Sẽ phạt nặng hành vi cầm cố, thế chấp CMND/CCCD?

Việc cầm cố, thế chấp sổ đỏ, giấy tờ nhà đất hay xe cộ … đã trở nên rất phổ biến và đã rất bình thường khi mọi người muốn có tiền để xoay sở khi gặp khó khăn. Để đáp ứng nhu cầu vay tiền, nhiều cửa tiệm cầm đồ, bên cho vay tiền còn cho phép cầm cố thế chấp cả CMND/ CCCD là một loại giấy tờ tùy thân quan trọng của công dân.

Nhưng trong tương lai, hành vi cầm cố, thế chấp và nhận cầm cố thế chấp CMND/CCCD sẽ bị nghiêm cấm và phạt nặng nếu dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 167/2013/ND-CP quy định v/v xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, được thông qua.

Cụ thể, theo quy định cũ, việc cầm cố, thế chấp CMND chỉ bị xử phạt khi việc cầm cố, thế chấp CMND này nhằm mục đích thực hiện một việc làm phi pháp khác. Còn trong dự thảo quy định mới thì hành vi thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố, thế chấp CMND/ CCCD trong mọi trường hợp đều bị nghiêm cấm và có thể bị phạt với mức phạt tiền từ 4 – 6 triệu đồng.

CMND/CCCD là một loại giấy tờ tùy thân quan trọng của mỗi người để chứng minh nhân thân và là điều kiện gần như bắt buộc để thực hiện được các thủ tục hành chính hoặc các giao dịch về ngân hàng, nhà đất, vay nợ.

Mặc dù có vai trò như vậy nhưng CMND/CCCD lại đang bị chính những người dân xem nhẹ, nhiều người dễ dàng đem cầm cố, bán lấy tiền, thậm chí là vứt bỏ. Vì thế, đã dẫn đến việc các chủ tiệm cầm đồ thực hiện việc thu mua CMND rồi đem bán lại cho người khác để kiếm lời và ngầm tồn tại một hoạt động mua bán giấy tờ tùy thân, dễ nảy sinh các hoạt động tội phạm lừa đảo, gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.

Ðiển hình là thời gian qua, tình trạng các đối tượng xấu sử dụng CMND/CCCD của người khác để làm giả thẻ ATM; làm giả hồ sơ vay tín chấp; mua trả góp; … để lừa đảo diễn ra khá phổ biến. Không những thế, các đối tượng còn sử dụng CMND để lập công ty hoạt động phạm pháp như mua, bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng hay nhằm thay tên, đổi họ, che giấu thân phận thật.

Như vậy, dự thảo đã lấp “lỗ hổng” về cầm cố CMND/CCCD vốn xảy ra rất phổ biến lâu nay. Việc đề xuất một mức phạt rất cao đối với người cầm cố và nhận cầm cố được cho là cần thiết và phù hợp để xử lý hành vi vi phạm này.

Mức phạt này cũng được áp dụng đối với hành vi:

  • Hủy hoại, làm giả, mua, bán, thuê, cho thuê, CMND / CCCD;
  • Sử dụng CMND/CCCD giả;
  • Mượn, cho mượn CMND hoặc CCCD để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.
  • Bên cạnh đó, trong dự thảo quy định mới, đối với hành vi:
  • Không xuất trình CMND, CCCD hoặc giấy xác nhận số CMND khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền,
  • Không thực hiện cấp đổi, cấp lại CMND/CCCD theo quy định

cũng được Bộ Công an đề xuất hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 – 500.000 đồng.

Như vậy, trên đây là một số điểm mới quan trọng liên quan đến việc cấp, quản lý, sử dụng CMND/CCCD mà Bộ Công an đang đề xuất áp dụng.

Xem thêm thông tin trong video dưới đây:

Công ty Luật sẽ cập nhật thông tin chính thức đến người dân ngay khi văn bản có hiệu lực.

CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8581 – 028 3911 8580
Email: 
info@cis.vn