Bị nhiễm Covid19 khi làm việc thì có được bồi thường?

Hiện nay, vấn đề đang được xã hội quan tâm nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19 đang phát triển phức tạp với nhiều ca lây nhiễm mới. Trong số những người dương tính với Covid-19 tại Việt Nam, có trường hợp người được Công ty cử đi đào tạo, tập huấn, và gần đây nhất là một nhân viên làm việc trong siêu thị và một hướng dẫn viên du lịch. Những người này bị nhiễm bệnh do ở trong vùng dịch hoặc tiếp xúc với những người bệnh trong quá trình làm việc.

bi-nhiemcovid19-khi-lam-viec

bi-nhiem-covid19-khi-lam-viec

Như vậy, vấn đề đặt ra là, chế độ nào sẽ được áp dụng người lao động bị nhiễm bệnh trong quá trình làm việc, đi công tác, tập huấn?

Mời bạn đọc tìm hiểu thông qua buổi trao đổi cùng Luật sư Hoàng Trung Kiên – Luật sư điều hành công ty Luật CIS và Chuyên gia Nguyễn Thị Hồng Hạ – Trưởng phòng Pháp lý doanh nghiệp của công ty Luật CIS.

1. MC: Xin chào Luật sư, xin Luật sư cho biết, người lao động bị nhiễm Covid-19 khi làm việc, công tác thì có được hưởng chế độ gì không ạ?

Ls: Xin chào các bạn,

Trường hợp người lao động bị nhiễm Covid-19 trong quá trình đi công tác, hoặc nhiễm bệnh từ môi trường làm việc thì tuỳ vào tính chất của công việc mà có thể được hưởng một trong các chế độ như: chế độ ốm đau, chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Theo quy định hiện hành:

Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động.

Một trong những điều kiện để xác định người đó bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp đó là “người đó bị Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh hoặc do tai nạn lao động”.

Đối với chế độ ốm đau, chế độ ốm đau được áp dụng khi người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Theo đó, tương ứng với từng loại mà người lao động sẽ được hưởng những chế độ bảo hiểm tương ứng.

2. MC: Xin luật sư có thể chia sẻ chi tiết hơn về các chế độ bảo hiểm này?

Ls: Khi người lao động bị nhiễm Covid trong quá trình lao động, thì tuỳ thuộc vào tính chất công việc và hậu quả của bệnh, mà chúng ta sẽ xác định đó là tai nạn lao động hay ốm đau, hay bệnh nghề nghiệp.

Tôi xin đưa ra một số ví dụ để các bạn có thể hiểu hơn:

Đối với những lao động đặc thù như: các y bác sĩ, đội ngũ y tế, quân nhân được cử đến những vùng dịch tham gia phòng chống dịch, nếu mắc bênh Covid-19 và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh thì được xác định là bệnh nghề nghiệp.

Còn như trường hợp của nhân viên siêu thị điện máy xanh tại Đà Nẵng hoặc bệnh nhân số 45 là một trong các trường hợp bị nhiễm bệnh khi làm việc, tiếp xúc với khách hàng, trường hợp này được xác định là ốm đau và sẽ được hưởng chế độ trợ cấp ốm đau.

3. MC: Chuyên gia có thể chia sẻ về các chế độ mà Luật sư đã đề cập không ạ?

Chuyên gia: Thứ nhất, đối với chế độ ốm đau, thì tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh theo xác nhận của bác sĩ, tuỳ thuộc ngành nghề và công việc của người lao động đó và tuỳ thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội mà chế độ hưởng ốm đau của mỗi người sẽ khác nhau. Ví dụ: tình trạng cơ bản nhất là khi người lao động làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nghỉ/ năm nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm và người lao động đó được hưởng lương, bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ.

Đối với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tuỳ thuộc vào mức độ suy giảm khả năng lao động, thì xác định chế độ trợ cấp, theo đó, tôi trình bày cơ bản như sau:  Trợ cấp một lần đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30%; Trợ cấp hằng tháng đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên.

4. MC: Xin hỏi Luật sư, khi người lao động được xác định nhiễm Covid-19 thì ngoài chế độ bảo hiểm như trên, doanh nghiệp có phải chịu trách nhiệm gì không ạ?

Ls: Dịch bệnh Covid-19 là bệnh truyền nhiễm với tốc độ lây nhiễm nhanh và đặc biệt bùng phát trong thời gian gần đây. Đây là nguyên nhân khách quan, không phải do lỗi người sử dụng lao động hay do môi trường lao động không bảo đảm. Do đó, khó có thể đặt ra vấn đề trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với trường hợp nhân viên công ty bị nhiễm bệnh trong thời gian làm việc hoặc được cử đi công tác, đào tạo.

5. MC: Như vậy quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng trong trường hợp này ạ?

Ls: Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động bị ốm đau, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì được hưởng các chế độ tương ứng.

Ngoài ra, người bị mắc bệnh truyền nhiễm corona tức thuộc bệnh dịch nhóm A, phải tiến hành điều trị thì được bảo hiểm xã hội tiến hành chi trả theo chế độ ốm đau. Đồng thời được hưởng bảo hiểm về lương và trợ cấp như chị Hồng Hạ đã chia sẻ ở trên.

Chuyên gia: Ngoài ra, Tôi cũng xin chia sẻ thêm Theo Công văn số 422/BHXH-CSXH của BHXH Việt Nam ngày 13/02/2020, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, BHXH Việt Nam đã đề xuất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đồng ý đối với những người bị cách ly y tế mà không bị mắc bệnh truyền nhiễm để phòng dịch theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được hưởng chế độ ốm đau theo quy định trong thời gian cách ly y tế.

Bên cạnh việc có thể được hưởng chế độ ốm đau theo Luật BHXH, người lao động khi nhiễm bệnh Covid-19, nghi ngờ nhiễm Covid-19 cũng được miễn phí hoàn toàn chi phí khám chữa bệnh. Do đó, người lao động có thể an tâm được hỗ trợ tối đa từ phía cơ quan quản lý nhà nước khi bị nhiễm bệnh.

bi-nhiem-covid19-co-duoc-boi-thuong

6. MC: Trường hợp doanh nghiệp vẫn cố tình cử người lao động làm việc, công tác ở môi trường, vùng có dịch bệnh thì như thế nào ạ?

Ls: Một trong những khuyến cáo quan trọng nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay là hạn chế đi đến những vùng có dịch.

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 ngày 09/03/2020, Thủ tướng đã đồng ý kiến nghị về việc tạm thời không cử cán bộ đi học tập, công tác nước ngoài trừ trường hợp đặc biệt được Thủ tướng cho phép. Các doanh nghiệp cũng được khuyến khích hạn chế việc xuất khẩu lao động đến các quốc gia có dịch.

Trường hợp doanh nghiệp vẫn cố tình cử người lao động đi công tác, làm việc ở những vùng dịch bệnh, người lao động có quyền từ chối làm công việc này do thấy rõ nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của mình theo quy định tại Điều 6 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015.

7. MC: Xin Chuyên gia chia sẻ thêm về vấn đề người lao động từ chối làm công việc do thấy rõ nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của mình ạ?

Chuyên gia: Như Luật sư có chia sẻ, người lao động được quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý.

MC: Xin cảm ơn những chia sẻ của Luật sư và Chuyên gia.

Có thể thấy rằng, các cơ quan Nhà nước đã và đang tích cực nỗ lực trong công tác phòng, chống, khống chế dịch bệnh, một trong số đó là chính sách miễn phí tiền khám chữa bệnh và chi trả BHXH liên quan đến dịch bệnh Covid-19 gây ra đối với người bị nhiễm bệnh.

Do vậy, trong tình hình hiện nay, người dân chúng ta cũng cần chung tay góp sức vào phong trào phòng chống dịch bệnh bằng cách tuân thủ các quy định về y tế, phòng dịch, tuyệt đối không nên có những hành động vì lợi ích, suy nghĩ cá nhân gây ảnh hưởng đến gia đình, xã hội như một số trường hợp gần đây như trốn cách ly, che giấu khai báo y tế gây hoang mang trong xã hội và hậu quả lây nhiễm dịch bệnh bùng phát trở lại.

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM
Điện thoại: 028 3911 8580 – 3911 8581
Email: info@cis.vn