Cover bài hát có vi phạm Bản quyền?

Phong trào cover đã xuất hiện và phát triển nhanh chóng tạo thành những trào lưu tại Việt Nam và trên thế giới. Những chủ nhân của những bài hát cover nhanh chóng nổi tiếng có thể kể đến như ở nước ngoài có J.Fla (Kim JungHwa), Sam Tsui, Kurt Hugo Schneider,…  ở Việt Nam thì có Jang Mi, Tài Smile, Hương Ly, Hoa Vinh, Lệ Rơi,…

cover-bai-hat-co-vi-pham-ban-quyen

Câu hỏi đặt ra là việc hát cover bài hát của người khác có vi phạm bản quyền không? Hãy cùng xem nội dung bài viết bên dưới:

1. Bài hát là tác phẩm âm nhạc được bảo hộ quyền tác giả:

Liên quan đến bài hát thì pháp luật sở hữu trí tuệ có quy định rằng:

Tác phẩm âm nhạc là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn. (Điểm d Khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ, Điều 10 Nghị định 22/2018/NĐ-CP)

Khi tác giả (nhạc sỹ) sáng tạo ra tác phẩm âm nhạc thì họ có “quyền tác giả”, gồm:

+ Quyền nhân thân: Đặt tên cho tác phẩm; Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm,… (Điều 19 Luật SHTT)

+ Quyền tài sản: Làm tác phẩm phái sinh; Biểu diễn tác phẩm trước công chúng; Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác,… (Điều 20 Luật SHTT)

cover-bai-hat-co-vi-pham-ban-quyen

2. Thế nào là cover bài hát?

Cover được xem là một phiên bản hát lại dựa trên nội dung và giai điệu của bài hát gốc. Nhiều người cho rằng cover lại một bài hát được xem là đang làm một “tác phẩm phái sinh”. Vậy dưới góc độ pháp lý, tác phẩm phái sinh là gì? Và liệu bài hát cover có được xem là tác phẩm phái sinh hay không?

Theo Khoản 8, Điều 4 LSHTT:

Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.

Với định nghĩa trên, ta có thể thấy rằng tác phẩm phái sinh sẽ bao gồm:

Tác phẩm dịch: là tác phẩm được dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác trên cơ sở nội dung của tác phẩm gốc;

Tác phẩm phóng tác: là tác phẩm phỏng theo nội dung của một tác phẩm có trước, chuyển tác phẩm từ thể loại này sang thể loại khác để tạo ra tác phẩm có hình thức thể hiện khác với hình thức thể hiện ban đầu của tác phẩm gốc;

Tác phẩm cải biên: là tác phẩm được sáng tạo bằng cách sửa đổi một phần nội dung, chuyển thể loại, thay đổi hình thức thể hiện trên cơ sở tác phẩm gốc hoặc một phần bản gốc của tác phẩm văn học nghệ thuật hoặc dựa trên nội dung cơ bản của tác phẩm đó để sáng tạo.

Tác phẩm chuyển thể: là tác phẩm gốc được chuyển sang một hình thức thể hiện khác ví dụ như chuyển thể truyện thành phim, kịch mà không thay đổi cốt truyện hoặc nội dung cơ bản của tác phẩm gốc.

Tác phẩm biên soạn: là tác phẩm tổng hợp thông tin, thu thập và chọn lọc các tài liệu tham khảo để viết thành một tác phẩm mới có sự trích dẫn những nguồn thông tin đã tham khảo. Ví dụ như biên soạn từ điển, giáo trình, bài giảng, sách…

– Tác phẩm chú giải: là tác phẩm thể hiện quan điểm, lời bình, lời giải thích ý nghĩa để làm rõ hơn nội dung trong tác phẩm gốc

Tác phẩm tuyển chọn: là tác phẩm được tạo ra dựa trên sự tổng hợp, chọn lọc, và sắp xếp những tác phẩm gốc (giữ nguyên nội dung tác phẩm gốc) theo các tiêu chí nhất định thành một tác phẩm đầy đủ hơn, ví dụ: bộ sưu tập bài thơ, truyện ngắn, bài hát có chủ đề về tình yêu.

Đối chiếu thực tế các bài hát cover hiện nay, có thể tạm chia làm hai loại sau:

a) Cover bài hát không làm thay đổi nội dung và giai điệu của tác phẩm gốc:

Đa số các bài cover hiện nay mặc dù được hát trên nhiều chất liệu âm nhạc khác nhau (EDM, piano, đàn tranh, đàn guitar ascoutic,…) nhưng cũng là đều hát trên nền giai điệu và nội dung có sẵn của tác phẩm gốc.

b) Cover bài hát không làm thay đổi nội dung nhưng có thay đổi giai điệu của tác phẩm gốc

Cover bài hát trong trường hợp thay đổi cơ bản giai điệu của bài hát gốc, mặc dù nội dung lời bài hát không thay đổi nhưng cách thể hiện (hát, chơi nhạc) tạo ra phong cách nhạc mới khiến cho người nghe khó nhận ra được giai điệu bài hát gốc ban đầu. Ví dụ điển hình trường hợp này là ca sĩ Tài Smile nổi tiếng trong phong trào bolero-hóa các bài hát nhạc trẻ hiện đại thành những bài hát mang phong cách Bolero. Đôi khi một bản nhạc mang âm hưởng buồn, sâu lắng thì qua bản cover của Tài Smile, người ta lại phải bật cười,..

Tuy nhiên, khi đối chiếu với các loại tác phẩm phái sinh được liệt kê bên trên thì ta có thể thấy rằng cover bài hát chưa có đầy đủ dấu hiệu để được coi là “tác phẩm phái sinh”.

3. Cover bài hát có phải xin phép?

Ngày nay, việc cover bài hát được thực hiện với những hình thức và quy mô rất đa dạng. Có ca sĩ chỉ cần một mình cũng đã có thể làm nên tất cả (từ hát đến chơi nhạc, ghi âm, thu hình, hậu kỳ hòa âm phối khí, đăng tải lên mạng xã hội youtube, facebook), cũng có ca sĩ đầu tư một dàn ekip hùng hậu để tạo nên bản cover đó với chất lượng ngày một nâng cao, thu hút được rất nhiều lượt xem và tải về trên mạng xã hội, thậm chí là vượt xa cả phiên bản gốc.

Theo quy định pháp luật SHTT, việc hát bài hát, bao gồm hát cho một số người nghe, hát livestream trên mạng xã hội và/hoặc đăng phát video bài hát cover đó cho mọi người tiếp cận thì đã thuộc độc quyền của tác giả, đó là quyền biểu diễn trước công chúng, cụ thể:

  • Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng: được hiểu là quyền do chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện, hoặc cho phép người khác thực hiện biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông qua bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được. Biểu diễn tác phẩm trước công chúng bao gồm các cuộc biểu diễn tác phẩm tại bất cứ nơi nào, ngoại trừ tại gia đình.

Theo đó, khi muốn cover lại bài hát (cho dù có hoặc không có thay đổi giai điệu) thì ca sĩ có nghĩa vụ cần phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm gốc đó theo Khoản 3 Điều 20 Luật SHTT. 

Ngoài ra, việc cover bài hát có thay đổi giai điệu của tác phẩm gốc mà không được sự đồng ý của tác giả thì sẽ còn có khả năng vi phạm quyền “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm” (quyền không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả) theo Điều 19 Luật SHTT ./.              

Tác giả: Mỹ Duyên – Thanh Truyền (CIS Law Firm)