Làm sao để rút vốn khỏi công ty cổ phần

Pháp luật Việt Nam cho phép cổ đông công ty cổ phần rút vốn khỏi công ty. Tuy nhiên việc rút vốn chỉ thực hiện trong một số trường hợp nhất định và phải tuân thủ trình tự thủ tục Luật định. Bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin liên quan đến vấn đề rút vốn khỏi công ty cổ phần cho bạn.

1. Công ty cổ phần là gì?

Công ty cổ phần là một loại hình doanh nghiệp theo pháp luật doanh nghiệp, được định nghĩa tại Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:

Điều 111. Công ty cổ phần

1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:

a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;

b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;

c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.

Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Công ty cổ phần được thành lập và tồn tại độc lập với cổ đông sáng lập, cổ đông góp vốn vào công ty.

Công ty cổ phần là công ty mang tính đối vốn, cổ đông công ty thông thường không có mối liên hệ quen biết, gắn bó với nhau. Việc thay đổi cổ đông công ty diễn ra khá dễ dàng vì cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác mà không phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. Đây cũng là một trong những ưu điểm của công ty cổ phần thu hút nhiều nhà đầu tư lựa chọn đầu tư vốn vào công ty cổ phần.

Bạn có thể xem thêm Thủ tục thành lập công ty cổ phần tại đây.

rut-von-khoi-cong-ty-co-phan

2. Cổ đông là gì?

Cổ đông là cá nhân hoặc tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của Công ty cổ phần. Trong công ty cổ phần, số lượng cổ đông tối thiểu là 03 cổ đông và không hạn chế số lượng tối đa. Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty cổ phần trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

Có nhiều cách phân loại cổ đông. Phổ biến nhất là các cách phân loại sau:

– Phân loại theo thời gian góp vốn thì có thể chia thành cổ đông góp vốn thành lập công ty (trường hợp này được gọi là cổ đông sáng lập) và cổ đông mua cổ phần do công ty phát hành sau khi công ty được thành lập hoặc nhận chuyển nhượng cổ phần của cổ đông khác.

– Phân loại theo tính chất cổ phần thì cổ đông gồm: Cổ đông phổ thông (sở hữu cổ phần phổ thông) và Cổ đông ưu đãi (sở hữu cổ phần ưu đãi).

3. Quyền của cổ đông

Cổ đông phổ thông có các quyền cơ bản sau:

– Tham dự, phát biểu trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua người đại diện theo ủy quyền hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty, pháp luật quy định. Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết;

– Nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông;

– Ưu tiên mua cổ phần mới tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty;

– Tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp một số trường hợp hạn chế theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy định pháp luật;

– Xem xét, tra cứu và trích lục thông tin về tên và địa chỉ liên lạc trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết; yêu cầu sửa đổi thông tin không chính xác của mình;

– Xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ công ty, biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và nghị quyết Đại hội đồng cổ đông;

– Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty.

Luật Doanh nghiệp 2020 còn quy định cụ thể quyền của các cổ đông ưu đãi như cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại. Nhìn chung các cổ đông ưu đãi sẽ có một số quyền lợi nhiều hơn cổ đông phổ thông tùy theo tính chất loại cổ phần ưu đãi họ đang sở hữu, tuy nhiên họ cũng sẽ bị một số hạn chế hơn so với quyền của cổ đông phổ thông.

Ví dụ: Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết thì có giá trị phiếu biểu quyết cao hơn so với cổ phần phổ thông khác. Số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty quy định. Tuy nhiên, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác.

dich-vu-lam-the-apec

4. Vốn điều lệ của công ty cổ phần là gì?

Vốn điều lệ là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần. Điều này có nghĩa, vốn điều lệ là mức vốn mà các cổ đông thỏa thuận và đăng ký khi thành lập công ty. Số vốn này có thể cao hoặc thấp tùy thuộc vào khả năng, thỏa thuận và thống nhất của các cổ đông. Tuy nhiên, dù pháp luật không hạn chế việc đăng ký vốn điều lệ tối thiểu (thấp nhất) hay mức vốn tối đa (cao nhất), nhưng các cổ đông nên đăng ký mức vốn thực góp, vì như trên có đề cập, các cổ đông phải chịu trách nhiệm góp đúng và đủ số vốn đã đăng ký.

5. Các loại tài sản được quyền góp vốn

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, Tài sản góp vốn bao gồm Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp với tài sản góp vốn hoặc có quyền sử dụng tài sản hợp pháp mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn.

6. Thời hạn góp vốn

Thời hạn góp vốn của cổ đông trong công ty cổ phần90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này.

Trường hợp sau thời hạn 90 ngày nêu trên, cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua thì:

– Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;

– Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;

– Cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán;

– Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua (90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp), công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này; đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập.

Lưu ý, Cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn trước ngày công ty đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ. Thành viên Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới về các thiệt hại phát sinh do không thực hiện hoặc không thực hiện đúng quy định về góp vốn và điều chỉnh vốn điều lệ công ty trong trường hợp có cổ đông không góp vốn đủ.

7. Cổ đông có được quyền rút vốn khỏi công ty không?

Cổ đông có thể rút vốn khỏi công ty cổ phần trong trường hợp: cổ đông chuyển nhượng cổ phần cho người khác hoặc cổ đông yêu cầu công ty mua lại cổ phần trong các trường hợp mà Điều lệ công ty có quy định.

Theo khoản 2 Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2020 về nghĩa vụ của cổ đông:

Không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. 

Như vậy, việc một cổ đông yêu cầu Công ty cổ phần trả lại tiền hay tài sản đã góp vào công ty không phải là yêu cầu hợp pháp.

dich-vu-dang-ky-ban-quyen-thuong-hieu

8. Các hình thức rút vốn khỏi công ty

8.1 Hình thức thứ nhất, Chuyển nhượng cổ phần

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp, cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình, trừ 02 trường hợp sau:

– Một là, trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng cổ phần mình đã đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

– Hai là, trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần và các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.

8.2 Hình thức thứ hai, Công ty mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông

– Trường hợp được yêu cầu công ty mua lại cổ phần: Cổ đông đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty

– Hình thức yêu cầu mua lại cổ phần: Yêu cầu phải bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên, địa chỉ của cổ đông, số lượng cổ phần từng loại, giá dự định bán, lý do yêu cầu công ty mua lại. Yêu cầu phải được gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về các vấn đề mà cổ đông đã biểu quyết không thông qua.

– Thời hạn giải quyết yêu cầu:Công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp không thỏa thuận được về giá thì các bên có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá định giá. Công ty giới thiệu ít nhất 03 tổ chức thẩm định giá để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng.

9. Luật sư tư vấn pháp luật về công ty của Công ty Luật CIS

Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, tư vấn doanh nghiệp, Công ty Luật CIS đã hỗ trợ cho rất nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến từ nhiều quốc gia khác nhau mở công ty tại Việt Nam.

Công ty Luật CIS sẽ hỗ trợ khách hàng trong những công việc sau:

– Tư vấn lựa chọn loại hình công ty.

– Tư vấn điều kiện, hồ sơ, thủ tục thành lập công ty;

– Soạn thảo đầy đủ và nhanh chóng hồ sơ;

– Đại diện Công ty thực hiện các thủ tục tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, giải trình với các cơ quan nhà nước về các vấn đề liên quan đến hồ sơ;

– Tư vấn, thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh (tăng vốn, đổi tên công ty, thay đổi trụ trở, thay đổi người đại diện pháp luật, thay đổi thành viên công ty,…);

– Tư vấn, thực hiện thủ tục xin Giấy phép kinh doanh, giấy phép con;

– Tư vấn thực hiện thủ tục xin thẻ doanh nhân Apec.

– Tư vấn soạn thảo Hợp đồng kinh doanh thương mại (Hợp đồng mua bán, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng gia công, hợp đồng đại lý,…)

– Tư vấn pháp luật về lao động (hợp đồng lao động, nội quy lao động, các quy trình áp dụng trong quan hệ lao động,…)

Trên đây là bài phân tích chi tiết về việc Rút vốn khỏi công ty cổ phần. Nếu bạn có vướng mắc trong quá trình thực hiện hay bạn có nội dung nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý, hãy liên hệ ngay với Luật sư Công ty Luật CIS theo thông tin sau:

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3911.8581 – 3911.8582             Hotline: 0916.568.101
Email: info@cis.vn