Đăng ký song tịch – Hồi hương cho Việt Kiều

Hiện nay, Việt kiều đang ngày càng có xu hướng về nước cư trú lâu dài, không chỉ là thăm người thân, mà còn đầu tư kinh doanh, thành lập công ty, mua nhà đất, sinh sống ổn định tại Việt Nam – những hoạt động này đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Vậy, pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký quốc tịch Việt Nam cho Việt Kiều?

I. Quy định pháp luật Việt Nam về việc đăng ký thường trú, đăng ký quốc tịch Việt Nam của Việt Kiều

Theo quy định của Luật Quốc tịch hiện hành, người gốc Việt Nam có nhu cầu trở lại, nhập quốc tịch Việt Nam không phải từ bỏ quốc tịch nước ngoài.

Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam đã định cư và nhập quốc tịch nước ngoài muốn trở lại và nhập quốc tịch Việt Nam. Do đó, thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký quốc tịch Việt Nam của Việt Kiều hay còn gọi là thủ tục đăng ký song tịch cho phép Kiều bào được giữ quốc tịch nước ngoài đồng thời được công nhận là công dân Việt Nam và hưởng mọi quyền lợi như công dân Việt Nam.

II. Lợi ích của việc có hai quốc tịch Việt Nam và nước ngoài

Lợi ích của người song tịch hai quốc tịch là được hưởng tất cả các ưu đãi, quyền lợi về kinh tế, chính trị, phúc lợi xã hội của cả hai quốc gia mà họ là công dân. Cụ thể là họ sẽ được sống, làm việc, được học tập, được chăm sóc sức khỏe, được đứng tên và sở hữu công ty, được sở hữu và mua bán bất động sản, được bão lãnh người thân, được quyền ứng cử, bầu cử… Đặc biệt, những người song tịch hai quốc tịch sẽ thuận tiện hơn trong việc việc xuất – nhập cảnh bởi họ không cần xin visa hoặc thẻ thường trú.

Ví dụ, khi bạn có quốc tịch Mỹ và Việt Nam, khi ra và vào Mỹ sử dụng hộ chiếu Mỹ, khi ra và vào Việt Nam phải sử dụng hộ chiếu Việt Nam. Tuy nhiên, khi check-in các hãng hàng không, bạn cần xuất trình cả hai hộ chiếu để chứng minh không cần visa cho nước sẽ bay đến như Mỹ hoặc Việt Nam.

Việc sở hữu song tịch quốc tịch Việt Nam bên cạnh quốc tịch nước ngoài còn mang đến lợi ích là không cần xin visa đi lại giữa các nước trong ASEAN như Singapore, Lào, Myanmar…

III. Điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký quốc tịch Việt Nam

Việt Kiều được đăng ký thường trú, đăng ký quốc tịch Việt Nam khi thỏa mãn các điều kiện sau:

  1. Có giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam hoặc còn giữ quốc tịch Việt Nam theo quy định (Passport Việt Nam, Chứng minh nhân dân, Giấy khai sinh,…)
  2. Có chỗ ở hợp pháp tại Việt Nam gồm nhà thuộc sở hữu của bản thân hoặc nhà do thuê, mượn hoặc ở nhờ nhà người khác hoặc do người thân bảo lãnh.

IV. Thủ tục thực hiện đăng ký thường trú, đăng ký quốc tịch Việt Nam

Kiều bào thực hiện đăng ký thường trú, đăng ký quốc tịch Việt Nam theo ba bước như sau:

Bước 1: Việt Kiều chuẩn bị bộ hồ sơ đăng ký thường trú tại Việt Nam theo quy định, bao gồm:

  1. Đơn đề nghị về Việt Nam thường trú
  2. Bản sao chứng thực hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp
  3. Bản sao chứng thực hoặc bản chụp có bản chính đối chiếu giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam
  4. Bản sao chứng thực giấy tờ chứng minh có chỗ ở hợp pháp tại Việt Nam

Bước 2: Việt Kiều nộp hồ sơ tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh hoặc Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

Bước 3: Sau khi nhận được kết quả giải quyết đồng ý cho Việt Kiều về Việt Nam thường trú từ Cục Quản lý xuất nhập cảnh thì Việt Kiều thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, nhập hộ khẩu tại địa phương, xin cấp Căn cước công dân và hộ chiếu Việt Nam.

Như vậy thông qua quy trình thủ tục như trên, kết quả cuối cùng là bà con Việt Kiều sẽ được thường trú tại Việt Nam với tư cách là công dân Việt Nam đồng thời cũng giữ được quốc tịch nước ngoài của mình.

V. Lưu ý khi thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký quốc tịch Việt Nam

Khó khăn thường gặp nhất đối với Việt Kiều là không đủ giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam. Do vậy, người nộp đơn cần phải thực hiện các thủ tục trích lục các loại giấy tờ như Giấy khai sinh, Sổ hộ khẩu thường trú trước khi đi định cư tại các cơ quan có thẩm quyền. Thời gian đi định cư của Việt Kiều càng lâu thì việc trích lục các loại giấy tờ này càng mất nhiều thời gian hơn.

Việc trích lục cũng có thể gặp khó khăn khi thông tin nhân thân của Việt Kiều có sự thay đổi. Ví dụ như một số người khi nhập tịch nước ngoài sẽ lấy tên mới bằng tiếng nước ngoài và không có giấy tờ chứng minh mối liên hệ với tên cũ thì sẽ khó khăn trong việc trích lục giấy tờ và xử lý hồ sơ đăng ký song tịch vì các giấy tờ này đều mang tên cũ.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện thủ tục, cơ quan nhà nước có thể yêu cầu giải trình một số thông tin liên quan đến nhân thân người đăng ký thường trú.

Thời gian giải quyết thực tế của Cục Quản lý xuất nhập cảnh về việc đăng ký thường trú tại Việt Nam của Việt Kiều khá dài, từ 4 – 6 tháng. Do vậy, người nộp hồ sơ phải theo dõi thường xuyên tình trạng giải quyết hồ sơ để cung cấp bổ sung kịp thời các giấy tờ nếu Cục quản lý xuất nhập cảnh có yêu cầu.

Trên đây là các quy định cơ bản liên quan đến thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký quốc tịch Việt Nam cho Việt Kiều. Nếu bạn có nhu cầu hỗ trợ về việc thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký quốc tịch Việt Nam hoặc có thắc mắc về vấn đề này có thể liên hệ Công ty Luật CIS qua số điện thoại (+84.028)39118581  để được Luật sư tư vấn miễn phí.

PHÒNG PHÁP LÝ – CÔNG TY LUẬT CIS

109 Hoàng Sa, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
SĐT: 028 3911 8581 – 0938 548 101
Email: info@cis.vn