Đăng ký thương hiệu Youtube sao cho an toàn và hiệu quả nhất?

Trong những ngày gần đây, việc đăng ký thương hiệu đang ngày càng được các chủ kênh youtube ĐẶC BIỆT chú ý quan tâm. PHÒNG SHTT đã tư vấn cho rất nhiều youtuber, một số thì đã tiến hành đăng ký từ rất sớm và đã được cấp văn bằng, nhưng cũng có nhiều người chỉ mới đăng ký trong thời gian gần đây và vẫn đang chờ kết quả.

Trong quá trình tư vấn, nhiều youtuber vẫn còn đang nghĩ rằng tên channel hoặc nghệ danh của mình không cần đăng ký vì đó là tên channel riêng của mình, đã được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, thực tế đã có không ít trường hợp youtuber bị cảnh báo vi phạm bản quyền thương hiệu và Youtube từ rất lâu đã có chính sách yêu cầu youtuber phải không vi phạm bản quyền hay thương hiệu của người khác. Và thương hiệu chỉ có quyền khi hoàn tất thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại cơ quan Nhà nước.

Vấn đề thứ hai các youtuber cũng hay hỏi Phòng SHTT là: Khi đăng ký thương hiệu rồi thì không ai được lấy tên này để sử dụng trong mọi mục đích, phải không?

Theo quy định về đăng ký thương hiệu, khi làm hồ sơ đăng ký, chủ thương hiệu phải chỉ định rõ thương hiệu này là dùng cho lĩnh vực hoạt động nào, trong luật gọi là “nhóm hàng hóa, dịch vụ”, ví dụ: hoạt động sản xuất video, thông tin về giải trí, livestream gaming được phân loại vào nhóm số 41; hoạt động livestream bán quần áo, mỹ phẩm, đồ ăn… là thuộc nhóm 35 v.v…

Đây cũng chính là phạm vi được sử dụng độc quyền, được Nhà nước bảo hộ khi thương hiệu của youtuber đó đáp ứng tất cả các điều kiện luật định, đặc biệt là không bị trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn về cấu trúc, phát âm, ý nghĩa, hình thức thể hiện với bất kỳ tên gọi, logo kênh youtube nào của người khác đã đăng ký trước trong phạm vi lĩnh vực tương ứng.

Như vậy, không phải tên thương hiệu youtuber nào sau khi làm thủ tục đăng ký là được độc quyền sử dụng MỌI lĩnh vực, mà chỉ trong danh mục giới hạn do youtuber đó lựa chọn khi làm hồ sơ đăng ký và được Nhà nước chấp thuận sau thẩm duyệt mà thôi.

Vấn đề thứ ba, cũng vì lí do nêu trên mà không phải youtuber nào cũng có kinh nghiệm để xác định được phạm vi Nhóm lĩnh vực hoạt động nào là cần đăng ký, một phần là vì chi phí được tính theo số lượng nhóm, hay trước mắt kênh youtube chỉ có một số hoạt động nên thường youtuber chỉ yêu cầu đăng ký trong một số nhóm nhất định.

Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, bất kỳ người nào cũng có thể đăng ký sử dụng độc quyền một dấu hiệu là tên gọi/logo nào trong nhóm lĩnh vực hoạt động mà chưa có ai đăng ký.

Và thực tế thì đã có không ít trường hợp tên thương hiệu nổi tiếng ở lĩnh vực này nhưng bị người khác đăng ký độc quyền ở lĩnh vực khác, khi người chủ thương hiệu kia muốn mở rộng lĩnh vực hoạt động thì đã quá trễ và có nguy cơ vi phạm thương hiệu mà người kia đã đăng ký mất.

Vậy khi youtuber đã quyết định đăng ký thương hiệu thì nên đăng ký sao cho an toàn và hiệu quả nhất?

  1. Đầu tiên phải lựa chọn danh mục lĩnh vực hoạt động chính của kênh, danh mục này phải phù hợp với quy định phân loại hàng hóa/dịch vụ của Cục Sở hữu trí tuệ, việc phân loại không chính xác có thể dẫn đến hồ sơ bị từ chối ngay ở giai đoạn thẩm định hình thức mà chưa chờ tới giai đoạn thẩm định nội dung, khi bị từ chối hình thức mà không khắc phục được trong thời hạn ấn định thì đơn sẽ bị coi như rút bỏ.
  2. Sau khi xác định danh mục lĩnh vực chính thì nên được Luật sư, chuyên gia về SHTT là các đại diện SHCN tham vấn về các danh mục lĩnh vực thuộc nhóm liên quan và phù hợp với kế hoạch hoạt động dài hạn của bạn. Việc này đòi hỏi người tham vấn phải có kinh nghiệm thật chuyên sâu thì mới có khả năng giúp bạn xác định được.
  3. Không phải thương hiệu nào khi nộp hồ sơ đăng ký là xong, mà quá trình đăng ký theo quy định sẽ cần trải qua nhiều giai đoạn, nếu không phải là đơn vị chuyên nghiệp thì sẽ rất khó có khả năng giúp bạn theo dõi, quản lý và xử lý các vấn đề liên quan đến thương hiệu, đặc biệt là tra cứu khả năng bị trùng/tương tự trước khi nộp, hay đặc biệt là thực hiện các giải trình cần thiết khi Cục SHTT yêu cầu.

Tất cả các công việc liên quan đến thương hiệu sau khi nộp hồ sơ đều có ấn định thời hạn và có tính chất nghiệp vụ rất cao, nếu không xử lý thỏa đáng hoặc quá hạn thì hồ sơ của bạn coi như là bị hủy.

Công ty Luật Bản quyền Quốc tế (CIS Law Firm) là tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp được chứng nhận bởi Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Để giải đáp thắc mắc về vấn đề bảo hộ nhãn hiệu, Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ thông tin bên dưới để được tư vấn và yêu cầu dịch vụ:

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8580 – 3911 8581
Email: 
info@cis.vn