Có thể thỏa thuận để không đóng BHXH?

Vừa qua, Công ty Luật có nhận được câu hỏi về việc: trường hợp người lao động (NLĐ) chuẩn bị ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với thời hạn là 1 năm, và vì nhiều lý do mà NLĐ không muốn hàng tháng bị trích tiền lương để đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), BHYT. Trên thực tế, một số chủ doanh nghiệp (DN) cũng không muốn đóng BHXH, BHTN, BHYT cho NLĐ.

Như vậy, liệu NLĐ và Công ty có thể thỏa thuận với nhau để KHÔNG phải đóng BHXH được không? Đây là thắc mắc của rất nhiều người lao động trước khi ký kết HĐLĐ. Mời các bạn cùng xem bài viết sau để giải đáp thắc mắc này nhé!

Theo quy định tại Bộ luật lao động thì HĐLĐ giữa NLĐ và Công ty trong trường hợp nêu trên là HĐLĐ xác định thời hạn.

Luật Bảo hiểm xã hội có quy định về các đối tượng đóng BHXH bắt buộc, trong đó một trong những đối tượng bắt buộc phải đóng BHXH là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn. Do đó, NLĐ nêu trên thuộc đối tượng BẮT BUỘC phải đóng BHXH.

Như vậy, trong trường hợp này, NLĐ và doanh nghiệp KHÔNG THỂ thỏa thuận về việc không đóng BHXH bắt buộc.

Cần lưu ý rằng, nếu doanh nghiệp và NLĐ thỏa thuận về việc không đóng BHXH sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP như sau:

Phạt tiền từ 500.000 đồng – 1 triệu đồng đối với NLĐ có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định. Lưu ý, trong trường hợp này, người bị xử phạt là người lao động.

Bên cạnh đó, về phía doanh nghiệp, tùy mức độ vi phạm mà sẽ tương ứng với hình thức xử phạt như sau:

– Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với hành vi đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng.

– Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho TOÀN BỘ NGƯỜI LAO ĐỘNG thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đồng thời, công ty sẽ bị truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng; phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian không đóng.

Ngoài ra, Công ty Luật thông tin thêm với các bạn về một số đối tượng lao động khác cũng thuộc trường hợp đóng BHXH bắt buộc, đó là:

  1. Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
  2. Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.

Không phải ngẫu nhiên mà luật quy định về việc đóng BHXH, BHTN, BHYT bắt buộc. BHXH có ý nghĩa rất lớn, được xem là sự “bảo vệ” của xã hội dành cho người lao động. Khi đóng BHXH, BHTN, BHYT người lao động sẽ được hưởng những quyền lợi, gồm

  • Nghỉ việc và hưởng trợ cấp khi bị ốm đau.
  • Hưởng chế độ thai sản khi mang thai, sinh con
  • Hưởng trợ cấp khi bị tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
  • Hưởng lương hưu khi về già.
  • Được trợ cấp khi bị thất nghiệp.
  • Thanh toán chi phí khi đi khám, chữa bệnh.

Do vậy, người lao động và doanh nghiệp cần đóng BHXH, BHTN, BHYT đầy đủ và đúng hạn.

Để được tư vấn chi tiết về Hợp đồng lao động, hãy liên hệ ngay với Luật sư của Công ty Luật CIS theo thông tin sau:

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8581  – 3911 8580
Email: info@cis.vn