Luật căn cước mới – Khai tử CMND cũ!

Vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Ngay khi Luật Căn cước được Quốc hội thông qua, đã có rất nhiều các câu hỏi được đặt ra về việc sau khi luật mới có hiệu lực.

Dưới dây là những điểm mới nổi bật về thẻ Căn cước mà người dân cần cập nhật ngay. Mời các bạn cùng theo dõi.

1. Đổi tên Căn cước công dân thành thẻ Căn cước

Thay đổi đầu tiên là về tên gọi. Thẻ theo luật căn cước mới gọi là thẻ Căn cước thay vì tên Căn cước công dân như hiện tại.

Một trong những lý do của việc thay đổi này là người được cấp Thẻ căn cước theo luật mới không chỉ là công dân Việt Nam mà người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, trong đó có người dân di cư tự do sống dọc biên giới Việt Nam với các nước láng giềng cũng được cấp thẻ căn cước.

can-cuoc-cong-dan-the-can-cuoc

2. Bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ Căn cước. Bổ sung thu thập “mống mắt”

Thay đổi đáng chú ý thứ hai là bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ Căn cước. Theo đó, Các thông tin quê quán và vân tay trên thẻ căn cước sẽ được lược bỏ và những thông tin này sẽ được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu căn cước.

Bên cạnh đó, một điểm mới rất đáng chú ý đó là quy định về thu thập mống mắt để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin, “mống mắt” được thu thập khi chúng ta làm thủ tục xin cấp thẻ Căn cước. Mống mắt là phần hình tròn trong mắt của chúng ta. Luật bổ sung quy định này nhằm hướng đến hỗ trợ các đối tượng không thu nhận được vân tay như người khuyết tật, vân tay bị biến dạng.

Như vậy, những thông tin được thể hiện trên thẻ căn cước bao gồm:

– Ảnh khuôn mặt;

– Số định danh cá nhân;

– Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh;

– Giới tính;

– Nơi đăng ký khai sinh; thay vì ghi“quê quán” như Luật hiện nay;

– Quốc tịch;

– Nơi cư trú; thay vì ghi “nơi thường trú” như Luật hiện nay;

– Ngày cấp thẻ và hạn sử dụng.

Các thông tin khác như: Mống mắt, ADN, giọng nói; nghề nghiệp sẽ được tích hợp trong cơ sở dữ liệu căn cước.

Các thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói sẽ có 2 hình thức thu thập:

– Một là khi người dân tự nguyện cung cấp;

– Hai là từ việc chia sẻ dữ liệu của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

3. Mở rộng đối tượng được cấp thẻ Căn cước

Đối tượng được cấp thẻ căn cước được mở rộng hơn so với quy định của Luật hiện tại, cụ thể:

luat-can-cuoc

4. Khai tử Chứng minh nhân dân từ 01/01/2025

Bên cạnh quy định về thời hạn sử dụng Căn cước công dân đang còn giá trị sử dụng thì Luật Căn cước cũng quy định: Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Tức là sau ngày 31/12/2024, chứng minh nhân dân dù còn thời hạn vẫn sẽ không sử dụng được.

5. Căn cước điện tử

Một trong những điểm mới của Luật căn cước là Căn cước điện tử. Theo đó, mỗi công dân Việt Nam sẽ được cấp 01 căn cước điện tử.

Căn cước điện tử được sử dụng để thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của mỗi người. Theo đó, căn cước điện tử bao gồm những thông tin sau đây:

– Thông tin về Căn cước như số định danh cá nhân, họ chữ đệm và tên khai sinh, ngày tháng năm sinh, giới tính, ảnh khuôn mặt, vân tay; thông tin nhân dạng; …

– Thông tin được tích hợp: gồm Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, đăng ký kết hôn hoặc giấy tờ khác trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp. Các thông tin này chỉ được tích hợp theo đề nghị của công dân và đã được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo đề nghị của công dân.

6. Có cần phải đổi Căn cước công dân sang thẻ Căn cước không?

Luật Căn cước có nội dung:

– Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày 1/7/2024 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ.

– Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

Như vậy, Luật không bắt buộc và chúng ta không cần phải đổi thẻ Căn cước công dân sang thẻ Căn cước khi giá trị sử dụng của thẻ vẫn còn.

7. Có phải thay đổi các giấy tờ đã được cấp có sử dụng thông tin từ CMND, CCCD?

Luật quy định rõ, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước KHÔNG ĐƯỢC yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp. Như vậy, các giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, CCCD vẫn được giữ nguyên giá trị sử dụng.

Trên đây là những điểm mới nổi bật nhất được quy định trong Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.  Nếu còn vấn đề thắc mắc, hoặc cần tư vấn những vấn đề khác liên quan, bạn có thể liên hệ với Luật sư và Chuyên viên Công ty Luật CIS theo thông tin sau:

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CÔNG TY LUẬT CIS

109 Hoàng Sa, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028.3911.8581 – 028.3911.8582 – Hotline:0916.568.101

Email: info@cis.vn