Phí tác quyền tăng, “méc” Hội Nhạc sĩ!

Để giải quyết tranh chấp giá tác quyền, RIAV đòi làm việc với Hội Nhạc sĩ, khiếu nại lên cơ quan quản lý cấp trên. Nhưng về pháp lý, liệu hội, cơ quan quản lý có quyền can thiệp vào giao dịch dân sự, quyền tài sản của hơn 1.000 chủ sở hữu khác? Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã quyết định nâng mức thu phí tác quyền sản xuất băng đĩa lên gấp đôi. Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) phản ứng khá mạnh nâng giá này. Chiều 6-5, RIAV công bố RIAV sẽ làm việc với Hội Nhạc sĩ Việt Nam – cơ quan chủ quản của VCPMC về việc tăng giá tác quyền. Nếu buổi làm việc với Hội Nhạc sĩ Việt Nam không thành công, RIAV dọa sẽ viện đến cơ quan quản lý hay pháp luật can thiệp.

Vụ việc tranh chấp này là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự tiến bộ trong lĩnh vực bảo vệ tác quyền. Tuy nhiên, về pháp lý, cách giải quyết tranh chấp có vài việc đáng bàn. Việc RIAV làm việc với cơ quan chủ quản của VCPMC là Hội Nhạc sĩ Việt Nam có phù hợp hay không? Liệu hội có quyền can thiệp vào việc giá cả tác quyền mà các nhạc sĩ ủy quyền cho VCPMC đưa ra hay không? Nếu hai bên không thương lượng được thì hướng pháp lý giải quyết sự việc sẽ như thế nào?…

Hơn 1.000 nhạc sĩ không phải hội viên Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Nguyễn Thị Phương Hảo, Công ty Luật Hợp danh bản quyền quốc tế, cho biết “VCPMC là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, thực hiện quản lý tập thể đối với các quyền tác giả âm nhạc được ủy thác. VCPMC có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng… VCPMC tổ chức và hoạt động theo điều lệ của trung tâm đã được Hội Nhạc sĩ Việt Nam phê duyệt, chịu sự quản lý của hội. Tuy nhiên, những điều liên quan đến cơ cấu tổ chức nội bộ của VCPMC và biểu giá tác quyền trong điều lệ không quy định cơ quan nào có thẩm quyền. Có thể hiểu biểu giá của VCPMC do ban giám đốc ban hành sau khi đã có ý kiến của các chủ sở hữu quyền (các nhạc sĩ đã ủy quyền)”.

Theo thông tin chúng tôi được biết, hiện có hơn 1.800 nhạc sĩ ủy thác cho VCPMC thu tiền bản quyền. Trong 1.800 nhạc sĩ đó, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam chỉ là thiểu số. Thế nên, nếu RIAV có ý định làm việc với cấp trên – tức Hội Nhạc sĩ Việt Nam để “chỉ đạo” cho VCPMC không tăng giá có thể xem là thất bại. Bởi cho dù các hội viên Hội Nhạc sĩ có ủy thác cho VCPMC đồng ý thì hơn 1.000 nhạc sĩ không phải là hội viên sẽ không chấp nhận giữ nguyên giá cũ. Luật sư Hảo cho rằng cả VCPMC và RIAV đều là hai tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả có tư cách pháp nhân đầy đủ và độc lập với nhau. Thực tế, hai bên quan hệ với nhau ở việc sử dụng tác phẩm âm nhạc. RIAV muốn phát hành một băng, đĩa… thì phải đóng phí tác quyền cho nhạc sĩ thông qua VCPMC.

Cơ quan quản lý không phải trọng tài Luật sư Hảo cũng chia sẻ thêm, quan hệ giữa VCPMC và RIAV không phải là quan hệ hành chính nhà nước mà thuần túy là giao dịch dân sự. “VCPMC là cơ quan quản lý tập thể, có tư cách pháp nhân và hoàn toàn độc lập nên họ có quyền ban hành biểu giá. Mục đích cuối cùng của ban hành biểu giá là bảo vệ cho thành viên của họ – là những nhạc sĩ” – luật sư Hảo nhấn mạnh. Bởi tác phẩm âm nhạc là tài sản cá nhân, vì thế các nhạc sĩ có quyền sở hữu tài sản đó và có quyền định đoạt, giao dịch liên quan đến tài sản đó. Người có quyền quyết định giá tác quyền không phải là Hội Nhạc sĩ, cũng không phải cơ quan quản lý nhà nước mà chính là những nhạc sĩ đã ủy quyền cho VCPMC. Một luật sư giấu tên dự đoán việc RIAV lôi cơ quan quản lý vào cuộc cũng chỉ mong có thêm người khuyên can VCPMC không tăng giá. Nhưng thực tế, VCPMC có quyền tăng giá và RIAV có quyền không sử dụng tác phẩm của các nhạc sĩ đã được ủy thác tại VCPMC. Nếu vi phạm, tòa án sẽ giải quyết “Trên nguyên tắc chung, không thương lượng được tức không được sử dụng. Hai bên không đàm phán được thì giao dịch không hình thành, tức không có hợp đồng ký kết. Tức người bán không bán được hàng, người mua không mua được hàng. Nếu một bên cố tình sử dụng sẽ dẫn đến hành vi tranh chấp, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… Và nơi giải quyết tranh chấp vẫn là tòa án” – luật sư Hảo nói.


Cơ quan quản lý chỉ tư vấn, giải thích Quan hệ RIAV và VCPMC là giao dịch dân sự nhưng bên trong giao dịch và tổ chức tập thể quản lý quyền tác giả và quyền liên quan này vẫn có sự quản lý nhà nước; trong đó cụ thể là Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Vì thế khi có khiếu nại, thắc mắc, các bên thường nộp đơn yêu cầu Cục Bản quyền tác giả đứng ra làm trọng tài. Thực tế trong thời gian qua không ít lần những vấn đề xung đột, mâu thuẫn về giá tác quyền được đưa ra mổ xẻ trong các hội thảo chuyên ngành sở hữu trí tuệ dưới sự chủ trì của cơ quan quản lý nhà nước nhưng những ý kiến đưa ra chỉ là tư vấn. “Nhưng thực chất Cục Bản quyền tác giả là cơ quan quản lý nhà nước, chỉ có thể đứng ra giải thích, tìm tiếng nói chung giữa hai bên trong buổi đàm phán. Còn nếu không đàm phán được và một bên cứ sử dụng thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết không phải là Cục hay Bộ mà là tòa án” – luật sư Hảo khẳng định.


QUỲNH TRANG ( theo phapluattp.vn)