“CẤT EM VÀO TÂM TƯ” có vi phạm BẢN QUYỀN của “TAM SINH TAM THẾ”?

Mới đây, nam ca sĩ Isaac vừa tung trailer MV “Cất em vào tâm tư” đánh dấu sự quay trở lại đầy ấn tượng của anh. MV được thực hiện bởi đạo diễn Kawaii Tuấn Anh, với những hình ảnh và kỹ xảo độc đáo. Trailer vừa tung ra đã thu hút gần 100 ngàn lượt xem và yêu thích từ người hâm mộ. Khán giả không ngớt lời khen ngợi dành cho tác phẩm. Từ âm thanh, đến bối cảnh, hình tượng nhân vật đều được đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, một số người lại cho rằng trong MV mới này của nam ca sĩ có một số hình ảnh, cốt truyện “gần giống” với cách xây dựng hình tượng nhân vật, hình ảnh, cốt truyện của “Tam sinh tam thế, thập lý đào hoa” – một bộ phim truyền hình thuộc thể loại tiên hiệp – huyền huyễn vô cùng nổi tiếng của màn ảnh nhỏ Hoa ngữ lên sóng hồi 2017. Bỡi lẽ, MV cũng có cốt truyện về cửu vĩ hồ, có hình tượng hoa đào nổi bật và và tình tiết gặp gỡ của hai nhân vật cũng rất giống với “Tam sinh tam thế, thập lý đào hoa”.

Vậy, xét về góc độ pháp luật sở hữu trí tuệ, “Cất em vào tâm tư” có dấu hiệu bị coi là vi phạm quyền tác giả vì “đạo ý tưởng” về hình tượng nhân vật, cốt truyện đang bị cho là giống với “Tam sinh tam thế, thập lý đào hoa” không?

“Ý TƯỞNG” có được bảo hộ bản quyền?

Ý tưởng là điều nảy ra, nghĩ ra trong đầu, thường chưa được trọn vẹn, chưa được thể hiện ra bên ngoài. Theo quy định pháp luật sở hữu trí tuệ, ý tưởng không phải là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Để được bảo hộ, ý tưởng đó cần được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, như là viết ra giấy, vẽ thành hình v.v…

Trên thực tế, có rất nhiều tác phẩm được sáng tạo theo nhiều hướng khác nhau trên cơ sở cùng một ý tưởng, ví dụ: các bài hát về tình yêu sử dụng ý tưởng người yêu nhau nhưng không đến được với nhau, các hình chụp phong cảnh lấy ý tưởng bình minh, hoàng hôn, cầu vồng sau mưa v.v…

“Hình tượng nhân vật” có được bảo hộ bản quyền không?

Hình tượng nhân vật có thể là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức “tác phẩm tạo hình” theo điểm g khoản 1 Điều 14 Luật SHTT và khoản 1 Điều 13 Nghị định 22/2018/NĐ-CP (Tác phẩm tạo hình là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục như: Hội họa, đồ họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt và các hình thức thể hiện tương tự, tồn tại dưới dạng độc bản). Có nghĩa là nhân vật đó đã được định hình, ví dụ: sản phẩm đồ họa, hội họa. Còn nếu nhân vật đó chỉ là những ý tưởng, chưa được định hình rõ ràng, cụ thể, thì như đã nêu ở trên, ý tưởng nhân vật không thuộc đối tượng được bảo hộ bản quyền.

Ví dụ: nhân vật trạng Tí trong Thần Đồng Đất Việt là một hình tượng nhân vật được bảo hộ quyền tác giả, vì đã được thể hiện cụ thể, rõ ràng, từ các trạng thái đi, đứng, ngồi, cười, nói, vui mừng, hoảng hốt v.v…

Còn trường hợp nhân vật “cửu vĩ hồ” (hồ ly chín đuôi) là hình tượng Isacc hóa thân trong MV là dựa trên nhân vật truyền thuyết phổ biến và nổi tiếng nhất trong văn hóa các nước Đông Á từ xa xưa (hồ ly tinh), chưa có thông tin tác giả của hình tượng nhân vật này, do đó nếu chỉ dựa vào đặc điểm xây dựng hình tượng người có chín đuôi trong MV của Isacc để nhận định là “sao chép” hình tượng hồ ly chín đuôi trong Tam Sinh Tam Thế là chưa có cơ sở, đặc biệt là giới tính nhân vật cũng có sự khác biệt (Isacc trong vai hồ ly chín đuôi, trái ngược với Dương Mịch trong Tam Sinh Tam Thế)

MV Cùng ý tưởng, khi nào thì có dấu hiệu vi phạm bản quyền?

Trong MV mới của ISAAC đang bị tố đạo ý tưởng của bộ phim “Tam sinh tam thế, thập lý đào hoa” vì MV cũng có cốt truyện về cửu vĩ hồ, có hình tượng hoa đào và và tình tiết gặp gỡ của hai nhân vật cũng rất giống với “Tam sinh tam thế, thập lý đào hoa”.

Như đã phân tích ở trên, nếu chỉ xét về hình tượng nhân vật thì đây không phải ý tưởng mới, độc quyền của đạo diễn phim “Tam sinh tam thế thập lý đào hoa”. Trên thực tế, hình ảnh hồ ly chín đuôi là hình ảnh được sử dụng phổ biến trong nhiều bộ phim truyền hình. Thông thường, hình ảnh hồ ly sẽ do nữ nghệ sĩ đảm nhận thể hiện sự xinh đẹp, quyến rũ. Nhưng trong MV, Isaac hóa thân thành nam hồ ly điển trai, tạo nên nét đặc sắc thu hút nhiều sự ái mộ từ khán giả. Do đó, việc sử dụng hình ảnh hồ ly trong MV “Cất em vào tâm tư” của Isaac chưa đủ cơ sở để coi là sao chép hình tượng nhân vật.

Việc trùng lặp các ý tưởng giữa các tác giả và thể hiện nó dưới những hình thức tương tự nhau không phải là việc hiếm gặp.

Thực trạng hiện nay khi cộng đồng mạng có ý kiến về một MV hay video nào đó vừa được phát hành có “ý tưởng” tương tự với một MV/video nào đó đã xuất hiện trước. Theo quan điểm của tác giả, không phải việc trùng lặp nào cũng bị coi là vi phạm quyền tác giả. Chỉ có những hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả mới bị coi là xâm phạm quyền tác giả, ví dụ: sao chép một phân đoạn trong phim của người khác để đưa vào MV, video của mình;

Hay phức tạp hơn là phải chứng minh có sự cố ý sao chép về nội dung “kịch bản” (tức là để ra được những phân đoạn, cảnh diễn thì các diễn viên, âm thanh, ánh sáng, hậu kỳ sẽ phải căn cứ vào nội dung đã được mô tả chi tiết trong kịch bản), nhưng rõ ràng đối tượng bảo hộ bản quyền sẽ là “kịch bản” (tác phẩm viết), không phải là hình tượng nhân vật hay ý tưởng như đã nêu.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về bản quyền, hãy liên lạc ngay:

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CÔNG TY LUẬT CIS

109 Hoàng Sa, Phường Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
ĐT: 028 3911 8580 – 0938 548 101
Email: sohuutritue@cis.vn

(Tác giả: Lê Thị Minh Thư)