Đăng ký Kiểu Dáng Công Nghiệp | Giới thiệu | Thủ tục | Ý nghĩa

Ngày nay, trong nền kinh tế cạnh tranh ngày càng khốc liệt, để có thể đứng vững và cạnh tranh với những đối thủ khác, các doanh nghiệp phải không ngừng đầu tư cải tiến sản phẩm của mình, bên cạnh cạnh tranh về chất lượng thì kiểu dáng bên ngoài của sản phẩm cũng quan trọng không kém. Bởi lẽ, kiểu dáng sản phẩm là yếu tố đầu tiên giúp thu hút người tiêu dùng, sản phẩm có kiểu dáng bắt mắt, độc đáo sẽ càng thu hút khách hàng. Xây dựng và bảo vệ kiểu dáng sản phẩm càng thành công thì càng có giá trị đối với doanh nghiệp.

Vậy kiểu dáng sản phẩm là gì? Kiểu dáng sản phẩm được quy định trong Luật SHTT như thế nào? Điều kiện để có thể đăng ký bảo hộ độc quyền kiểu dáng sản phẩm là gì và có nhất thiết phải đăng ký hay không? Hãy cùng mình tìm hiểu nhé.

Kiểu dáng sản phẩm (hay theo thuật ngữ chuyên ngành trong Luật SHTT được gọi là KDCN) là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố đó. Sản phẩm mang KDCN được thể hiện dưới nhiều hình dạng khác nhau, có thể là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện… thuộc mọi lĩnh vực. Và theo quy định, quyền sở hữu hợp pháp cũng như quyền được độc quyền sử dụng, cho phép người khác sử dụng kiểu dáng công nghiệp này chỉ được xác lập khi chủ KDCN thực hiện thủ tục đăng ký tại Cục SHTT và được cấp Văn bằng bảo hộ độc quyền KDCN.

Vậy, điều kiện để có thể đăng ký độc quyền KDCN là gì? Và ai có quyền đăng ký các kiểu dáng công nghiệp này?

KDCN là một đối tượng Sở hữu công nghiệp mà tác giả tạo ra hay tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả tạo ra các KDCN đó thì đều có quyền đăng ký bảo hộ độc quyền KDCN. Và một KDCN chỉ được bảo hộ độc quyền nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

– Thứ nhất, Có tính mới trên phạm vi toàn thế giới, nghĩa là chưa từng được bộc lộ công khai ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, dưới hình thức công bố hoặc sử dụng. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ cho việc bộc lộ công khai KDCN ra bên ngoài, nhưng vẫn được xem là chưa bị mất tính mới. Với những trường hợp này, khi tiến hành đăng ký, các bạn cần kiểm tra trước nhé.

– Thứ hai, Có tính sáng tạo, nghĩa là kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng.

– Thứ ba, Có khả năng áp dụng công nghiệp, nghĩa là có khả năng dùng làm mẫu để chế tạo lặp đi lặp lại hàng loạt sản phẩm có kiểu dáng giống hệt bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.

Và đây là một số ví dụ về KDCN đang phổ biến hiện nay:

dang-ky-kieu-dang-cong-nghiep

Tuy nhiên, không phải mọi sản phẩm có kiểu dáng đặc biệt nào cũng có thể đăng ký dưới hình thức KDCN mà vẫn có một số đối tượng pháp luật quy định không được bảo hộ dưới hình thức này, ví dụ: nhà, cầu, đường, công trình kiến trúc, các sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng, sản phẩm mang kiểu dáng trái với chuẩn mực đạo đức, v.v…

Do đó, trước khi đăng ký, bạn nên tìm Luật sư có chuyên môn về KDCN để tư vấn, đánh giá và hướng dẫn cho bạn nhé.

Trình tự đăng ký KDCN được quy định như thế nào?

Hồ sơ đăng ký độc quyền KDCN sẽ được nộp tại Cục SHTT và được xử lý theo quy trình chi tiết như sau:

  • Nộp hồ sơ;
  • Thẩm định hình thức: trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nộp đơn.
  • Công bố đơn: Đơn đăng ký Kiểu dáng công nghiệp được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ.
  • Thẩm định nội dung: không quá 07 tháng, kể từ ngày công bố đơn.
  • Cấp Văn bằng bảo hộ.

Về hiệu lực văn bằng: Văn bằng bảo hộ KDCN sẽ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam trong thời hạn 5 năm kể từ ngày nộp đơn, hết thời hạn 5 năm, bạn có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần 5 năm.

Trên thực tế cũng như trong quá trình trao đổi với các tác giả của các KDCN, họ có một thắc mắc là tại sao cần phải đăng ký bảo hộ, có nhất thiết hay không, và việc bảo hộ như vậy sẽ có ý nghĩa gì với chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp đó.

Một trong những ý nghĩa lớn nhất đối với chủ sở hữu KDCN đó là được độc quyền sử dụng và ngăn cấm người khác sử dụng KDCN đã đăng ký bảo hộ; đặc biệt, KDCN được bảo hộ có thể tạo ra nguồn thu nhập bổ sung cho doanh nghiệp thông qua việc thu phí chuyển quyền sử dụng kiểu dáng cho người khác hoặc thông qua chuyển nhượng kiểu dáng được đăng ký.

Thứ hai, là cơ sở hợp pháp duy nhất xác nhận quyền sở hữu KDCN tại Việt Nam là Văn bằng độc quyền KDCN.

Thứ ba, là cơ sở để xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp. Bởi lẽ KDCN là yếu tố quan trọng giúp khách hàng phân biệt giữa sản phẩm của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác, có thể làm tăng giá trị thương mại của doanh nghiệp và sản phẩm của họ. Bên cạnh đó, KDCN có vai trò quan trọng trong việc tiếp thị thành công một loạt sản phẩm, giúp xác định hình ảnh thương hiệu của công ty. Việc bảo hộ KDCN bảo đảm sự độc quyền đối với việc sử dụng chúng và là nhân tố chính trong chiến lược tiếp thị của doanh nghiệp.

Thứ tư, việc nộp đơn đăng ký nhằm phòng tránh bị chiếm đoạt quyền đăng ký KDCN ở Việt Nam và các quốc gia khác (đặc biệt là: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu…) và giảm nguy cơ bị vướng vào tranh chấp sử dụng KDCN vì trong khi bạn chưa đăng ký thì có người khác đăng ký KDCN trùng hoặc tương tự với bạn.

Như vậy, một trong những ý nghĩa lớn nhất của việc được cấp văn bằng bảo hộ KDCN là độc quyền sử dụng và cho phép người khác sử dụng KDCN đó. Như đã đề cập, chỉ khi bạn được cấp Văn bằng độc quyền KDCN thì bạn mới có quyền ngăn cấm người khác. Tuy nhiên, Luật SHTT có một điều khoản đặc biệt cho những chủ đơn đang tiến hành nộp đơn đăng ký bảo hộ độc quyền KDCN khi phát hiện trường hợp KDCN đó đang được người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại và người đó không có quyền sử dụng trước, đó chính là quyền tạm thời của chủ đơn. Về nội dung của quyền tạm thời sẽ được thông tin cụ thể ở bài viết sau.

Công ty Luật HD Bản Quyền Quốc Tế (CIS Law Firm) là tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp được chứng nhận bởi Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Để giải đáp thắc mắc về vấn đề bảo hộ nêu trên, Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ thông tin bên dưới để được tư vấn và yêu cầu dịch vụ:

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8580 – 3911 8581
Email: info@cis.vn