Vì sao không đeo khẩu trang ở nơi công cộng bị phạt? Nhiều biện pháp mạnh phòng dịch Covid19

Tiếp nối các đề tài về pháp lý phát sinh từ Đại dịch viêm phổi Vũ Hán mà Công ty Luật CIS đã thực hiện trong thời gian gần đây như:

 ….

Ai cũng biết, ở Việt Nam, khẩu trang là phương tiện để tránh bụi, tránh gió và được sử dụng thường xuyên, khác với nhiều nước khác khi họ chủ yếu di chuyển bằng oto hay bằng phương tiện công cộng, nên đối với họ, khẩu trang khá xa lạ.

Tuy nhiên, trong Đại dịch viêm phổi Vũ Hán, khẩu trang trở thành vũ khí phòng ngừa lây nhiễm phổ biến hiện nay, cả ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Như các bạn đã biết, tình hình Đại dịch viêm phổi Vũ Hán đang diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm bệnh tăng lên từng giờ và chưa có biểu hiện giảm, chính vì vậy mà:

  • Vào đêm ngày 11/3 theo giờ Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức công bố căn bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) do chủng mới của vi-rút corona gây ra là “đại dịch toàn cầu”,
  • Ngày 13/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia với dịch bệnh COVID-19

Đến ngày 27/3/2020, thế giới ghi nhận 529.148 người nhiễm nCoV, trong đó 23.968 người đã chết; 123.380 người, tức 23% số ca nhiễm, đã bình phục.

Ở Việt Nam, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc chống dịch Covid-19, cùng với việc giảm tối đa nguồn lây nhiễm từ bên ngoài bằng mọi biện pháp, từ ngày 16/3, toàn dân sẽ phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng có tập trung đông người.​

Vậy, nơi công cộng mà Thủ tướng Chính phủ nhắc tới được hiểu như thế nào?

Nói đơn giản, nơi công cộng là những địa điểm hay tụ tập đông người như rạp chiếu phim, nhà hát, siêu thị, nhà ga, công viên, chợ, sân bay… mà ở đó các hoạt động chung của xã hội được diễn ra thường xuyên hoặc không thường xuyên.

Mới đây nhất, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh COVID-19 sáng ngày 26/3, Thủ tướng yêu cầu ít nhất trong 2 tuần tới, người đứng đầu chính quyền các cấp tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người. Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo và sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người. Hơn nữa, cấm tụ tập nhiều hơn 10 người ở bên ngoài các công sở và trường học, bệnh viện.

covid19-deo-khau-trang

Tại Tp. HCM, từ ngày 24/3, UBND TP HCM đã yêu cầu khu vui chơi giải trí, quán bia, nhà hàng có công suất phục vụ 30 người trở lên, câu lạc bộ bida, thể hình, cơ sở làm đẹp phải ngừng hoạt động. Các điểm kinh doanh ăn uống không phục vụ quá 30 khách một lúc và mỗi bàn ngồi cách nhau 1,5-2 m.

Thành phố cũng khuyến cáo người dân hạn chế việc tập trung đông người tại các đám hiếu, hỷ, giỗ, liên hoan sinh nhật; khuyến khích người dân ở nhà, làm việc, học tập trực tuyến… Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự ngưng các hoạt động có tập trung đông người.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid -19 với các sở, ngành chiều 26/3, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu xử phạt người dân không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Tuy nhiên, tình trạng người dân nhiều nơi không tuân thủ quy định đeo khẩu trang tại nơi đông người vẫn đang xảy ra hay nói cách khác là chưa có trách nhiệm cũng như chưa đảm bảo sức khỏe cho bản thân và sâu xa hơn là cho toàn xã hội.

covid19-deo-khau-trang

Một câu hỏi đặt ra là, trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, thì chế tài cho những hành vi này là gì?

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định số 07/2020/QĐ-TTg vào ngày 26/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ thì bệnh Covid-19 thì được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Đối chiếu với quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì những người không đeo khẩu trang nơi công cộng có dấu hiệu vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 7 Điều 8 của Luật này có thể phạt Cảnh cáo hoặc Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP.

Trước đây, hình ảnh người nước ngoài không đeo khẩu trang khi du lịch, làm việc tại Việt Nam là rất phổ biến, tuy nhiên, vấn đề này đang dần thay đổi. Thật vậy, trước đây người nước ngoài không đeo khẩu trang ngay cả khi dịch bệnh đã bùng phát vì họ nghĩ rằng, khẩu trang chỉ dành cho người bệnh, họ khỏe mạnh thì không nhất thiết phải đeo, nhưng với tình hình dịch bệnh biến chuyển quá nhanh, thật sự đang đe dọa sự sống của nhân loại thì giờ đây họ cũng đã tự giác đeo khẩu trang để tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng.

Như vậy, để tránh tình trạng lây lan dịch bệnh nhanh chóng thì khẩu trang đang là vũ khí phòng ngừa phổ biến nhất hiện nay, khẩu trang làm giảm thiểu, ngăn cản các giọt bắn của người xung quanh như ho, hắt hơi, nhầy mũi, khạc nhổ bám vào.

Cùng với chính sách phòng chống dịch bệnh của Nhà nước thì một hành động nhỏ đeo khẩu trang tại nơi đông người, cũng góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Mỗi người dân hãy chung tay góp sức vào phong trào phòng chống dịch bệnh bằng cách tuân thủ các quy định về y tế, phòng dịch.

Hãy chung tay bảo vệ sự sống trên trái đất nhé!

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM
Điện thoại: 028 3911 8580 – 028 3911 8581
Email: info@cis.vn