Bản quyền âm nhạc năm qua thu về 32,5 tỷ đồng

Ngày 22/01/2010 vừa qua tại Hà Nội, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã tổ chức buổi tổng kết hoạt động trong năm 2010. Theo báo cáo của VCPMC, tổng số tiền thu được từ tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc trong năm qua đã đạt mức 32,5 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2009.

Trong số đó, những nguồn thu chủ yếu là bản quyền nhạc chuông điện thoại (9,7 tỷ đồng); từ karaoke, quán rượu, phòng trà (3,9 tỷ đồng); từ các khu vui chơi giải trí như rạp chiếu phim, vũ trường, nhà hàng, khu mua sắm (3,6 tỷ đồng); từ các trang web tải nhạc (2,5 tỷ đồng); từ hoạt động biểu diễn ca nhạc (1,9 tỷ đồng); từ các tụ điểm ca nhạc, sự kiện truyền thông và các sự kiện có cấp phép khác (411 triệu đồng).

Theo đánh giá của ông Ang Kwee Tiang, giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Liên minh Quốc tế các Hiệp hội Tác giả và Nhạc sĩ (CISAC) thì số tiền 32,5 tỷ đồng mà Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thu được cao hơn các cơ quan có chức năng tương tự tại Indonesia, Thái Lan và gần như tương đương với các cơ quan của Philippines. Trong số 32,5 tỷ đồng thu được này, VCPMC đã phân phối 22,8 tỷ đồng cho các nhạc sĩ, tác giả.

Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, có 34 nhạc sĩ nhận được trên 100 triệu đồng tiền bản quyền trong năm qua, trong đó có 3 nhạc sĩ thu được gần 250 triệu đồng. Các nhạc sĩ ở miền Bắc “thu hoạch” lớn nhất bao gồm Tường Văn, Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Phú Quang, Nguyễn Cường, Nguyễn Hoàng Linh, An Thuyên, Văn Cao, Hồ Hoài Anh và Phó Đức Phương. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng, thể hiện văn hóa bản quyền của Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Các số liệu nói trên đã phản ánh một điều rằng xã hội đã có sự quan tâm nhất định về vấn đề bản quyền, một vấn đề vẫn còn khá mới lạ với một nước có nền văn hóa sở hữu trí tuệ non trẻ như Việt Nam. Sự thành công của VCPMC trong năm 2010 sẽ góp phần thúc đẩy không chỉ các nhạc sỹ, mà các tác giả nói chung lên tiếng đòi lại quyền lợi của mình thông qua các tổ chức quản lý tập thể.

Khi các nhạc sỹ đòi hỏi được quyền lợi hợp lý hợp pháp của mình cũng là lúc toàn xã hội nên đánh giá một cách nghiêm túc về quyền lợi của ca sĩ, diễn viên, vũ công, nhạc công – những người biểu diễn nói chung – những người đã trực tiếp đem tác phẩm đến công chúng.