Thuế gián thu là gì? Các loại thuế gián thu ở Việt Nam

Thuế là khoản nộp bắt buộc mang tính cưỡng chế của nhà nước mà các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ phải nộp vào ngân sách Nhà nước, là khoản thu chủ yếu tạo lập nên Ngân sách nhà nước.

Có nhiều cách thức phân loại thuế, trong đó phổ biến có thể kể đến cách phân loại dựa trên mối quan hệ giữa người nộp thuế và người chịu thuế, theo đó thì ta có thuế gián thu và thuế trực thu.

Vậy thuế gián thu là gì? Ở Việt Nam có các loại thuế gián thu nào? Thông qua bài viết dưới đây, Công ty Luật CIS sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản để hiểu hơn về vấn đề này.

1. Thuế gián thu là gì?

Thuế gián thu là loại thuế mà Nhà nước động viên từ người chịu thuế nhưng nhà nước tổ chức thu gián tiếp thông qua người nộp thuế, trong đó người nộp thuế không đồng thời là người chịu thuế.

Ví dụ, khi bạn đi mua một loại hàng hóa nào đó mà hàng hóa đó là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, thì bạn là người phải đóng tiền thuế cho hàng hóa đó nhưng bạn không phải là người đi nộp thuế cho Nhà nước. Người nộp thuế trong trường hợp này sẽ là doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa đó, doanh nghiệp sẽ kê khai và nộp thuế vào Ngân sách Nhà nước.

Như vậy, đối với thuế gián thu, Nhà nước không thu trực tiếp tiền thuế từ người chịu thuế mà sẽ thu thông qua chủ thể thứ ba. Người phải đóng thuế không cần nộp trực tiếp cho cơ quan quản lý thuế mà họ sẽ trả cho bên thứ ba và bên đó sẽ thay họ nộp thuế.

thue-gian-thu-la-gi

2. Đặc điểm của thuế gián thu.

Thuế gián thu có những đặc điểm cơ bản sau:

– Thứ nhất, trong thuế gián thu thì người nộp thuế không đồng thời là người chịu thuế. Theo đó:

+ Người nộp thuế là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

+ Người chịu thuế: là người tiêu dùng cuối cùng.

Tiền thuế sẽ được cấu thành trong giá bán hàng hóa, dịch vụ và khi người tiêu dùng mua hàng hóa hay sử dụng dịch vụ thì họ đã trả tiền thuế đó cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ tiến hành kê khai và nộp thuế thay cho người tiêu dùng.

– Thứ hai, Nhà nước thu thuế gián tiếp thông qua người nộp thuế. Như đã trình bày ở trên, người chịu thuế là người tiêu dùng nhưng người nộp thuế là doanh nghiệp, là chủ thể thứ ba có nghĩa vụ nộp thuế.

– Thứ ba, tiền thuế thường được cấu thành trong giá bán. Người tiêu dùng khi mua hàng hóa, dịch vụ sẽ thanh toán tiền thuế đồng thời với việc thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ. Các chủ thể kinh doanh phải có nghĩa vụ hạch toán riêng phần tiền thuế ra khỏi doanh thu và thay mặt người tiêu dùng nộp vào ngân sách Nhà nước.

dich-vu-lam-the-apec

3. Các loại thuế gián thu.

Trong hệ thống pháp luật thuế Việt Nam hiện nay, các loại thuế gián thu bao gồm:

– Thuế xuất khẩu – thuế nhập khẩu;

Xem chi tiết chính sách thuế xuất khẩu – thuế nhập khẩu.

– Thuế Tiêu thụ đặc biệt;

Xem chi tiết chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt.

– Thuế Giá trị gia tăng;

Xem chi tiết chính sách thuế Giá trị gia tăng.

– Thuế Bảo vệ môi trường.

Xem chi tiết chính sách thuế bảo vệ môi trường.

4. So sánh thuế gián thu và thuế trực thu.

♦ Giống nhau:

+ Thuế trực thu và thuế gián thu đều là phương thức thu thuế mà Nhà nước áp dụng để thu thuế.

+ Hai phương thức thu thuế đều mang tính bắt buộc. Nghĩa là người chịu thuế phải nộp thuế cho Ngân sách Nhà nước mà không được khước từ hoặc trì hoãn.

♦ Khác nhau:

  Thuế gián thu Thuế trực thu
Khái niệm Là loại thuế điều tiết gián tiếp thông qua giá cả hàng hóa, dịch vụ, người nộp thuế không phải là người chịu thuế. Là loại thuế điều tiết trực tiếp một phần thu nhập hoặc tài sản của người nộp thuế. Người nộp thuế đồng thời là người chịu thuế.
Đặc điểm – Người nộp thuế không đồng thời là người chịu thuế.

– Trong quan hệ thuế gián thu có ít nhất 3 chủ thể: Nhà nước, người nộp thuế và người chịu thuế.

– Nhà nước thu thuế gián tiếp thông người nộp thuế.

– Tiền thuế thường cấu thành trong giá bán.

– Người nộp thuế đồng thời là người chịu thuế.

– Chủ thể có nghĩa vụ đăng ký, kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế cũng chính là người chịu thuế.

– Nhà nước thu thuế trực tiếp.

– Tiền thuế thường cấu thành trên cơ sở trách nhiệm chịu thuế.

Ưu điểm – Ổn định vì điều tiết vào hành vi tiêu dùng, phạm vị điều tiết là toàn xã hội.

– Dễ dàng trong việc thu thuế.

– Người chịu thuế không cảm nhận gánh nặng về thuế, ít tạo tâm lý phản kháng, tiêu cực từ phía người chịu thuế, giảm thiểu hiện tượng trốn thuế.

– Công bằng hơn thuế gián thu

– Cá biệt được người chịu thuế nhằm thực hiện vai trò điều tiết của thuế.

 

Nhược điểm – Tạo sự không công bằng về mặt xã hội.

– Nhà nước không cá biệt được người chịu thuế.

– Khó khăn trong việc thu thuế.

– Quy trình thu thuế phực tạp, chi phí bỏ ra để thực hiện thu thuế cao hơn nhiều so với thuế gián thu.

– Người chịu thuế trực thu cảm nhận gánh nặng về thuế nên thường có những phản ứng tiêu cực kể cả có những hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực thi nghĩa vụ nộp thuế của mình.

dich-vu-dang-ky-ban-quyen-thuong-hieu

5. Ví dụ về thuế gián thu.

– Thuế giá trị gia tăng là một loại thuế gián thu. Điều 4 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 quy định:

Người nộp thuế giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là người nhập khẩu).

Theo đó, người nộp thuế là các cơ sở kinh doanh hay người nhập khẩu theo quy định, còn người chịu thuế là người tiêu dùng, mua hoặc sử dụng các hàng hóa dịch vụ đó. Nghĩa là, người nộp thuế và người chịu thuế là hai chủ thể khác nhau. Do đó, thuế giá trị gia tăng là loại thuế gián thu.

Ví dụ, khi bạn mua hàng ở siêu thị hay các cửa hàng tiện lợi thì khi thanh toán bạn sẽ được nhận hóa đơn và ở phần cuối của hóa đơn có ghi nhận thông tin về thuế giá trị gia tăng. Tùy vào các mặt hàng khác nhau mà sẽ có mức thuế suất khác nhau. Đó chính là phần thuế mà bạn phải chịu khi mua hàng hóa. Khi đó, bạn là người chịu thuế và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó đã đóng thuế thay bạn.

– Thuế xuất khẩu – thuế nhập khẩu cũng là một loại thuế gián thu. Điều 3 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2013 quy định:

Điều 3. Người nộp thuế.
1. Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
2. Tổ chức nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu.
3. Người xuất cảnh, nhập cảnh có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, gửi hoặc nhận hàng hóa qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
4. Người được ủy quyền, bảo lãnh và nộp thuế thay cho người nộp thuế, bao gồm:
a) Đại lý làm thủ tục hải quan trong trường hợp được người nộp thuế ủy quyền nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
b) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế trong trường hợp nộp thuế thay cho người nộp thuế;
c) Tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng trong trường hợp bảo lãnh, nộp thuế thay cho người nộp thuế;
d) Người được chủ hàng hóa ủy quyền trong trường hợp hàng hóa là quà biếu, quà tặng của cá nhân; hành lý gửi trước, gửi sau chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh;
đ) Chi nhánh của doanh nghiệp được ủy quyền nộp thuế thay cho doanh nghiệp;
e) Người khác được ủy quyền nộp thuế thay cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật.
5. Người thu mua, vận chuyển hàng hóa trong định mức miễn thuế của cư dân biên giới nhưng không sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng mà đem bán tại thị trường trong nước và thương nhân nước ngoài được phép kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở chợ biên giới theo quy định của pháp luật.
6. Người có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế nhưng sau đó có sự thay đổi và chuyển sang đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật.
7. Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Ví dụ, công ty A nhập khẩu xe ô tô từ Đức về Việt Nam thì thuế nhập khẩu của chiếc xe ô tô đó sẽ do công ty A chi trả. Sau đó, công ty A bán xe ô tô đó lại cho người tiêu dùng thì khi bán lại, số tiền thuế mà công ty nộp trước đó đã được cấu thành trong giá bán và người tiêu dùng chính là người phải trả số tiền thuế nhập khẩu đó. Công ty A chỉ thay mặt người chịu thuế nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.

Trên đây là thông tin về Thuế gián thu và các loại thuế gián thu ở Việt Nam. Nếu bạn có vướng mắc hay có nội dung nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý, hãy liên hệ ngay với Luật sư Công ty Luật CIS theo thông tin sau:

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028 3911 8580 – 3911 8581

Email: info@cis.vn