CSGT có được lập chốt cố định để xử phạt không?

Phạt vi phạm an toàn giao thông là một vấn đề luôn đặt ra những tranh cãi trong dư luận. Tình hình vi phạm giao thông đường bộ ở Việt Nam, đặc biệt là ở những thành phố lớn, vô cùng phức tạp và cần có những biện pháp kiểm soát tốt hơn. Trước tình hình đó, ở nhiều khu vực trên các tuyến đường, cảnh sát giao thông đã lập chốt để việc kiểm soát, xử phạt được linh hoạt hơn. Với hành vi này, nhiều người dân đã đặt ra câu hỏi: “Liệu cảnh sát giao thông có được lập chốt kiểm soát, xử phạt không?”

Trong bài viết này, Công ty Luật CIS sẽ cung cấp thông tin về các điều kiện để cảnh sát giao thông được lập chốt kiểm soát, xử phạt vi phạm an toàn giao thông.

1. Cơ sở pháp lý

Thông tư 65/2020/TT-BCA được ban hành bởi Bộ trưởng Bộ công an có hiệu lực ngày 19 tháng 06 năm 2020.

2. Điều kiện Cảnh sát giao thông (CSGT) có quyền lập chốt

Theo quy định tại khoản 3 Điều 9 TT 65/2020/TT-BCA; khoản 1 Điều 14 TT 65/2020/TT-BCA, CSGT có quyền lập chốt tại một điểm trên đường khi việc này được nêu rõ trong kế hoạch tuần tra, dán niêm yết công khai tại trụ sở

Khi tuần tra, kiểm soát cơ động được kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, … nhưng phải ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo công khai các kế hoạch tuần tra, kiểm soát theo quy định của Bộ Công an về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, gồm:

a) Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ;

b) Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông;

c) Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên trên tuyến, địa bàn được phân công phụ trách.

3. Các trường hợp CSGT được quyền dừng xe khi lập chốt

Điều 16 Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định về các trường hợp CSGT được quyền dừng xe để kiểm soát bao gồm:

Điều 16. Dừng phương tiện giao thông để kiểm soát

1. Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp sau:

a) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;

b) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;

d) Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

4. Các điều kiện đảm bảo an toàn giao thông cho chốt xử phạt cố định

Khi dừng, kiểm soát tại một điểm Cảnh sát giao thông phải bảo đảm những và yêu cầu sau đây (khoản 2 Điều 16 Thông tư):

♦ Phải đáp ứng các điều kiện an toàn giao thông (Điểm a khoản 2 Điều 9 Thông tư):

An toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông. Khi đã dừng phương tiện giao thông phải thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật;

♦ Không đứng góc khuất (điểm b khoản 2 Điều 9 Thông tư).

Theo đó, tại một điểm trên đường giao thông, lựa chọn địa điểm, mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn và đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, khi kiểm soát vào buổi tối, ban đêm phải có đèn chiếu sáng và bảo đảm đủ ánh sáng. Khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và quy định của pháp luật khác có liên quan; đủ diện tích để bố trí, lắp đặt các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, kiểm soát, xử lý phương tiện giao thông vi phạm; bố trí Cảnh sát giao thông hướng dẫn, điều hòa giao thông, bảo đảm an toàn giao thông.

♦ Phải đặt cọc tiêu, rào chắn hoặc dây căng dọc theo chiều đường sát lề đường hoặc vỉa hè (điểm b khoản 2 Điều 16 Thông tư).

Đặt rào chắn bằng các cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng dọc theo chiều đường ở phần đường, làn đường sát lề đường hoặc vỉa hè để hình thành khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định của Bộ Công an về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Chiều dài đoạn rào chắn tối thiểu 100m đối với đường cao tốc, 50m đối với quốc lộ và 30m đối với đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị, đường xã và đường chuyên dùng. Trường hợp kiểm soát trên đường cao tốc, phải đặt biển báo số 245a “Đi chậm” hoặc biển báo số 245b (đối với tuyến đường đối ngoại) về phía trước Tổ Cảnh sát giao thông theo hướng phương tiện giao thông cần kiểm soát đi tới theo quy định của pháp luật báo hiệu đường bộ. Khi giải quyết xong vụ việc phải thu dọn cọc tiêu, dây căng, biển báo hiệu và di chuyển ngay.

♦ Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông khi kiểm soát phải đúng theo quy định (điểm a, khoản 2 Điều 17 Thông tư).

Cảnh sát giao thông lựa chọn vị trí phù hợp, đứng nghiêm, hướng về phía phương tiện giao thông cần kiểm soát; Phát hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông ở khoảng cách bảo đảm an toàn; tay phải cầm gậy chỉ huy giao thông đưa lên và chỉ vào phương tiện giao thông cần kiểm soát, đồng thời thổi hồi còi dứt khoát, hướng dẫn người điều khiển phương tiện giao thông cần kiểm soát dừng vào vị trí phù hợp để kiểm soát;

Xem thêm video về CSGT có được lập chốt cố định để xử phạt không của Công ty Luật CIS tại đây:

CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, Phường Đakao, Quận 1, TPHCM
Email: info@cis.vn