Xoài lắc – nhìn từ khía cạnh Sở hữu trí tuệ

Món “Xoài Lắc” đang trở thành một hiện tượng ẩm thực xuất hiện trên mọi nẻo đường ở TP. Hồ Chí Minh và ngày càng thu hút đông đảo thực khách.

Xoài lắc thực tế cũng là một món xoài với gia vị là muối ớt quen thuộc nhưng điểm nổi bật chính là ở cách thức làm ra món ăn này, đó là: lắc.

Cha đẻ của món xoài lắc là anh Tạ Ngọc Sơn Hải (Quận Phú Nhuận, TP.HCM). Ý tưởng làm nên món Xoài lắc này là từ việc trong lúc rãnh rõi, anh Sơn Hải đã thử pha trộn xoài cùng những gia vị sẵn có rồi lắc đều, nhưng không ngờ nó lại ngon đến vậy.

xoai-lac

Chỉ sau hơn một tháng, những địa điểm bán xoài lắc tự phát đã xuất hiện tràn lan trên đường phố. Hiệu ứng không bàn cãi là thương hiệu “xoài lắc” đã đến được công chúng một cách mạnh mẽ và hiệu quả kinh tế đang tăng cao, tuy nhiên nếu xét về khía cạnh Sở hữu trí tuệ, đặt ra một số suy nghĩ sau đây:

  1. “Xoài Lắc” hay phương pháp tạo ra món ăn này có được pháp luật Sở hữu trí tuệ bảo hộ hay không?

Công thức làm xoài lắc khá đơn giản. Gia vị  thông thường gồm: đường cát, nước mắm (có độ đạm dưới 30 độ), ớt bột, muối tôm, đường nâu.

Phương pháp thực hiện: Cho xoài cắt miếng vừa ăn vào hộp to. Rồi cho gia vị vào.  Sau cùng, đậy nắp hộp và xốc xoài sao cho từng miếng xoài va chạm vào nhau và va chạm vào thành hộp, nước xoài tiết ra hòa quyện cùng gia vị và bám lại vào từng miếng xoài cho hương vị thơm ngon, đậm đà.

Việc xác định thành phần, liều lượng, quy trình cho gia vị và phương pháp thực hiện món ăn này được coi là một giải pháp kỹ thuật. Theo quy định pháp luật Sở hữu trí tuệ, “Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên” và được bảo hộ dưới danh nghĩa Sáng chế nếu đáp ứng “tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp”.

Theo đó, nếu món Xoài lắc và phương pháp lắc xoài thoả mãn 3 điều kiện này thì anh Sơn Hải có thể được cấp bằng Độc quyền sáng chế.

Bên cạnh đó, trong trường hợp việc phối trộn thành phần, liều lượng và quy trình thực hiện có yếu tố đặc biệt, không muốn bộc lộ thì anh Sơn Hải có thể giữ lại bí quyết này và được pháp luật Sở hữu trí tuệ bảo hộ dưới hình thức “Bí mật kinh doanh”.

  1. Anh Sơn Hải có thể có những quyền gì nếu Xoài Lắc được pháp luật Sở hữu trí tuệ bảo hộ?

– Nếu anh Sơn Hải nộp đơn đăng ký Sáng chế và được cấp bằng độc quyền Sáng chế, anh có độc quyền sử dụng và khai thác món Xoài lắc này trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Người nào muốn kinh doanh xoài lắc thì buộc phải xin phép (để li-xăng).

– Nếu không đăng ký Sáng chế mà bảo hộ dưới danh nghĩa “bí mật kinh doanh” thì buộc anh Sơn Hải phải có biện pháp bảo vệ bí mật này để nó không bị bộc lộ (khi bị bộc lộ thì không còn là bí mật kinh doanh). Khi đánh giá xem xét hành vi xâm phạm, anh Hải buộc phải cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền các thông tin về bí mật kinh doanh để thực hiện giám định và xử lý xâm phạm. Thực tế, rất khó bảo vệ và xử lý đối với trường hợp là bí mật kinh doanh.

Kết luận: Chi phí làm ra món xoài lắc và đăng ký xác lập quyền Sở hữu trí tuệ đối với món ăn này vô cùng rẻ, nhưng rõ ràng là hiệu ứng xoài lắc đang ngày càng lan rộng, phát triển mạnh mẽ và đem lại hiệu quả kinh tế cho rất nhiều người không phải chủ sở hữu. Đây chính là giá trị cốt lõi mà pháp luật Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhưng không nhiều chủ thể biết và nhanh chóng xác lập quyền cho mình. Thiết nghĩ, trong tương lai, những sản phẩm hoặc cách thức sáng tạo sáng phẩm tương tự như Xoài Lắc nên đăng ký xác lập quyền Sở hữu trí tuệ trước để được pháp luật bảo hộ, để bảo vệ tốt quyền của chủ sở hữu và nâng cao nhận thức về Sở hữu trí tuệ./.

Nguyễn Thị Thuỳ Dương (SV Trường ĐH Luật TP.HCM) – Quách Thị Như (SV Trường ĐH Kinh Tế – Luật)

Tin liên quan