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, … đã được bảo hộ trước ngày công bố đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng” thì bị coi là “không phù hợp”.

Như vậy, nếu trước ngày công bố đơn đăng ký giống cây trồng, tên riêng/tên gọi đó đã được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu thì tên riêng/tên gọi đó không đáp ứng điều kiện để được đăng ký giống cây trồng.

Đối với các tình huống trên thì việc xảy ra xung đột sẽ được xử lý đơn giản.

Tuy nhiên, trường hợp xảy ra trên thực tế phức tạp hơn, đó là theo quy định pháp luật về giống cây trồng, việc đưa ra thị trường vật liệu nhân giống của giống cây trồng phải sử dụng tên giống cây trồng như ghi trong VBBH, kể cả sau khi kết thúc thời hạn bảo hộ (Khoản 4 Điều 163 Luật SHTT). Nếu một cá nhân/tổ chức tiến hành đăng ký tên gọi đó dưới dưới hình thức nhãn hiệu, được cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và không có khiếu nại, phản đối, thì sau khi kết thúc thời hạn bảo hộ giống cây trồng, chủ sở hữu nhãn hiệu tiến hành ngăn cấm người khác sử dụng tên giống cây trồng đó, dẫn đến một số bất cập trong thực tiễn thi hành.

Trước tình hình này thì hiện nay Bộ Khoa học Công Nghệ đang đề xuất trong lần sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ kế tiếp, sẽ bổ sung vào Luật SHTT quy định về loại trừ, không bảo hộ tên giống cây trồng làm nhãn hiệu và quyền được sử dụng tên giống cây trồng của công chúng./.

Như vậy, trong lĩnh vực sản phẩm nông nghiệp, bao gồm cây giống, hạt giống, rau, củ và quả tươi, thảo mộc tươi, cây và hoa tự nhiên, để tránh:

♦ nhãn hiệu đăng ký bị từ chối vì lí do trùng, tương tự với tên, chủng loại giống cây trồng đã được biết đến rộng rãi; hoặc

♦ sử dụng tên gọi vi phạm tên giống cây trồng đã được đăng ký bảo hộ giống cây trồng của người khác

thì người đăng ký nhãn hiệu nên được đơn vị chuyên nghiệp tra cứu, đánh giá khả năng bị xung đột trước khi quyết định nộp đơn đăng ký.

Về thủ tục và quy trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, tham khảo ở đây.

Công ty Luật HD Bản quyền Quốc tế (CIS Law Firm) là tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp được chứng nhận bởi Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Để giải đáp thắc mắc về vấn đề bảo hộ nêu trên, Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ thông tin bên dưới để được tư vấn và yêu cầu dịch vụ:

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8580 – 3911 8581
Email: 
info@cis.vn

(Tác giả: Nguyễn Thị Mỹ Duyên)