Quyền tác giả tác phẩm phi hư cấu ở Việt Nam- Thực trạng và thách thức

1. Bảo hộ quyền tác giả nói riêng, quyền sở hữu trí tuệ nói chung ngày càng giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động sáng tạo và phát triển nền kinh tế, văn hóa của mỗi quốc gia, nhất là ở một quốc gia đang dần định hình nền kinh tế trí thức như Việt Nam. Nhu cầu sử dụng tác phẩm văn học, khoa học và nghệ thuật ngày càng cao, nhưng lợi ích của người sáng tạo ra tác phẩm đó (tại Việt Nam) lại không đi song song với việc sử dụng này. Tác giả tác phẩm phi hư cấu cũng không phải ngoại lệ. Với thời lượng hạn chế, tôi xin trình bày một vài nội dung liên quan đến pháp luật quyền tác giả tác phẩm phi hư cấu và thực trạng bảo hộ cũng như những thách thức.

Pháp luật Quyền tác giả tác phẩm phi hư cấu.

2. Luật Sở hữu trí tuệ ban hành năm 2005 và được sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về đối tượng bảo hộ quyền tác giả, trong đó có tác phẩm phi hư cấu như sau: Điều 14. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác; b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác; c) Tác phẩm báo chí; …………….

3. Theo đó, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện quyền: làm tác phẩm phái sinh; Sao chép tác phẩm; Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; … Và khi tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền đó thì phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả (điều 20 Luật SHTT)

4. Tuy nhiên, để hài hòa lợi ích của tác giả với lợi ích của công chúng, đảm bảo khuyến khích sự sáng tạo cũng như tạo điều kiện tiếp cận những giá trị nghệ thuật, khoa học, góp phần phát triển nền kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định về những trường hợp ngoại lệ và giới hạn quyền tác giả tác phẩm phi hư cấu như sau: Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm: – Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân; – Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình; – Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu; – Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại; – Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu; – Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị; – …………… (Điều 25 luật SHTT) Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao: – Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để thực hiện chương trình phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của Chính phủ. – Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm quy định như đã nêu trên không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.

5. Với nhiều loại hình tác phẩm khác, việc sử dụng thường mang tính chất giải trí nhưng việc sử dụng tác phẩm phi hư cấu thường vì mục đích học tập, giảng dạy, nghiên cứu, công tác thư viện. Tuy nhiên, nếu quá trình sử dụng này tạo ra một số lượng lớn các bản sao thì chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng tới quá trình khai thác bình thường tác phẩm. Ngay cả việc tạo ra một số lượng khá lớn bản sao để sử dụng trong các công việc chuyên môn thì nó có thể ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của tác giả.

Thực trạng bảo hộ quyền tác giả.

6. Ở Việt Nam, phương pháp truyền thống để phổ biến tác phẩm phi hư cấu đến công chúng là thông qua hoạt động xuất bản phẩm, và cũng thông qua hoạt động này, tác giả nhận được một khoản tiền nhuận bút, thù lao cho việc xuất bản tác phẩm đó.

7. Có thể nói, đó là khoản tiền đầu tiên và hầu như cũng là duy nhất của tác giả, vì sau khi xuất bản, tác giả không nhận được bất cứ một khoản tiền nào liên quan đến việc sử dụng tiếp theo.

8. Đối với người dùng, việc tiếp cận tác phẩm này có thể thực hiện bằng nhiều cách: mua sách gốc, mượn sách của bạn bè hay từ thư viện, mua sách photo hoặc photo sách, đọc sách trên mạng, hay tải nội dung sách từ website về phương tiện lưu trữ cá nhân,… Người sử dụng thu lượm một khối lượng kiến thức nhất định, một khối lượng kiến thức mà nếu họ tự nghiên cứu hoặc phân tích có thể mất hết thời gian của cả cuộc đời, nhưng họ lại vô tư sử dụng tác phẩm bằng những nguồn bất hợp pháp, những nguồn mà tác giả- người sách tạo tác phẩm, chẳng hưởng được bất kỳ lợi ích nào từ đó, dù nhỏ. Nhà xuất bản- người đầu tư tài chính để đưa tác phẩm đến công chúng cũng không thể tồn tại do sách vừa xuất bản thì đã có nhiều dạng bản sao khác cũng đồng thời có mặt trên thị trường.

9. Dù chưa có một thống kê chính thức nào, nhưng có thể thấy, quyền độc quyền của tác giả tác phẩm phi hư cấu bị xâm phạm nhiều nhất có lẽ là quyền sao chép. Thật vậy, các loại máy sao chép càng trở nên tinh vi, chúng tạo ra chất lượng tốt hơn, với tốc độ nhanh hơn và giá thành ngày càng rẻ hơn. Tác phẩm, thông qua nhiều hình thức và phương tiện khác nhau, đến tay người dùng một cách rất dễ dàng: Cửa hàng photocopy, theo yêu cầu của khách hàng, tạo ra hàng loạt các bản sao xuất bản phẩm, dùng cho cả một lớp học, một công ty, hay thậm chí cho các cửa hàng để bán lại các bản sao đó. Một doanh nghiệp tổ chức đợt tập huấn và photo hàng loạt các bài viết nghiên cứu trong các tạp chí khoa học, kinh tế để nhân viên sử dụng. Tất cả những hoạt động này diễn ra hàng ngày hàng giờ, và được thực hiện một cách dễ dàng, với chi phí thấp (trả tiền cho cửa hàng photo hoặc tự photo bằng máy của tổ chức đó).

10. Hơn thế, với công nghệ số và mạng tương tác toàn cầu, việc sao chép, sử dụng lại càng dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng và với chi phí còn thấp hơn.

11. Pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam kí kết hoặc tham gia quy định để bảo hộ quyền tác giả đối với những tác phẩm văn học, khoa học và nghệ thuật, tuy nhiên, như đã trình bày trên, thực trạng vi phạm quyền tác giả diễn ra rất phổ biến và việc bảo hộ này gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định, mà những nguyên nhân chủ yếu là: – Trong một khoảng thời gian dài, nội hàm của từ tác phẩm chỉ được hiểu là tác phẩm văn học, nghệ thuật (tác phẩm hư cấu); còn khoa học thì được gọi là công trình khoa học, chính vì thế mà tác phẩm khoa học không được coi là tác phẩm- được bảo hộ theo pháp luật quyền tác giả. – Do nhận thức: nhận thức của cả người sử dụng và của chính bản thân tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Người sử dụng và cả tác giả không quan tâm và có thể nói không biết quyền tác giả. Nhiều tác giả còn quan niệm rằng, việc phổ biến tác phẩm của mình đến công chúng là khoản thù lao đáng giá hơn những khoản thù lao vật chất khác. – Tương tự đối với các tác phẩm khoa học, các tác phẩm dịch của các tác phẩm khoa học nước ngoài cũng thường bị loại ra khỏi danh mục bảo hộ trong tư tưởng của người dùng.

12. Trên thực tế, số lượng tác giả và dịch giả phi hư cấu cao hơn nhiều lần tác giả và dịch giả hư cấu, số lượng tác phẩm cũng nhiều hơn, nhưng nhắc đến tác phẩm viết hay tác phẩm dịch thì hầu hết mọi người đều nghĩ về hư cấu.

13. Về tổ chức quản lý tập thể: Chỉ có Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC) bảo hộ quyền cho các tác giả tác phẩm hư cấu, còn các tác giả phi hư cấu chưa có. Việc VLCC chỉ bảo vệ quyền của các tác giả hư cấu gặp nhiều khó khăn cho họ vì phạm vi tác phẩm quản lý ít, không đủ sức mạnh để thực thi tốt quyền mà đáng ra họ phải thực thi.

Hậu quả

14. Hành vi xâm phạm quyền tác giả dù cố ý hay vô ý đều gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của chủ sở hữu quyền tác giả, hạn chế vai trò khuyến khích sáng tạo của pháp luật quyền tác giả, khó tạo ra những công trình có giá trị, có thể giết chết nền xuất bản và thậm chí có thể dẫn đến những xung đột trong quan hệ quốc tế.

Những thách thức phải đương đầu.

15. Việc xâm phạm các quyền độc quyền. Việc sao chép toàn bộ cả cuốn sách dưới các hình thức sao chép cơ khí và sao chép điện tử là việc diễn ra thường xuyên và gây ảnh hưởng lớn nhất cho các tác giả phi hư cấu. Đây là quyền độc quyền của tác giả cho phép hoặc không cho phép người khác sao chép tác phẩm của mình. Ở các Quốc gia phát triển, hoạt động sao chép này được chính các tác giả tự bảo vệ hoặc thông qua các nhà xuất bản để bảo vệ cho mình. Tuy nhiên ở Việt Nam, các tác giả và các nhà xuất bản thường chưa có thói quen này.

16. Việc xâm phạm các quyền không độc quyền Ngay cả quyền độc quyền mà các tác giả chủ sở hữu quyền còn chưa quan tâm đúng mức thì việc quản lý các quyền không độc quyền là vô cùng khó khăn. Các hoạt động xâm phạm quyền này diễn ra phổ biến, không kiểm soát và hầu hết những người sử dụng đều ko biết là mình đang vi phạm. Quản lý các quyền này cần đến các tổ chức quản lý tập thể (CMO) để kiểm soát việc sử dụng của người dùng và đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng. Kopinor của Norway là 1 tổ chức như vậy.

Giải pháp

17. Phương pháp thực thi quyền tác giả tác phẩm hiệu quả nhất chính là: chủ sở hữu duy trì, kiểm soát việc khai thác và sử dụng tác phẩm. Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, việc tiếp cận tác phẩm ngày càng trở nên dễ dàng, do đó, việc kiểm soát một số quyền nhất định của tác giả, chủ sở hữu càng không khả thi và không thể thực hiện nếu tác giả, chủ sở hữu tự mình thực hiện. Một trong những giải pháp đó là: quản lý tập thể các quyền mà không thể thực hiện được trên cơ sở cá nhân.

Ths. Ls Nguyễn Thị Phương Hảo

Bài tham luận tại Hội thảo “Bảo vệ quyền sao chép đối với tác phẩm phi hư cấu” Tp.HCM 6/2010