Đừng để phải khiếu nại do đăng ký nhãn hiệu bị từ chối!

Sau một quá trình nộp đơn và qua thời gian thẩm định kéo dài lên đến 1-2 năm, bỗng nhiên một ngày bạn nhận được Quyết định từ chối bảo hộ nhãn hiệu mà bạn đã đăng ký! Nhiều bạn cũng đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật: bị Quyết định từ chối thì có thể khiếu nại được không? Và có cơ may nào thay đổi được quyết định của cơ quan đăng ký để đồng ý chấp thuận bảo hộ nhãn hiệu của bạn?

Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau nhé!

1) Khiếu nại liên quan đến đơn đăng ký nhãn hiệu là gì?

Theo quy định, các tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp đến Quyết định hoặc Thông báo liên quan đến việc xử lý đơn đăng ký Nhãn hiệu do cơ quan quản lý nhà nước về SHCN ban hành có quyền Khiếu nại với cơ quan quản lý nhà nước về SHCN hoặc Khởi kiện ra toà án theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan.

Ví dụ: Chủ đơn bị từ chối vì nhãn hiệu bị trùng / tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã có trước, mà chủ đơn không trả lời, hoặc trả lời không thuyết phục; hoặc nhãn hiệu bị từ chối vì lý do không nộp phí cấp bằng trong thời hạn quy định. Các chủ đơn nhãn hiệu có thể thực hiện khiếu nại và nêu các lập luận, dẫn chứng để khiếu nại cho hồ sơ nhãn hiệu của mình.

2) Thời hiệu khiếu nại liên quan đến đơn đăng ký nhãn hiệu

– Khiếu nại lần đầu được thực hiện trong vòng 90 ngày, kể từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định hoặc thông báo về việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp;

– Khiếu nại lần thứ hai là 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà khiếu nại đó không được giải quyết, hoặc tính từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

Nếu hết thời hạn giải quyết khiếu nại của cấp trực tiếp ra quyết định hoặc thông báo liên quan đến nhãn hiệu (khiếu nại lần thứ nhất) mà khiếu nại không được giải quyết, hoặc nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan này thì người khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định đó có quyền khiếu nại với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (khiếu nại lần thứ hai) hoặc khởi kiện tại toà án.

Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thì người khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định đó có quyền khởi kiện tại toà án.

3) Hồ sơ khiếu nại:

+ Tờ khai khiếu nại;

+ Văn bản giải trình khiếu nại và chứng cứ chứng minh lý lẽ khiếu nại;

+ Bản sao quyết định hoặc thông báo bị khiếu nại của Cục Sở hữu trí tuệ;

+ Bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ nhất (đối với khiếu nại lần thứ hai);

+ Giấy uỷ quyền (nếu nộp đơn thông qua đại diện);

+ Chứng từ nộp phí, lệ phí.

4) Thủ tục, trình tự Giải quyết đơn khiếu nại:

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đơn khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải kiểm tra đơn theo các yêu cầu về hình thức và ra thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại về việc đơn khiếu nại có được thụ lý hay không, trong đó ghi nhận ngày thụ lý đơn hoặc nêu rõ lý do không thụ lý đơn.

Đơn khiếu nại không được thụ lý nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(i) Người khiếu nại không có quyền khiếu nại;

(ii) Đơn khiếu nại nộp ngoài thời hiệu quy định;

(iii) Đơn khiếu nại không đáp ứng các yêu cầu khác theo quy định.

Căn cứ vào lập luận, chứng cứ của người khiếu nại và bên liên quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải ra quyết định giải quyết khiếu nại trong thời hạn theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

Quyết định giải quyết khiếu nại được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký quyết định.

Thời hạn giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Điều 28 và Điều 37 của Luật Khiếu nại. Tuy nhiên, do tình trạng phải xử lý hồ sơ quá nhiều nên thực tế thời gian xem xét và xử lý khiếu nại thường kéo dài rất lâu. Đặc biệt là trong trường hợp phức tạp, cần thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ và xin ý kiến của các chuyên gia.

5) Một số lưu ý

Như đã trình bày, việc xử lý hồ sơ khiếu nại có thể bị kéo dài, nên việc chờ đợi kết quả giải quyết khiếu nại ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ đơn vì họ vẫn chưa được công nhận quyền sở hữu nhãn hiệu, không có quyền ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu trùng, tương tự với nhãn hiệu của mình, thậm chí là trong trường hợp chủ đơn bị từ chối vì tương tự nhãn hiệu của người khác thì có nguy cơ bị kiện vi phạm nhãn hiệu của họ.

van-bang-bao-ho

Trên thực tế, kết quả giải quyết khiếu nại không phải lúc nào cũng thành công, cho nên, lời khuyên của Công ty Luật dành cho các bạn đang hoặc đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đó là: hãy chuẩn bị đơn nhãn hiệu của mình thật kĩ trước khi nộp, hay cụ thể là cần TRA CỨU thật kĩ về khả năng trùng, tương tự nhầm lẫn và có ý kiến đánh giá chuyên môn của Luật sư hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp như công ty Luật CIS, để biết được nguy cơ nhãn hiệu của bạn khi đăng ký có khả năng được bảo hộ hay không và có những giải pháp hợp lý nếu có vấn đề nào xảy ra trước khi bị Quyết định từ chối.

Công ty Luật HD Bản quyền Quốc tế (CIS Law Firm) là tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp được chứng nhận bởi Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Để giải đáp thắc mắc về vấn đề liên quan đến thủ tục khiếu nại nhãn hiệu, Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ thông tin bên dưới để được tư vấn và yêu cầu dịch vụ:

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8580 – 3911 8581
Email: 
info@cis.vn