Thành lập công ty cổ phần năm 2022

Công ty cổ phần là một trong các loại hình doanh nghiệp phổ biến ở Việt Nam với những ưu điểm vượt trội như: có quyền phát hành cổ phiếu, được tham gia huy động vốn trên thị trường chứng khoán, cổ đông có thể chuyển nhượng cổ phần dễ dàng…

Bạn đang có dự định thành lập công ty cổ phần nhưng chưa rõ quy định về thủ tục thành lập? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Công ty Luật CIS về thủ tục thành lập Công ty cổ phần năm 2022.

1. Công ty cổ phần là gì?

Công ty cổ phần là một loại hình doanh nghiệp được định nghĩa tại Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:

Điều 111. Công ty cổ phần

1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:

a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;

b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;

c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.

Như vậy, Công ty cổ phần có các quy định riêng biệt, đặc thù về vốn điều lệ, về cổ đông và về cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý công ty. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đồng thời có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.

Công ty cổ phần là công ty mang tính đối vốn, tức là cổ đông công ty thông thường không có mối liên hệ quen biết, gắn bó với nhau. Việc thay đổi cổ đông công ty diễn ra khá dễ dàng vì cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác mà không phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.

thanh-lap-cong-ty-co-phan
Hình ảnh: Thành lập công ty cổ phần

2. Quy định của pháp luật về Công ty cổ phần.

Các quy định về thành lập, hoạt động của công ty cổ phần được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật sau:

– Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 do Quốc hội ban hành ngày 17/6/2020 có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2021;

– Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp ngày 04/01/2021;

– Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16/3/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp.

3. Cổ đông là gì?

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Doanh nghiệp năm 2020, cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của Công ty cổ phần.

Như vậy, có thể hiểu, cổ đông là người góp vốn vào công ty cổ phần trong 02 trường hợp: góp vốn thành lập công ty (trường hợp này được gọi là cổ đông sáng lập) và mua cổ phần do công ty phát hành hoặc nhận chuyển nhượng cổ phần của cổ đông khác sau khi công ty được thành lập. Số lượng cổ đông tối thiểu trong công ty cổ phần là 03 người, không có giới hạn về mức tối đa.

Trường hợp là cổ đông sáng lập của công ty thì không được thuộc các đối tượng không được quyền thành lập công ty theo quy định bao gồm:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;

g) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

4. Thành lập Công ty cổ phần cần bao nhiêu vốn.

Vốn điều lệ của Công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.

Pháp luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu cũng như mức tối đa mà người thành lập công ty cổ phần phải đăng ký, trừ trường hợp ngành nghề mà công ty đăng ký kinh doanh là ngành nghề kinh doanh có điều kiện như dịch vụ bảo vệ, dịch vụ kiểm toán, kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm, v.v… thì doanh nghiệp phải đáp án mức vốn pháp định tương ứng theo quy định của pháp luật (mức vốn tối thiểu mà doanh nghiệp phải đăng ký để thực hiện kinh doanh ngành nghề này).

Việc xác định mức vốn điều lệ khi thành lập công ty cần được các nhà đầu tư xem xét, đánh giá trên nhiều yếu tố như khả năng tài chính, quy mô, phạm vi hoạt động hay các hoạt động kinh doanh, mục tiêu, chiến lược của công ty sau khi thành lập, dự án của công ty, khả năng gọi vốn và các yếu tố khách quan và chủ quan khác.

Về mặt pháp lý, vốn điều lệ là vốn mà các cổ đông đăng ký góp vào công ty, theo đó, Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính của Công ty trong phạm vi vốn đăng ký góp. Về mặt thực tế, vốn điều lệ là một trong những số liệu thể hiện năng lực tài chính của công ty, theo đó, các đối tác có thể quan tâm và nhìn vào số vốn điều lệ này để căn nhắc việc hợp tác với Công ty hoặc không.

Ngoài ra, vốn điều lệ là căn cứ để xác định thuế môn bài mà công ty phải đóng, cụ thể:

– Nếu vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng, mức thuế môn bài sẽ là 3 triệu đồng/năm.

– Nếu vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở xuống, mức thuế môn bài sẽ là 2 triệu đồng/năm.

5. Cổ phần là gì? Cổ phiếu là gì?

Theo điểm a khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020, vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Như vậy, về bản chất cổ phẩn là vốn điều lệ được chia nhỏ.

Theo khoản 1 Điều 121 Luật Doanh nghiệp năm 2020, cổ phiếu là chứng chỉ do Công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.

Như vậy, cố phiếu được hiểu là giấy tờ pháp lý ghi nhận quyền sở hữu cổ phần của cổ đông – người đã góp vốn vào Công ty cổ phần.

Ngoài ra, nếu hiểu nghĩa rộng thì theo quy định của Luật Chứng khoán, cổ phiếu còn được hiểu là một loại chứng khoán (được coi là tài sản), là đối tượng giao dịch trên sàn chứng khoán.

6. Hướng dẫn cách đặt tên Công ty cổ phần.

Tên của công ty cổ phần được đặt theo cấu trúc bao gồm: (1) tên loại hình doanh nghiệp là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” và (2) tên riêng. Trong đó, tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

Tên của công ty cổ phần ngoài tên tiếng Việt, có thể có tên tiếng nước ngoài và tên viết tắt. Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của công ty có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.

Ví dụ:

– Tên tiếng Việt: Công ty Cổ phần Mặt Trời Đỏ

– Tến tiếng nước ngoài: Red Sun Joint Stock Company

– Tên viết tắt: REDSUN

Lưu ý khi đặt tên Công ty cổ phần:

– Không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

– Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

– Không được đăng ký tên doanh nghiệp trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc, trừ những doanh nghiệp đã giải thể hoặc đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản, trừ trường hợp Doanh nghiệp hoạt động theo Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương được cấp trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 thì được tiếp tục sử dụng tên doanh nghiệp đã đăng ký và không bắt buộc phải đăng ký đổi tên doanh nghiệp trong trường hợp có tên trùng, tên gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Các trường hợp tên trùng và tên gây nhầm lẫn được quy định tại Điều 41 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:

Điều 41. Tên trùng và tên gây nhầm lẫn

1. Tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký.

2. Các trường hợp được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký bao gồm:

a) Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký;

b) Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;

c) Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;

d) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, một số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F, J, Z, W được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;

đ) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một ký hiệu “&” hoặc “và”, “.”, “,”, “+”, “-”, “_”;

e) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc từ “mới” được viết liền hoặc cách ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;

g) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một cụm từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”;

h) Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.

3. Các trường hợp quy định tại các điểm d, đ, e, g và h khoản 2 Điều này không áp dụng đối với công ty con của công ty đã đăng ký.

7. Điều kiện thành lập Công ty cổ phần.

Để thành lập Công ty cổ phần, tổ chức, cá nhân cần phải đáp ứng một số điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, cụ thể những điều kiện cần phải đáp ứng bao gồm:

Điều kiện về cổ đông: (i) Cần phải có tối thiểu 03 cổ đông sáng lập, pháp luật không giới hạn số lượng cổ đông tối đa; (ii) Không thuộc các trường hợp bị cấm thành lập doanh nghiệp đề cập tại Mục 3.

Điều kiện về tên Công ty cổ phần: đặt tên đúng theo quy định đề cập tại Mục 6.

Điều kiện về ngành nghề kinh doanh: Đăng ký ngành nghề kinh doanh không thuộc vào các ngành nghề bị cấm và đồng thời phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

8. Hồ sơ thành lập Công ty cổ phần năm 2022.

Theo quy định tại Điều 22 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và hướng dẫn tại Điều 23 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, người đăng ký thành lập Công ty cổ phần cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm:

– Giấy đề nghị đăng ký công ty cổ phần (Tải mẫu PLI-4).

– Điều lệ công ty cổ phần.

– Danh sách cổ đông sáng lập (Tải mẫu PLI-7).

– Danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (Tải mẫu PLI-8).

– Bản sao các giấy tờ sau đây:

+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.

Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự.

– Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

– Trường hợp nếu người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần không trực tiếp nộp hồ sơ và muốn ủy quyền cho người khác thay mình nộp hồ sơ thì còn phải kèm theo giấy tờ ủy quyền hợp lệ.

9. Thủ tục thành lập Công ty cổ phần

Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ, tài liệu đã nêu ở mục 8 của bài viết này.

Bước 2: Trực tiếp hoặc ủy quyền nộp sơ đăng ký thành lập đến cơ quan đăng ký kinh doanh

Bước 3: Nộp các phí, lệ phí phát sinh.

Bước 4: Nhận kết quả Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sau 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp theo ngày nộp hồ sơ hợp lệ.

Bước 5: Thực hiện các công việc sau khi thành lập công ty:

  • Khắc con dấu, treo biển hiệu tại trụ sở công ty;
  • Mua chữ ký số, hóa đơn điện tử;
  • Đăng ký tài khoản nộp thuế điện tử;
  • Kê khai, nộp tờ khai thuế môn bài;
  • Đăng ký và thông báo phát hành hóa đơn điện tử;
  • Mở tài khoản ngân hàng.

10. Dịch vụ thành lập Công ty cổ phần của Công ty Luật CIS.

Công ty Luật CIS đã thực hiện rất nhiều hồ sơ đăng ký thành lập Công ty cổ phần tại nhiều tỉnh, thành. Với kinh nghiệm dày dặn chúng tôi sẽ tư vấn phương án tốt nhất giúp doanh giải quyết các vướng mắc và thực hiện thủ tục một cách nhanh nhất.

Trên đây là hướng dẫn chi tiết về thủ tục thành lập Công ty cổ phần năm 2022. Nếu bạn có vướng mắc trong quá trình thành lập Công ty cổ phần hay bạn có nội dung nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý, hãy liên hệ ngay với Luật sư Công ty Luật CIS theo thông tin sau:

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3911.8581 – 3911.8582               Hotline: 0916.568.101
Email: 
info@cis.vn