Thông tư 02/2017/TT-BKHĐT – Giải pháp rút ngắn thời gian đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp

Luật Đầu tư 2014 có nhiều điểm mới so với Luật Đầu tư 2004, trong đó nổi bật là quy định cải cách quy trình thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài theo hướng bãi bỏ yêu cầu cấp giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để tách bạch hoạt động đầu tư theo dự án với hoạt động đăng ký kinh doanh. Theo hướng này, sau khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh như nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng, quy định này cũng gây không ít khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài và lãng phí thời gian, chi phí vì nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện hai thủ tục riêng biệt là thủ tục đăng ký đầu tư và thủ tục đăng ký doanh nghiệp do đó thời gian thực hiện sẽ kéo dài, nhà đầu tư phải chuẩn bị nhiều hồ sơ và phải chờ kết quả của thủ tục này để thực hiện thủ tục khác.

Nắm bắt được những bất cập đó, vừa qua Bộ Kế hoạch và đầu tư đã ban hành Thông tư 02/2017/TT-BKHĐT hướng dẫn về cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó các trường hợp áp dụng cơ chế liên thông được quy định tại Điều 4 của Thông tư, bao gồm 3 trường hợp sau:

  • Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo Điều 22 Luật Đầu tư
  • Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo Khoản 1 Điều 26 Luật Đầu tư
  • Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài điều chỉnh đồng thời nội dung đăng ký doanh nghiệp và nội dung đăng ký đầu tư

Thông tư 02/2017 cũng đề cập đến các nguyên tắc áp dụng cơ chế liên thông, trong đó nổi bật là quy định cho phép nhà đầu tư có quyền lựa chọn đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp theo cơ chế liên thông theo quy định tại Thông tư hoặc thực hiện từng thủ tục theo quy định tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành. Có thể thấy quy định này linh hoạt, tạo điều kiện cho nhà đầu tư được lựa chọn quy trình thủ tục, đồng thời vẫn phù hợp với quy định hiện hành. Ngoài ra, trình tự thủ tục theo quy định mới này cũng áp dụng cơ chế một cửa: bộ phận tiếp nhận hồ sơ cũng chính là bộ phận trả kết quả cho nhà đầu tư, cơ chế này góp phần làm giảm sự rườm rà trong việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của cơ quan có thẩm quyền vừa giúp cho nhà đầu tư tiết kiệm được thời gian, công sức.

Đặc biệt, Thông tư đã quy định chi tiết về trình tự thực hiện cơ chế liên thông tương ứng với từng trường hợp liên thông. Đơn cử như trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, nếu theo quy định hiện hành thì nhà đầu tư phải thực hiện hai thủ tục là thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư và thủ tục đăng ký doanh nghiệp, cụ thể như sau:

Như vậy với quy trình trên, nhà đầu tư phải mất ít nhất 18 ngày làm việc để hoàn tất tất cả các thủ tục, đồng thời nhà đầu tư phải chuẩn bị nhiều hồ sơ, trong đó có nhiều loại giấy tờ trùng nhau như các giấy tờ chứng thực cá nhân (CMND, giấy đăng ký doanh nghiệp ….) điều này làm cho nhà đầu tư mất nhiều thời gian, công sức mà lại không cần thiết.

Khác hẳn với quy định hiện hành, trình tự thủ tục đầu tư thành lập tổ chức kinh tế của nhà đầu tư nước ngoài theo Cơ chế liên thông được thực hiện qua hình thức liên thông điện tử thông qua việc sử dụng Hệ thống thông tin xử lý liên thông với trình tự, thủ tục chi tiết được quy định tại Điều 6 Thông tư, cụ thể như sau:

  • Bước 1: Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư
  • Bước 2: Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư và Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét tính hợp lệ của hồ sơ
  • Bước 3: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và gửi thông tin sang Cơ quan đăng ký kinh doanh
  • Bước 4: Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp và chuyển Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tới Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư
  • Bước 5: Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư trả Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư.

(Sơ đồ mô tả trình tự thực hiện cơ chế liên thông trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập tổ chức kinh tế)

Như vậy, với cơ chế liên thông như trên, nếu nhà đầu tư muốn đầu tư thành lập tổ chức kinh tế việc thực hiện sẽ dễ dàng hơn và thời gian chờ kết quả cũng được rút ngắn đáng kể bởi hai thủ tục sẽ được thực hiện đồng thời với cơ chế trao đổi thông tin giữa hai cơ quan đăng ký đầu tư và đăng ký kinh doanh.

Ngoài ra, Thông tư 02/2017 cũng quy định về trình tự thủ tục trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp hoặc điều chỉnh nội dung đăng ký đầu tư và nội dung đăng ký doanh nghiệp và để đảm bảo cho cơ chế liên thông được thực hiện ngay cả trong các trường hợp bất khả kháng, Thông tư cũng có quy định về việc thực hiện cơ chế liên thông theo quy trình dự phòng.

Thông tư 02/2017 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/6/2017.