Hệ thống tổ chức đại diện tập thể Quyền tác giả, Quyền liên quan Việt Nam – Nhật Bản

Có thể nói, việc tồn tại của các tổ chức đại diện tập thể ở Việt Nam còn rất mới mẻ và được ít người biết đến; Tuy nhiên, trên thế giới, các tổ chức này dưới tên gọi là Collective Management Organization (CMO) đã có lịch sử phát triển lâu đời và đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa các quy định của pháp luật về bản quyền đi vào đời sống. Theo khoản 1 Điều 56, Luật Sở hữu trí tuệ: “Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan (TTĐDTT QTGQLQ) là tổ chức phi lợi nhuận do các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan thỏa thuận thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan.”

Đến nay, Việt Nam đã có 4 Tổ chức đại diện tập thể đi vào hoạt động và bước đầu thu được những thành công nhất định. Ngoài ra, sắp tới đây, Hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam – tổ chức đại diện tập thể thứ 5 tại Việt Nam sẽ được thành lập và hoạt động theo Quyết định số 1813/QĐ-BNV của Bộ Nội Vụ ngày 01/12/2015. Bên cạnh sự thành công rực rỡ của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam với doanh thu hàng năm hơn 67 tỉ đồng (năm 2014), thì các CMO khác vẫn còn đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong khi thực hiện chức năng cấp phép, thu và phân phối tiền bản quyền của mình. Đối với việc quản lý thực thi các quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng, Việt Nam là một đất nước hoàn toàn non trẻ, thiếu kinh nghiệm và hệ thống quản lý .Do đó việc hợp tác quốc tế và học tập kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển là chiến lược quan trọng và cốt yếu để Việt Nam phát triển nhanh hơn trên con đường này.

Từ ngày 27-29/01/2016 vừa qua, Cục Bản quyền tác giả Việt Nam và Cơ quan Văn hóa Nhật Bản phối hợp tổ chức các buổi trao đổi về Hệ thống tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm chia sẻ các thông tin và kinh nghiệm từ ba tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan của Nhật Bản tới các tổ chức quản lý tập thể tại Việt Nam. Các tổ chức này đã có thời gian hoạt động lâu dài và đạt được nhiều thành công trong việc quản lý quyền tác giả, quyền liên quan tại Nhật Bản. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan giữa Bộ Văn Hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản được ký kết vào ngày 09/3/2015 tại Nhật Bản.

1rc

Buổi làm việc song phương giữa đại diện của các CMO Nhật Bản và Việt Nam

Chương trình làm việc của đoàn Nhật Bản tại Việt Nam được diễn ra trong 3 ngày, bao gồm: (1) các buổi làm việc song phương giữa các tổ chức đại diện tập thể của Việt Nam và Nhật Bản; (2) Chương trình Hội thảo về Hệ thống Tổ chức Đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; (3) Chương trình làm việc riêng của khối cơ quan nhà nước. Chương trình Hội thảo chính diễn ra vào ngày 28/01/2016 với sự tham gia của các bên:

Đại diện từ phía Nhật Bản tham gia chương trình:

  1. Cơ quan Văn hóa Nhật Bản
  2. Hiệp hội bảo vệ quyền của nhà soạn nhạc, nhà soạn lời và nhà xuất bản âm nhạc Nhật Bản – JASRAC
  3. Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Nhật Bản – RIAJ
  4. Hiệp hội bảo vệ quyền của người biểu diễn và nghệ thuật biểu diễn (GEIDANKYO)

Đại diện từ phía Việt Nam tham gia chương trình:

  1. Cục Bản quyền tác giả Việt Nam – COV
  2. Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam – VCPMC
  3. Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam – VLCC
  4. Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam – RIAV
  5. Hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam – APPA
  6. Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam
  7. Các khách mời khách đại diện cho các những người chủ sở hữu và người sử dụng tác phẩm, như đại diện từ các tổ chức phát sóng, các trường học; và một số cơ quan báo chí khác.

2rc

Ông ISOGAI Keisuke  – Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Nhật Bản

Thông qua Hội thảo, đại diện từ phía Cục Bản quyền Tác giả Việt Nam là ông Phạm Thanh Tùng – Trưởng phòng Thông tin và Hợp tác Quốc tế, Cục Bản quyền Việt Nam đã có những trình bày chi tiết về hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ cũng như tình hình hoạt động của các CMO tại Việt Nam. Tiếp đó các đại diện từ phía các CMO của Nhật Bản và Cơ quan Văn hóa Nhật Bản lần lượt chia sẻ thông tin về pháp luật sở hữu trí tuệ và kinh nghiệm quản lý đối với từng nhóm quyền mà các CMO quản lý. Ngoài các kinh nghiệm cấp phép, thu và phân phối tiền bản quyền, các diễn giả cũng chia sẻ những khó khăn mà họ gặp phải đối với việc bảo vệ quyền tác giả trong môi trường số hiện nay.

4rc

Đại diện từ CIS Law Firm cùng ông Bùi Nguyên Hùng – Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam

Một trong những nội dung quan trọng của buổi hội thảo là Chuyên đề thảo luận giữa tất cả các bên cùng với người tham gia về Thời cơ và Thách thức về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường số. Hội đồng đã nhận được nhiều câu hỏi từ các khách mời; trong đó có đại diện của Trường Khoa học Xã hội nhân văn, Luật sư Nguyễn Thị Phương Hảo – Công ty Luật CIS, truyền hình cáp SCTV và các bên phát sóng khác. Các câu hỏi này đều xoay quanh việc xử lý các vi phạm bản quyền và kinh nghiệm nhận ủy thác, cấp phép của các CMO.

3rc

Chuyên đề 4: Thảo luận Thời cơ và thách thức về Bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường số.

Kết thúc buổi hội thảo, ông Bùi Nguyên Hùng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều chỉnh và thực thi pháp luật Sở hữu trí tuệ phù hợp với thông lệ quốc tế và các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là trong bối cảnh Hiệp định TPP được thông qua vào tháng 10 vừa qua. Ông Hùng cũng công bố một số kế hoạch quan trọng của Cục Bản quyền tác giả trong việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trong giai đoạn 2016-2020 theo tinh thần Quyết định số 649/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó trọng tâm là việc xây dựng bộ Cơ sở dữ liệu các tác giả, tác phẩm, thời gian hình thành tác phẩm và các thông tin liên quan để làm cơ sở cho việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam. Các kế hoạch này hứa hẹn sẽ mang đến một hệ thống quản lý tập thể thực sự hữu hiệu và minh bạch tại nước ta trong tương lai./.