Di chúc – Những sai lầm thường gặp

Di chúc là sự thể hiện mong muốn, nguyện vọng của một người về việc phân chia tài sản của mình sau khi chết. Tuy nhiên, di chúc phải đảm bảo hợp pháp và có hiệu lực thì di sản của người chết mới được phân chia theo đúng ý nguyện của người đó. Nếu di chúc không có hiệu lực thì tài sản đề lại sẽ được phân chia theo quy định pháp luật, dẫn đến việc phân chia di sản có thể sẽ không đúng với mong muốn của người chết.

Vậy cần làm gì để đảm bảo di chúc có hiệu lực?

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy cùng xem ý kiến của Luật sư qua các tình huống thường gặp trong thực tế sau.

Tình huống 1: Người lập di chúc đang bị bệnh nặng muốn lập di chúc cho con trai đầu mảnh vườn, con gái út được giao cho căn nhà.

Người con viết lại ý nguyện của cha thành văn bản, sau đó đọc lại để người cha ký tên, đồng thời các con cùng ký tên vào di chúc.

Ý kiến của Luật sư:

Trong tình huống này có một số nội dung cần lưu ý như sau:

Thứ nhất, người cha đang bệnh nặng và muốn lập di chúc.

Theo quy định, người lập di chúc phải trong trạng thái minh mẫn, sáng suốt khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép.

Thứ hai, tình huống không thể hiện người cha có bao nhiêu người con, tuy nhiên, người cha muốn cho người con đầu và người con út được hưởng di sản của mình, điều này hoàn toàn hợp pháp.

Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý là nếu người cha này còn cha mẹ, vợ và con chưa thành niên, thì những người này cũng sẽ được hưởng di sản mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc.

Thứ ba, theo tình huống, sau khi người cha ký, hai người con cũng ký tên, như là người làm chứng việc lập di chúc của cha mình. Việc làm chứng này sẽ làm cho di chúc không hợp pháp, vì theo quy định của pháp luật, những người sau đây không được làm chứng, gồm:

  • Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
  • Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
  • Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Nghĩa là con không thể làm chứng trong tờ di chúc do cha mình lập.

Ngoài ra, nội dung di chúc cần phải thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của một di chúc như: thông tin nhân thân đầy đủ của người lập di chúc, thông tin nhân nhân thân đầy đủ của người được hưởng di sản, nêu và liệt kê đầy thông tin về tài sản đầy đủ, nhất là đối với tài sản có giấy chứng nhận đăng ký, sở hữu,… chi tiết và form mẫu di chúc, các bạn có thể tham khảo tại đây.

Tình huống 2: Một người muốn viết di chúc để lại di sản cho các con nên tham khảo ý kiến của người thân, đồng thời nhờ một người hàng xóm đánh máy và làm chứng.

Ý kiến của Luật sư:

Thứ nhất, người lập di chúc phải trong trạng thái minh mẫn, sáng suốt khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép

Việc một người hỏi người khác để tham khảo ý kiến trước khi lập di chúc không làm cho di chúc không có hiệu lực, vì quyết định cuối cùng về việc định đoạt tài sản vẫn thuộc về người đó, trừ khi người lập di chúc bị bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép thì di chúc đó không có hiệu lực.

Thứ hai là việc người lập di chúc nhờ người khác (hàng xóm) đánh máy. Nếu người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

Vậy trong trường hợp này, phải có 2 người làm chứng.

Xin lưu ý, di chúc có thể được thể hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Di chúc bằng văn bản thì có các loại di chúc như:

  • Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;
  • Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;
  • Di chúc bằng văn bản được công chứng;
  • Di chúc bằng văn bản được chức thực.

Lưu ý rằng pháp luật chỉ quy định một số di chúc bắt buộc phải công chứng, chứng thực như:

  • Di chúc của người bị hạn chế về thể chất;
  • Di chúc của người không biết chữ;
  • Di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài.

Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực vẫn được coi là hợp pháp nếu đáp ứng đủ các điều kiện về người lập di chúc, nội dung và hình thức của di chúc.

Tình huống 3: Di sản thừa kế được phân chia như thế nào nếu:

  • Người được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc chết trước người lập di chúc;
  • Di sản thừa kế không còn hoặc chỉ còn lại một phần so với giá trị được đề cập trong di chúc.

Ý kiến của Luật sư:

Theo quy định pháp luật, di chúc sẽ có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế (là thời điểm người lập di chúc chết).

Tuy nhiên, di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần nếu rơi vào các trường hợp sau:

  • Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc.
  • Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
  • Di sản không còn vào thời điểm mở thừa kế.

Như vậy, điều kiện để di chúc có hiệu lực là vào thời điểm mở thừa kế:

  • Người thừa kế theo di chúc còn sống
  • Cơ quan, tổ chức được chỉ định thừa kế còn tồn tại
  • Di sản của người chết vẫn còn. Nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.

Vậy nên,

  • Nếu người được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc chết trước người lập di chúc thì phần di chúc phân chia di sản cho người này không có hiệu lực. Theo đó, di sản này sẽ thực hiện phân chia thừa kế theo pháp luật.
  • Nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
  • Nếu di sản hoặc phần di sản để lại cho người thừa kế không còn thì phần di chúc về di sản/ phần di sản này không có hiệu lực.

Tình huống 4: Cha mẹ đã lập di chúc phân chia tài sản cho các con, tuy nhiên vì người con ngỗ ngược nên muốn sửa đổi hay hủy bỏ di chúc đã lập thì có được hay không?

Ý kiến của Luật sư:

Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế, là thời điểm người lập di chúc chết, nghĩa là di chúc chưa có hiệu lực khi người lập di chúc còn sống, nên người đó hoàn toàn có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế thậm chí hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.

Đối với tình huống, dù đã viết di chúc để lại một phần tài sản cho con, nhưng nếu người con này ngỗ ngược hoặc vì bất cứ lý do gì, người mẹ có quyền sửa lại nội dung di chúc đó, theo đó, không để lại tài sản thừa kế cho người con.

Xin lưu ý thêm:

Thứ nhất, khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.

Thứ hai, trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8580 – 3911 8581
Email: info@cis.vn