(Tiếng Việt) Vai trò của kiểu dáng sản phẩm đối với doanh nghiệp và cách thức để bảo vệ hiệu quả

Kiểu dáng sản phẩm là gì?

Hiện nay, trong nền kinh tế cạnh tranh ngày càng khốc liệt, để có thể đứng vững và cạnh tranh với các đối thủ khác, các doanh nghiệp phải không ngừng đầu tư cải tiến sản phẩm của mình, bên cạnh cạnh tranh về chất lượng thì kiểu dáng bên ngoài của sản phẩm cũng quan trọng không kém. Bởi lẽ, kiểu dáng sáng phẩm là yếu tố đầu tiên giúp thu hút người tiêu dùng (nhìn thấy và chạm được), sản phẩm có kiểu dáng bắt mắt, độc đáo sẽ càng thu hút khách hàng.

Kiểu dáng sản phẩm (kiểu dáng công nghiệp) là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố đó. Kiểu dáng sản phẩm là yếu tố quan trọng giúp khách hàng phân biệt giữa sản phẩm của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác, có thể làm tăng giá trị thương mại của doanh nghiệp và sản phẩm của họ. Xây dựng và bảo vệ Kiểu dáng công nghiệp càng thành công thì càng có giá trị đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, kiểu dáng công nghiệp có vai trò quan trọng trong việc tiếp thị thành công một loạt sản phẩm, giúp xác định hình ảnh thương hiệu của công ty. Việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp bảo đảm sự độc quyền đối với việc sử dụng chúng và là nhân tố chính trong chiến lược tiếp thị của doanh nghiệp. Đồng thời, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ có thế tạo ra nguồn thu nhập bổ sung cho doanh nghiệp thông qua việc thu phí chuyển quyền sử dụng (li-xăng) kiểu dáng cho người khác hoặc thông qua chuyển nhượng kiểu dáng được đăng ký.

Để hình thành một kiểu dáng sản phẩm đặc trưng cho sản phẩm của mình, trước tiên, doanh nghiệp cần xây dựng và đăng ký bảo hộ thương hiệu (nhãn hiệu, logo, tên gọi) mà mình đang sử dụng cho sản phẩm. Vì thông qua dấu hiệu này, người tiêu dùng sẽ có hình dung cơ bản về sự khác biệt giữa các sản phẩm khác nhau của các nhà sản xuất khác nhau. Đồng thời xây dựng kiểu dáng sản phẩm độc đáo để tạo ấn tượng sâu sắc (cảm nhận và liên tưởng) cho người tiêu dùng. Tùy vào uy tín và mức độ lan tỏa của thương hiệu/KDCN mà sẽ định hướng người tiêu dùng chọn mua sản phẩm nào.

Vi phạm nhãn hiệu đang chuyển hướng sang vi phạm kiểu dáng

Trong một thời gian dài, nhiều nhà sản xuất cơ hội đã lợi dụng uy tín thương hiệu có sẵn mà làm “nhái” thương hiệu như việc gắn các logo, tên gọi có hình thức hoặc phát âm tương tự với thương hiệu uy tín có trước nhằm lừa dối người tiêu dùng mua sản phẩm của mình thay vì mua đúng sản phẩm ban đầu của nhà sản xuất chân chính. Trên thị trường, những sản phẩm có gắn các nhãn hiệu “ADISDAS” (Adidas), “AQUAFONA” (Aquafina), “RIDBULL” (Redbull) hay “BORIO” (Orio),.. xuất hiện hàng loạt, nếu người tiêu dùng không cẩn thận sẽ có nguy cơ mua nhầm hàng nhái với chất lượng không đảm bảo.

Ngày nay, phương thức thực hiện hành vi vi phạm càng tinh vi và khôn khéo hơn, để tránh bị chế tài vì vi phạm Nhãn hiệu độc quyền, các đối tượng này chuyển hướng sang làm giả/làm nhái hình thức thể hiện của nhãn sản phẩm hoặc kiểu dáng sản phẩm. Theo thống kê, mỗi năm Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương) phát hiện và xử lý hàng nghìn vụ việc liên quan đến việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa có kiểu dáng “cải tiến” của các kiểu dáng đã được đăng ký bảo hộ KDCN. Thực trạng này không những gây thiệt hại cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính cả về uy tín và doanh thu mà còn trực tiếp gây thiệt hại đến quyền lợi người tiêu dùng.

Xét về khía cạnh của nhà sản xuất chân chính, họ luôn muốn ghi dấu ấn độc nhất của mình vào sản phẩm mà họ cung cấp, theo đó, người tiêu dùng chỉ cần nhìn thấy thương hiệu hoặc hình thức thể hiện bên ngoài là đã có thể chọn đúng sản phẩm của nhà sản xuất đó. Một số nước trên thế giới, họ còn muốn mục tiêu người tiêu dùng “nghe”, “ngửi”, “chạm” vào sản phẩm là đã có thể phân biệt được sản phẩm nào của chính họ cung cấp. Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng bởi trên thị trường hiện nay có rất nhiều thương hiệu hàng hóa với nhiều chủng loại khác nhau, chưa kể đến các sản phẩm “nhái” nhằm ăn theo các thương hiệu nổi tiếng. Do đó, việc bảo hộ kiểu dáng sản phẩm và việc phát hiện, xử lý các hành vi xâm phạm là vô cùng quan trọng. Các doanh nghiệp cũng dần ý thức được tầm quan trọng của kiểu dáng sản phẩm và việc bảo hộ chúng.

Quy định của pháp luật Việt Nam về kiểu dáng sản phẩm:

KDCN là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, phổ biến hiện nay là nhãn sản phẩm, bao gói, hộp đựng, chai,…Pháp luật SHTT Việt Nam quy định KDCN được bảo hộ nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

  • Tính mới: KDCN đó phải khác biệt đáng kể với những KDCN đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài. Việc xem xét tính mới của KDCN rất quan trọng, ngoài là điều kiện bảo hộ còn là tiêu chí đánh giá có sự vi phạm quyền sở hữu KDCN đã được bảo hộ hay không.
  • Tính sáng tạo: KDCN được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào KDCN đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác thì KDCN đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng. KDCN không phải là sản phẩm sao chép, bắt chước KDCN đã có mà đó phải là kết quả của sự “lao động trí óc”
  • Khả năng áp dụng công nghiệp: có thể dùng làm mẫu để sản xuất, chế tạo hàng loạt theo phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp

Quyền SHCN đối với KDCN chỉ được xác lập khi tác giả/chủ sở hữu KDCN đó thực hiện thủ tục đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ. Kể từ ngày có quyết định cấp văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu KDCN có quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên khoảng thời gian từ khi nộp đăng đăng ký KDCN đến khi được nhận Bằng độc quyền KDCN khá lâu (hơn 12 tháng), trong khi các thông tin về KDCN sẽ phải được công bố công khai trên Công báo sở hữu công nghiệp nên có khả năng KDCN đang đăng ký sẽ bị sao chép. Do vậy, pháp luật Sở hữu trí tuệ quy định cho người nộp đơn đăng ký KDCN có quyền tạm thời đối với KDCN ngay cả khi đơn chỉ mới được đăng công báo. Đây là một quyền vô cùng đặc biệt phát sinh kể từ khi nộp đơn đăng ký KDCN đến cơ quan có thẩm quyền, người nộp đơn có thể sử dụng quyền này làm cơ sở giải quyết sự xâm phạm khi phát hiện có người sử dụng KDCN vào mục đích thương mại bằng cách thông báo bằng văn bản cho người sử dụng đó để yêu cầu chấm dứt việc sử dụng KDCN (tuy nhiên vẫn chưa thể ngăn cấm người đó sử dụng KDCN) và phải chờ khi được cấp Bằng độc quyền KDCN thì chủ sở hữu mới được yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý và yêu cầu người sử dụng đó phải trả tiền đền bù tương xứng với thời gian sử dụng đó.

Đặc điểm chung của kiểu dáng sản phẩm là tính dễ thay đổi theo thời gian xuất phát từ mục đích tạo cảm giác mới mẻ, gây thu hút, kích thích người tiêu dùng nên các doanh nghiệp không ngừng cải tiến, sáng tạo ra những sản phẩm có kiểu dáng mới lạ, đẹp mắt trong quá trình kinh doanh. Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt vì mục đích định vị nhận diện thương mại như kiểu dáng chai Coca Cola được xem như đặc trưng trong ngành nước ngọt giải khát (Năm 2015, chai thủy tinh của Coca Cola được 100 năm tuổi. "Loại chai đựng nước giải khát hoàn hảo" - Raymond Loewy).

Thủ tục xác lập quyền đối với kiểu dáng sản phẩm:

Để được cơ quan nhà nước bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với KDCN của mình thì bắt buộc các tổ chức, cá nhân phải tiến hành thủ tục đăng ký KDCN.

Đơn đăng ký KDCN được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận và tiến hành thẩm định hình thức trong thời hạn 01 tháng để xác định tính hợp lệ của đơn. Nếu đơn đăng ký KDCN được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận hợp lệ sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ. Không quá 07 tháng kể từ ngày công bố đơn, đơn đăng ký KDCN được thẩm định về nội dung để đánh giá khả năng cấp bằng độc quyền KDCN cho đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ và xác định phạm vi bảo hộ tương ứng. Đơn đăng ký KDCN nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện thì sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp.

Có thể thấy quá trình từ lúc nộp đơn đăng ký KDCN để cơ quan nhà nước xem xét ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ KDCN mất khá nhiều thời gian, thực tế thời gian để cá nhân, tổ chức được cấp văn bằng lên đến 1-2 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký nếu việc thẩm định diễn ra thuận lợi. Bên cạnh đó, thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp khá rườm rà, nhất là thành phần hồ sơ đăng ký; thủ tục xử lý đơn đăng ký của cơ quan nhà nước tốn khá nhiều thời gian và buộc tổ chức, cá nhân nộp đơn phải theo dõi sát sao hiện trạng đơn đăng ký KDCN.

Hiện nay, đa phần các doanh nghiệp thường tiếp thị sản phẩm ra thị trường sau đó mới tiến hành làm thủ tục đăng ký KDCN, một khi đã công bố sản phẩm ra thị trường thì tình trạng bắt chước, sao chép rất dễ diễn diễn ra, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chứng minh tính mới của KDCN. Thậm chí ở các doanh nghiệp lớn luôn chú trọng việc bảo mật các sản phẩm sở hữu trí tuệ trước khi đăng ký nhưng vẫn có khả năng bị rò rỉ thông tin, xảy ra tình trạng sao chép tràn lan và thậm chí chính doanh nghiệp có thể bị tố ngược vì bị cho rằng có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Do vậy, các doanh nghiệp phải chú trọng việc đăng ký KDCN và lưu ý vấn đề bảo mật thông tin trước khi đăng ký nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ của mình.

Để được hướng dẫn chi tiết, vui lòng liên hệ:

  • CÔNG TY LUẬT HỢP DANH BẢN QUYỀN QUỐC TẾ
  • Điện thoại: 028 3911 8581 - 028 3911 8580

(Võ Thanh Xuân, Lê Đình Thị Thanh Huyền)