Quy trình xin giấy phép đầu tư tại thành phố hồ chí minh năm 2023

Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố thu hút rất nhiều Nhà đầu tư nước ngoài. Khi muốn đầu tư vào thành phố sôi động và phát triển này, Nhà đầu tư phải xin cấp Giấy phép đầu tư. Vậy điều kiện, thủ tục và trình tự xin Giấy phép đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh như thế nào?

Trong nội dung bài viết dưới đây, Công ty Luật CIS sẽ hướng dẫn chi tiết về quy trình xin Giấy phép đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023.

1. Giấy phép đầu tư là gì?

Giấy phép đầu tư là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư. Định nghĩa này là định nghĩa về “Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư” trong Luật Đầu tư hiện hành. Tuy nhiên, dù pháp luật hiện hành dùng thuật ngữ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhưng, Giấy phép đầu tư lại là cách gọi quen thuộc của nhà đầu tư.

Chính vì vậy, trong nội dung bài viết này, thuật ngữ “Giấy phép đầu tư” sẽ được hiểu là “Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”. Theo đó, Giấy phép đầu tư là văn bản do cơ quan nhà nước Việt Nam cấp cho nhà đầu tư, ghi nhận những thông tin về Dự án đầu tư của Nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam.

Hiện nay, dù luật quy định Giấy phép đầu tư là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Giấy phép đầu tư được cấp cho nhà đầu tư là bản giấy.

mau-giay-phep-dau-tu
Hình mẫu Giấy phép đầu tư.

2. Điều kiện cấp Giấy phép đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023.

Nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh phải đáp ứng các điều kiện đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cụ thể:

– Điều kiện thứ nhất, Nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường. Đây là điều kiện mà nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng để đầu tư trong các ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật đầu tư;

– Điều kiện thứ hai, phải có địa điểm thực hiện dự án đầu tư được xác định trên cơ sở bản sao hợp lệ giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc bản sao hợp lệ thỏa thuận thuê địa điểm hoặc văn bản, tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;

– Điều kiện thứ ba, mục tiêu hoạt động của Dự án đầu tư không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư 2020 và điều ước quốc tế về đầu tư;

– Điều kiện thứ tư, Dự án đầu tư phù hợp với các quy hoạch theo quy định của pháp luật;

– Điều kiện cuối cùng, Dự án đầu tư đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất, số lượng lao động sử dụng (nếu có).

3. Hồ sơ xin cấp Giấy phép đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023.

Thủ tục xin cấp Giấy phép đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có sự khác nhau tùy thuộc vào việc Dự án đầu tư có thuộc trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư hay không. Theo đó, hồ sơ xin Giấy phép đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh như sau:

3.1 Dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư:

Chấp thuận chủ trương đầu tư là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án; nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư và các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) để thực hiện dự án đầu tư. Theo đó, căn cứ điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu thu hút đầu tư trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng các hình thức bảo đảm của Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và những dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng khác.

Khi dự án thuộc diện chấp thuận chủ đương đầu tư, Nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư. Tùy thuộc vào những yếu tố như mục tiêu dự án, quy mô, mức độ ảnh hưởng đến môi trường, nhu cầu sử dụng đất mà dự án đầu tư có thể thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc Hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất bao gồm:

– Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận (theo mẫu);

– Đề xuất dự án đầu tư (theo mẫu).

– Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;

– Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của Nhà đầu tư; Cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; Cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; Bảo lãnh về năng lực tài chính của Nhà đầu tư; Tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.

– Bản sao một trong các loại giấy tờ sau: chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu của Nhà đầu tư nước ngoài đối với Nhà đầu tư là cá nhân; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy phép hoạt động, Giấy phép thành lập, Quyết định thành lập đối với Nhà đầu tư là tổ chức;

– Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;

– Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;

– Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có);

– Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

dich-vu-lam-the-apec

3.2 Dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư:

Trừ những dự án thuộc diện phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư, những dự án còn lại không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư.

Dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Giấy phép đầu tư), theo đó, hồ sơ xin cấp Giấy phép đầu tư bao gồm các tài liệu sau:

– Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư (theo mẫu);

– Đề xuất dự án đầu tư (theo mẫu);

– Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của Nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của Nhà đầu tư; Cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; Cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; Bảo lãnh về năng lực tài chính của Nhà đầu tư; Tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.

– Bản sao chứng minh nhân dân/ căn cước công dân/ hộ chiếu của Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/ Giấy phép hoạt động/ Giấy phép thành lập/ Quyết định thành lập đối với Nhà đầu tư là tổ chức.

– Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Thỏa thuận thuê địa điểm/ Hợp đồng thuê văn phòng/ Hợp đồng thuê nhà xưởng và các tài liệu khác chứng minh quyền cho thuê của bên cho thuê, trừ trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;

– Giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;

– Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

4. Quy trình xin Giấy phép đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 (cơ quan giải quyết, thời gian giải quyết, phí).

Trường hợp Dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, Nhà đầu tư nộp hồ sơ cho một trong các cơ quan sau:

– Đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Quốc Hội hoặc Thủ tướng Chính phủ, thì Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

– Đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của UBND Thành phố Hồ Chí Minh:

+ Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thành phố Hồ Chí Minh nếu dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;

+ Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh nếu dự án đầu tư trong khu công nghệ cao;

+ Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nếu dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.

Thời gian xin chấp thuận chủ trương đầu tư thường kéo dài vì cần sự thẩm định và lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan. Do đó, tùy thuộc vào Dự án đầu tư và thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, thời gian giải quyết là khác nhau.

Trường hợp Dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại một trong các cơ quan sau:

– Đối với dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế: Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: 35 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh;

– Đối với dự án đầu tư trong khu công nghệ cao: Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Đường D1, Khu công nghệ cao, Phường Tân Phú, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh;

– Đối với dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế: Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: 32 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thời gian xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp này là 15 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ từ Nhà đầu tư.

Về chi phí, hiện nay pháp luật không quy định về lệ phí nhà nước khi xin Giấy phép đầu tư. Do đó, nhà đầu tư sẽ không phải đóng phí nhà nước khi thực hiện thủ tục này.

dich-vu-dang-ky-ban-quyen-thuong-hieu

5. Thời hạn của Giấy phép đầu tư.

Thời hạn của Giấy phép đầu tư là thời hạn thực hiện dự án, do nhà đầu tư đăng ký và được ghi nhận trong Giấy phép đầu tư.

Thời hạn tối đa của dự án đầu tư mà nhà đầu tư được đăng ký sẽ tùy thuộc vào địa bàn đầu tư và nội dung của Dự án, cụ thể như sau:

– Đối với dự án ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao: Thời hạn của Giấy phép đầu tư không quá 50 năm.

Riêng đối với Dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án đầu tư có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm thì thời hạn hoạt động của dự án đầu tư có thể dài hơn nhưng không quá 70 năm.

– Đối với dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao: Thời hạn của Giấy phép đầu tư không quá 70 năm.

6. Dịch vụ xin cấp Giấy phép đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh của Công ty Luật CIS.

Công ty Luật CIS là công ty chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan đến các thủ tục đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, Công ty Luật CIS đã hỗ trợ cho rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ nhiều quốc gia khác nhau xin Giấy phép đầu tư thành công tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Công ty Luật CIS sẽ hỗ trợ khách hàng trong những công việc sau:

Tư vấn điều kiện, hồ sơ, thủ tục xin Giấy phép đầu tư, điều chỉnh, thay đổi giấy phép đầu tư;

– Soạn thảo bộ hồ sơ xin Giấy phép đầu tư đầy đủ, nhanh chóng, hợp lệ;

– Đại diện nhà đầu tư thực hiện các thủ tục xin cấp Giấy phép đầu tư tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

Theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, giải trình với các cơ quan nhà nước về các vấn đề liên quan đến hồ sơ;

– Hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục pháp lý phát sinh sau khi thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép đầu tư;

– Tư vấn, thực hiện thủ tục xin cấp mới, điều chỉnh các giấy phép con có liên quan;

– Hỗ trợ các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh cho nhà đầu tư.

Trên đây là hướng dẫn chi tiết về quy trình xin Giấy phép đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023. Nếu bạn có vướng mắc trong quá trình xin Giấy phép đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh hay bạn có nội dung nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý, hãy liên hệ ngay với Luật sư Công ty Luật CIS theo thông tin sau:

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3911.8581 – 3911.8582             Hotline: 0916.568.101
Email: info@cis.vn