Bảo vệ tài sản trí tuệ – Mất bò mới lo làm chuồng

Chuyện kể:

Nhà kia tích cóp mua được con bò đẹp, ưng lắm, chăm bẵm suốt ngày. Tối đến, chủ nhà dắt bò buộc vào gốc tre cạnh nhà. Thằng trộm mấy lần rình, đợi khi cả nhà ngủ say, nó tháo dây thừng dắt bò đi mất. Sáng ra ngủ dậy không thấy bò đâu, nhà kia tức lắm. Người hàng xóm sang chơi thấy vậy bảo:

– Chẳng là bác không có chuồng để ngăn kẻ trộm, chứ buộc vào gốc tre thì nó dắt mất là phải.

Nhà kia nghe ra cho là phải, bèn đi mua cột cây về dựng giữa vườn một cái chuồng bò. Vừa làm anh ta vừa nói:

– Phen này thì thằng trộm kia đó mà dắt được bò của ông đi.

Người hàng xóm sang, cả cười:

– Bác mất bò rồi thì làm chuồng làm gì cho phí công, phí của.

Người mất bò lúc ấy mới mới ngớ ra mình làm gì còn bò nữa mà làm chuồng, đành lại dỡ xuống.

Câu chuyện tạo sự liên tưởng đến Việt Nam, nếu xem tài sản trí tuệ là con bò thì đa số doanh nghiệp Việt Nam lại là người nuôi bò trong câu chuyện trên. Thử so sánh sự tương quan của số DN thành lập tại Việt Nam và số đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp trong năm 2015 sẽ thấy sự khác biệt:

SHCN-mat-bo-moi-lo-lam-chuong

Số lượng DN thành lập mới và số lượng đơn đăng ký SNCN trong năm 2015[1]

[1] Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ

Như vậy, số lượng đơn đăng ký SHCN chỉ bằng khoảng 1/3  đến 1/4 so với số lượng DN thành lập mới. Hiển nhiên là bất cứ DN nào khi thành lập cũng có tài sản trí tuệ của riêng mình, nó có thể là nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp hay giải pháp hữu ích…. Nhưng lại rất ít DN đăng ký bảo hộ những tài sản này. Tại sao vậy? Trả lời cho câu hỏi này có thể kể đến các lý do chủ chốt sau:

  • Thiếu nhận thức về giá trị và tài sản trí tuệ: Tài sản trí tuệ là tài sản quý của mỗi doanh nghiệp, bao gồm những sản phẩm trí tuệ có giá trị thương mại và được cấp quyền sở hữu hợp pháp của chủ doanh nghiệp và đội ngũ nhân viên. Ví dụ về sản phẩm trí tuệ bao gồm sản phẩm mới và tên sản phẩm, phương pháp sản xuất mới, quy trình sản xuất mới, chương trình khuyến mại mới, hoặc một kiểu dáng mới. Không phải ngẫu nhiên mà thương hiệu Phở 24 được định giá 20 triệu đô la hay thương hiệu bánh kẹo Kinh Đô được mua với giá 8.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy không những mang giá trị nhận diện cho hàng hóa, dịch vụ, đem lại lợi thế cạnh tranh lớn mà giá trị thương mại của tài sản trí tuệ cũng không thể lường trước được. Tuy nhiên, các DN Việt lại không nhận thức được đúng đắng giá trị ấy mà chỉ chú tâm vào doanh thu, lợi nhuận của mình. Đây là lý do chủ yếu khiến các DN Việt thờ ơ trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ của mình.
  • Thiếu nhận thức về pháp luật SHTT: Đa số các DN Việt Nam khi bước chân vào kinh doanh, vấn đề pháp luật họ quan tâm có lẽ chỉ nằm ở Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư hay cùng lắm là Luật Thuế. Ấy thế mà chả mấy ai quan tâm đến Luật SHTT, điều này dẫn đến việc họ có những nhận thức sai lầm trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Không biết lựa chọn cách thức nào để bảo hộ tài sản trí tuệ của mình. Ví dụ, với bao bì sản phẩm, DN Việt vẫn băn khoăn không biết nên bảo hộ dưới dạng nào? Kiểu dáng công nghiệp hay nhãn hiệu hàng hóa? Làm sao để bảo hộ? Điều kiện như thế nào? Đối với đại đa số các DN Việt, các vấn đề trên luôn làm khó họ.
  • Tư duy “chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt”: Các DN Việt, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa khi được hỏi về việc bảo hộ tài sản trí tuệ của mình thường có chung một câu trả lời: “Đến khi nào sản phẩm của tôi được thị trường chấp nhận, có lợi nhuận lớn thì tôi mới tính tới chuyện đăng ký bảo hộ”. Đây quả thật là nhận thức sai lầm, DN Việt đâu ngờ rằng khi sản phẩm của họ kinh doanh có hiệu quả cũng là lúc giá trị tài sản trí tuệ của mình tăng lên gấp nhiều lần. Và dĩ nhiên, không được đăng ký bảo hộ thì đó là một món hời vô chủ mà ai cũng thèm thuồn nhòm ngó. Nước mắm Phan Thiết, nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột hay cà phê Trung Nguyên chính là điển hình cho việc chờ đến khi sản phẩm chiếm lĩnh được thị trường mới tính tới chuyện đăng ký bảo hộ. Và kết quả thì sao, các thương hiệu trên đều bị các công ty nước ngoài cướp mất một cách “hợp pháp” chỉ bởi một lẽ, các công ty nước ngoài này đã đăng ký bảo hộ chúng theo đúng quy định pháp luật trước khi DN Việt, những người tạo ra thương hiệu đó nhìn nhận được giá trị của chúng.

Từ thờ ơ với việc bảo hộ tài sản trí tuệ, không ít DN Việt đã phải nếm trái đắng. Đến khi phát hiện thì cuống cuồng đi kiện, lúc đó mọi chuyện đã muộn. Thiếu cơ sở bảo hộ thì cơ quan xét xử không thể đứng về phía DN Việt được và DN Việt lại rơi vào thế “Mất bò mới lo làm chuồng”. Vì vậy, hãy hiểu rằng tài sản trí tuệ là một phần quan trọng trong tài sản của DN, hãy bảo vệ nó kể cả khi nó chưa mang lại bất kỳ một lợi ích kinh tế nào cho mình.

“Văn Hùng Phương – ĐH Kinh tế Luật – Thực tập sinh CIS” – 03/2016.

Tin liên quan