Báo cáo vi phạm bản quyền, nhãn hiệu trên Facebook coi chừng bị kiện đòi bồi thường

Từ khi mạng xã hội xuất hiện và phát triển cho tới ngày nay đã và đang dần cho thấy sự quan trọng và sức ảnh hưởng của nó. Mạng xã hội làm thay đổi thói quen hàng ngày của một bộ phận đông đảo người tham gia. Từ việc những công việc rất quen thuộc như đi chợ, mua sắm …giờ đây mọi người có thể thực hiện nó ngay tại nhà chỉ với vài thao tác đơn giản. Những hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội sẽ dẫn đến khó kiểm soát những hành vi xâm phạm đến bản quyền và thương hiệu.

Hiện tại, Facebook là trang mạng xã hội có đông đảo người dùng trên Thế giới, việc quảng cáo, mua bán hàng hóa diễn ra trên trang này rất phổ biến. Để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh và bảo vệ những chủ sở hữu bản quyền, thương hiệu Facebook đã xây dựng cho mình một cơ chế để xử lý những hành vi liên quan đến vi phạm bản quyền, thương hiệu.

Cách khiếu nại và bằng chứng?

Trước khi nhờ tới sự can thiệp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Facebook khuyên người báo cáo khi nghi ngờ rằng bản quyền, nhãn hiệu hàng hóa của mình bị xâm phạm, trước hết người đó nên giải quyết bằng cách liên hệ trực tiếp với chủ thể có hành vi vi phạm để yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại nếu có. Đây cũng là cách giải quyết phù hợp với quy định của Luật sở hữu trí tuệ hiện hành.

Nếu bên vi phạm không chấm dứt hành vi xâm phạm chủ sở hữu bản quyền, nhãn hiệu hàng hóa (chủ sở hữu hoặc người đại diện ủy quyền) có thể sử dụng cơ chế “khiếu nại bản quyền” hoặc “nhãn hiệu hàng hóa” để gỡ các video, hình ảnh, bài viết có chứa nội dung xâm phạm. Tại đây, Facebook cũng nhấn mạnh rằng chỉ chủ sở hữu bản quyền hoặc người đại diện được ủy quyền của họ mới có thể báo cáo hành vi khả nghi là vi phạm bản quyền, nhãn hiệu hàng hóa.

xam-pham-facebook

Facebook cần chủ sở hữu cung cấp những thông tin quan trọng liên quan đến việc chứng minh người báo cáo là chủ sở hữu bản quyền đó như:

  • Tên của chủ sở hữu quyền
  • Địa chỉ email
  • Lý do báo cáo nội dung vi phạm: Sao chép nội dung, sử dụng hình ảnh của bạn khi chưa được phép, hoặc một lý do khác xâm phạm khi bản quyền khi chưa được sự đồng ý của bạn.
  • Chủ sở hữu có thể cung cấp liên kết trực tiếp hoặc mô tả video, hình ảnh được cho là xâm phạm.
  • Chủ sở hữu cần xác nhận nội dung khai báo và chịu trách nhiệm về những thông tin đã cung cấp

xam-pham-ban-quyen-facebook

Còn đối với việc báo cáo hành vi vi phạm nhãn hiệu hàng hóa, Facebook cho rằng: Facebook không có thẩm quyền, khả năng xử lý để giải quyết tranh chấp về nhãn hiệu hàng hóa dựa trên các báo cáo được gửi đến, bởi khi xử lý những tranh chấp này cần có sự phân tích chuyên sâu về nhãn hiệu hàng hóa.

Vì thế, Facebook khuyến khích người dùng nên liên hệ với bên bị cho là đang vi phạm quyền, hay gửi đơn khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền hay bằng các hình thức giải quyết tư pháp khác theo pháp luật.

Bên cạnh đó, Facebook vẫn tạo điều kiện cho người dùng có thể báo cáo nội dung mà bị cho là đã vi phạm nhãn hiệu hàng hóa thông qua mẫu báo cáo hành vi vi phạm,  người báo cáo cần cung cấp các thông tin:

  • Thông tin liên hệ đầy đủ (họ và tên, địa chỉ nhận thư và số điện thoại).
  • Từ, biểu tượng, v.v. cụ thể mà bạn khiếu nại là vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hóa.
  • Cơ sở khiếu nại về quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hóa (chẳng hạn như văn bản chứng nhận đăng ký quốc gia hoặc cộng đồng), bao gồm số đăng ký, nếu có.
  • Quốc gia hoặc khu vực pháp lý khiếu nại về quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hóa.
  • Danh mục hàng hóa và/hoặc dịch vụ.
  • Thông tin đầy đủ và hợp lý để Facebook có thể tìm thấy trên Facebook nội dung mà người báo cáo cho rằng vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hóa của mình. Cách dễ nhất để thực hiện việc này là cung cấp địa chỉ web (URL) dẫn thẳng đến nội dung bị cho là vi phạm.
  • Mô tả nội dung này vi phạm nhãn hiệu hàng hóa của người báo cáo.
  • Giải thích mối quan hệ của người báo cáo với chủ sở hữu quyền nếu người báo cáo không phải là người đó.
  • Lời tuyên bố rằng của người báo cáo.
  • Chữ ký điện tử hoặc chữ ký sống.

Nhìn chung, so với báo cáo về vi phạm bản quyền, báo cáo về hành vi vi phạm nhãn hiệu hàng hóa cần nhiều thông tin hơn hẳn.

Việc khiếu nại bản quyền trên Facebook tương đối dễ dàng. Nhưng với những chứng cứ mà Facebook yêu cầu chủ sở hữu cung cấp đã đủ cơ sở vững chắc để chứng minh hay chưa?

Với những đối thủ cạnh tranh, việc làm giả những chứng cứ để khiếu nại gây mất uy tín, thiệt hại cho chủ sở hữu bản quyền là hoàn toàn có thể. Khi nhận được khiếu nại bản quyền, Facebook có thể gỡ ngay nội dung đó khỏi Facebook mà không cần liên hệ với người bị báo cáo trước. Mặc dù việc Facebook ngay lập tức gỡ bỏ những video, hình ảnh bị báo cáo là vi phạm bản quyền với mục đích là giảm thiểu tối đa người xem nội dung đó tránh trường hợp nhầm lẫn, gây mất uy tín cho chính chủ sở hữu quyền, nhưng liệu việc này có thực sự hợp lý? Đối với việc xác minh những video, hình ảnh … bị nghi là vi phạm rất quan trọng, vì thế, trước khi gỡ bỏ một nội dung nào đó bị báo cáo, Facebook cần có một tổ chức chuyên nghiệp hoặc đội ngũ nhân viên có chuyên môn xem xét đánh giá là hết sức cần thiết và đảm bảo sự công bằng. Sau quá trình xem xét đánh giá những chứng cứ cung cấp và đi đến kết quả có gỡ bỏ nội dung vi phạm sẽ phù hợp với quy định của Luật sở hữu trí tuệ.

Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ: cá nhân/tổ chức khi phát hiện có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì có quyền tự bảo vệ bằng cách:

  • Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như: Công khai thông tin văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu, phạm vi, thời hạn bảo hộ…
  • Yêu cầu chủ thể vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính thông tin, bồi thường thiệt hại.
  • Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
  • Khởi kiện ra Tòa án hoặc trọng tài

Cá nhân tổ chức là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có thể tiến hành hoạt động “Giám định sở hữu trí tuệ” để làm cơ sở chứng minh hành vi xâm phạm và cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tiến hành xử lý xâm phạm có thể trưng cầu “giám định sở hữu trí tuệ” này để giải quyết vụ việc

Cách bảo vệ bên bị khiếu nại?

Trong trường hợp bên bị khiếu nại có tài liệu chứng minh quyền sở hữu bản quyền (ví dụ bên khiếu nại đã khai man hoặc dùng bằng chứng giả để khiếu nại…), nhãn hiệu hàng hóa thuộc về mình, bên bị khiếu nại có thể gửi “kháng nghị” về nội dung bị khiếu nại.

Facebook sẽ cung cấp cho bên kháng nghị thông tin về số báo cáo; tên chủ sở hữu quyền; địa chỉ email mà bên báo cáo cung cấp; mô tả về tác phẩm có bản quyền của chủ sở hữu quyền; mô tả nội dung đã gỡ…

Quy trình thông báo và gỡ bỏ của Facebook được quy định trong Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số (Digital Millennium Copyright Act – DMCA) của Hoa Kỳ. Người bị báo cáo khi bị gỡ nội dung thì có thể kháng nghị về việc này thông qua việc gửi kháng nghị, nếu như nội dung bị gỡ theo quy trình thông báo và thông báo phản đối của Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số (DMCA) của Hoa Kỳ, người dùng có thể gửi thông báo phản đối theo DMCA. Trong trường hợp thông báo phản đối có hiệu lực, Facebook sẽ gửi thông báo phản đối này cho người báo cáo, nhưng họ không thông báo là đã đệ đơn kiện lên tòa án để xin lệnh gỡ nội dung xuống, Facebook sẽ khôi phục hoặc ngừng vô hiệu hóa nội dung đủ điều kiện theo DMCA. Quá trình này có thể mất tối đa 14 ngày làm việc.

Theo Đạo luật này, khi bị báo cáo về hành vi vi phạm bản quyền, và đã bị gỡ nội dung, người bị báo cáo có thể gửi thông báo chống khiếu nại nhằm khôi phục lại tài liệu, bao gồm các thông tin sau:

  1. Chữ ký vật lý hoặc điện tử.
  2. Bản mô tả về tác phẩm có bản quyền mà bị khiếu nại
  3. Lời tuyên bố rằng thông đã bị xóa hoặc vô hiệu hóa là do nhầm lẫn hoặc xác định sai tài liệu sẽ bị xóa hoặc vô hiệu hóa và sẽ chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật về tội khai man.
  4. Tên, địa chỉ và số điện thoại, và xác nhận đồng ý với quyền tài phán của Tòa án quận Liên bang cho khu vực tư pháp mà địa chỉ đó là địa chỉ (hoặc nếu địa chỉ ở bên ngoài Hoa Kỳ, xác nhận đồng ý Thẩm quyền của bất kỳ khu vực tư pháp nào mà nhà cung cấp dịch vụ có thể được tìm thấy). (Title 17, Chapter 5, 512 (g) Copyright Law of the United States)[1]

Do khi bị khiếu nại vi phạm bản quyền, Facebook sẽ gỡ nội dung bị khiếu nại xuống, điều này sẽ ít nhiều gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh cũng như uy tín của người bị khiếu nại.

Người bị khiếu nại có được khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại hay không?

Trước hết, theo Luật Bản quyền Hoa Kỳ có quy định về hành vi “diễn đạt sai”, theo đó, nếu như việc khiếu nại do nhầm lẫn hoặc do xác định sai thì bên khiếu nại sẽ phải chịu bất kỳ thiệt hại nào xảy ra bao gồm cả chi phí khởi kiện và phí Luật sư.

Theo quy định pháp luật Việt Nam, trong trường hợp này, người bị khiếu nại có thể khởi kiện ra Tòa án, yêu cầu người khiếu nại đăng thông tin cải chính, công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại theo quy định Khoản 6 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Những cá nhân/tổ chức bị khiếu nại khi muốn khởi kiện cần lưu ý đến thời hiệu khởi kiện từ ngày có hành vi xâm phạm để đảm bảo hành vi xâm phạm có thể bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Kết luận:

Nhìn chung, chính sách khiếu nại hành vi vi phạm bản quyền, thương hiệu trên Facebook về cơ bản đã bảo vệ được quyền và lợi ích người dùng Facebook, nhưng bên cạnh đó, cũng phải xem xét rằng, việc Facebook gỡ bỏ ngay nội dung bị báo cáo là vi phạm bản quyền, nhãn hiệu hàng hóa chưa thực sự thỏa đáng và việc bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp cho bên bị báo cáo cũng chưa được bảo đảm. Về áp dụng pháp luật, mặc dù Facebook được đặt tại Hoa Kỳ, vì thế Facebook áp dụng luật Hoa Kỳ là đúng quy định. Nhưng tại Việt Nam, đa số người dùng là người Việt Nam, thì không thể áp dụng luật Hoa Kỳ để giải quyết các tranh chấp về xâm phạm bản quyền, thương hiệu. Do đó, Facebook nên có chính sách và cơ chế  hợp lý để điều chỉnh tranh chấp bản quyền, nhãn hiệu hàng hóa phù hợp với thực tiễn.

(Tác giả: Bùi Văn Hưng – Lưu Thị Minh Thư) – CIS LAW FIRM