Hướng dẫn của Cục Sở Hữu Trí Tuệ để áp dụng hiệp định CPTPP

(Thông báo số 1926/TB-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ)

Ngày 8/3/2018, Việt Nam đã cùng 10 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại thành phố San-ti-a-gô, Chi-lê.

cptpp-cuc-so-huu-tri-tue

Đối với Việt Nam, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan vào ngày 12/11/2018. Theo đó, Hiệp định sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019.

Chương 20 của Hiệp định CPTPP là các quy định về lĩnh vực Sở hữu trí tuệ, theo đó có một số quy định khác với quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Luật SHTT). Trên cơ sở quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và Khoản 3 Điều 5 Luật SHTT, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Thông báo số 1926/TB-SHTT ngày 01/02/2019 về việc thống nhất áp dụng Hiệp định CPTTP với một số nghĩa vụ về sở hữu trí tuệ còn có sự khác biệt nói trên.

I./ Nội dung

Hiệp định CPTPP

Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009

Điều 18.27:

Không được yêu cầu đăng ký việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu để: (i) xác lập hiệu lực của việc chuyển quyền sử dụng; và (ii) là điều kiện để xem việc sử dụng của bên nhận chuyển quyền là việc sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu trong thủ tục xác lập, duy trì và thực thi quyền đối với nhãn hiệu.

Khoản 2 Điều 148:

Đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký, hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có hiệu lực theo thoả thuận giữa các bên, nhưng chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.

Theo Hiệp định CPTPP, hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có giá trị pháp ý đối với bên thứ ba không phụ thuộc vào việc đăng ký tại Cục SHTT.

Đồng thời, bên được chuyển quyền sử dụng có quyền sử dụng nhãn hiệu cũng được xem là hành vi sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu mà không phục thuộc vào việc có hay không đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu.

=> Áp dụng quy định tại Hiệp định CPTPP tạo sự thuận lợi hơn cho các bên trong hợp đồng chuyển quyền sử dụng sở hữu công nghiệp, giảm bớt thủ tục đăng ký tại Cục SHTT mà hợp đồng chuyển quyền sử dụng vẫn có hiệu lực đối với bên thứ ba.

Điều 18.32.1.b:

Trong thủ tục bảo hộ hoặc công nhận chỉ dẫn địa lý, phải quy định chỉ dẫn địa lý có thể bị từ chối khi có ý kiến của người thứ ba phản đối việc bảo hộ hoặc công nhận chỉ dẫn địa lý này trên cở sở việc bảo hộ hoặc công nhận chỉ dẫn địa lý có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Khoản 3 Điều 80: Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý

Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì sẽ gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm;

=> Hiệp định CPTPP mở rộng khả năng bị từ chối bảo hộ hoặc công nhận chỉ dẫn địa lý. Theo Hiệp định CPTPP thì chỉ cần “có khả năng gây nhầm lẫn” thì ý kiến phản đối của bên thứ ba đã phải được xem xét mà không cần phải “sẽ gây nhầm lẫn” trên thực tế theo quy định của Luật SHTT.

Cục SHTT cũng hướng dẫn thủ tục tiếp nhận và xử lý ý kiến của người thứ ba liên quan đến đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được thực hiện theo Điểm 6 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN ngày 30/6/2016.

Điều 18.32.5:

Nếu bảo hộ hoặc công nhận dạng dịch nghĩa hoặc phiên tự của chỉ dẫn địa lý theo thủ tục hành chính thì thủ tục đó và cơ sở về việc bảo hộ/ hủy bỏ phải tương đương/ trùng với thủ tục và các cơ sở áp dụng cho chỉ dẫn địa lý thông thường.

Không có quy định.
Theo Hiệp định CPTPP thì các đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý ở dạng dịch nghĩa hoặc phiên tự được xử lý như đối với đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý thông thường.

=> Quy định của Hiệp định tạo “sự công bằng” giữa các đối tượng được đăng ký bảo hộ.

Điều 18.33:

Khi đánh giá một thuật ngữ có phải  là tên gọi chung của hàng hóa tại Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét xem người tiêu dùng hiểu thuật ngữ đó tại Việt Nam như thế nào.

Không có quy định.
=> Cách đánh giá một thuật ngữ có phải là là tên gọi chung của hàng hóa hay không phải dựa trên cách hiểu của người tiêu dùng tại VN chứ không phải theo cách hiểu chủ quan của cơ quan có thẩm quyền, bởi việc có phải là tên gọi chung hay không ảnh hưởng đến việc thuật ngữ đó có được bảo hộ chỉ dẫn địa lý hay không.

Cục SHTT hướng dẫn cụ thể như sau: Các tiêu chí đánh giá một thuật ngữ có phải là tên gọi chung của hàng hóa tại Việt Nam hay không theo quy định tại Khoản 1 Điều 80 Luật SHTT có thể bao gồm:

(i)                thuật ngữ có hay không được sử dụng để đề cập đến loại hàng hóa đang được xem xét tại các nguồn thông tin như từ điển, báo chí, báo cáo nghiên cứu thị trường, các website liên quan;

(ii)             sản phẩm được đề cập bởi thuật ngữ đó được đưa ra thị trường và sử dụng trong thương mại như thế nào tại Việt Nam.

Điều 18.34:

Không bảo hộ một thành phần trong một thuật ngữ đa thành phần được bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý nếu thành phần đó là tên gọi chung của hàng hóa có liên quan.

Không có quy định.
Nếu chỉ dẫn địa lý là thuật ngữ đa thành phần và trong đó có thành phần được xác định là tên gọi chung của hàng hóa tại VN thì phải không được bảo riêng đối với thành phần đó khi chấp nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

=> Quy định này phù hợp với quy đinh theo luật SHTT vì thành phần được xác định là tên gọi chung của hàng hóa tại VN theo khoản 1 Điều 80 Luật SHTT là đối tượng không được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, do đó nó không thể được bảo hộ riêng.

Điều 18.38:

Trong việc xác định sáng chế có mới hoặc có trình độ sáng tạo hay không, mỗi Bên phải bỏ qua ít nhất là các thông tin đã được bộc lộ công khai nếu việc bộc lộ công khai này: (i) do người nộp đơn sáng chế hoặc người có được thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp từ người nộp đơn sáng chế thực hiện; và (ii) xảy ra trong vòng 12 tháng trước ngày nộp đơn trong lãnh thổ của Bên đó.

 

Khoản 3 Điều 60:

Sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:

a) Sáng chế bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này;

b) Sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này công bố dưới dạng báo cáo khoa học;

c) Sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.

=> Quy định theo Hiệp định CPTPP khác với Luật SHTT ở các điểm như sau:

1.      Về trường hợp sáng chế bị công khai trước khi nộp đơn đăng ký sáng chế: Hiệp định CPTPP quy định rộng hơn Luật SHTT: trong bất kỳ trường hợp nào khi người có quyền đăng ký sáng chế hoặc người có thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp từ người có quyền đăng ký (bất kể cách có được thông tin này là có hay không được người có quyền đăng ký sáng chế đồng ý) công khai sáng chế. Còn trong Luật SHTT thì bị giới hạn trong một số trường hợp nhất định.

2.      Về thời gian đăng ký sáng chế khi sáng chế đã bị công khai: theo Hiệp định CPTPP thì người có quyền đăng ký phải đăng ký trong vòng 12 tháng kể từ ngày công khai sáng chế, còn theo Luật SHTT chỉ có 6 tháng.

Như vậy, các quy định theo Hiệp định CPTPP tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có quyền đăng ký sáng chế, theo đó cá nhân, tổ chức có thể công khai sáng chế của mình trong nhiều trường hợp và có nhiều thời gian hơn sau đó để tiến hành đăng ký mà không sợ sáng chế của mình sẽ bị mất đi tính mới.

II./ Đối tượng áp dụng

  • Các đơn được nộp bởi các tổ chức, cá nhân là công dân các nước là thành viên WTO hoặc Công ước Paris
  • Các đơn đăng ký yêu cầu cấp Bằng độc quyền sáng chế/ Bằng độc quyền giải pháp hữu ích từ ngày 14/01/2019
  • Các đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý có ngày nộp đơn từ ngày 14/01/2019

(Tác giả : Trần Lê Gia Bảo)