Có bắt buộc phải đăng ký Thương hiệu

Thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp có thắc mắc rằng: doanh nghiệp đã đi đăng ký kinh doanh, đã được cấp giấy phép kinh doanh thì được quyền sử dụng tên công ty để kinh doanh, kể cả làm thương hiệu mà người khác không thể sử dụng được vì tên công ty đã được cơ quan đăng ký kinh doanh kiểm tra trên hệ thống toàn quốc, chưa có ai đăng ký thì mới được cấp giấy phép.

Tuy nhiên, hiện nay cũng có rất nhiều công ty dịch vụ, công ty luật bằng nhiều hình thức đang tư vấn, đề xuất doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu, trong đó có nội dung rằng nếu không đăng ký thì người khác có quyền cấm doanh nghiệp sử dụng tên gọi (thương hiệu) khi họ đăng ký trước.

Vậy đăng ký thương hiệu là gì? Có bắt buộc phải đăng ký? Nếu không thực hiện thì có vấn đề gì hay không?

1. Tên doanh nghiệp giống nhau “tên gọi riêng” vẫn có thể được cấp giấy ĐKDN

Căn cứ Điều 38.1 Luật doanh nghiệp năm 2014: Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:

  • Loại hình doanh nghiệp. Bao gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân.
  • Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt.

Căn cứ Điều 17.1. Nghị định 78/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật doanh nghiệp thì: Người thành lập doanh nghiệp không được đặt tên doanh nghiệp trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc, trừ những doanh nghiệp đã giải thể hoặc đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản.

Chiếu theo quy định này và quy định có liên quan đến tên doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp, ví dụ: doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tên là: “Công ty TNHH Sao Mai”, thì doanh nghiệp khác không được đăng ký một số tên sau đây:

  • “Công ty TNHH Sao Mai” (trùng hoàn toàn)
  • “Công ty cổ phần Sao Mai” (tương tự gây nhầm lẫn – tên riêng)
  • “Công ty TNHH Tân Sao Mai”(tương tự gây nhầm lẫn – tên riêng)
  • “Công ty TNHH Sao Mai 2” (tương tự gây nhầm lẫn – tên riêng)

[…]

Tuy nhiên, do số lượng doanh nghiệp hiện nay rất nhiều nên để tránh bị trùng/ tương tự gây nhầm lẫn với nhau, các doanh nghiệp thường thêm một số từ ngữ (chỉ lĩnh vực kinh doanh như: “Đầu tư”, “thương mại”, “sản xuất”, “xuất nhập khẩu”…), trước tên gọi riêng của doanh nghiệp thì sẽ được chấp nhận cấp giấy đăng ký doanh nghiệp.

Cụ thể: “Công ty TNHH Thương mại Sao Mai” và “Công ty TNHH Sao Mai” sẽ đều được cấp giấy đăng ký doanh nghiệp.

2. Đăng ký bảo hộ thương hiệu (nhãn hiệu) có bắt buộc không?

Đăng ký bảo hộ thương hiệu hay “đăng ký nhãn hiệu” là một thủ tục pháp lý độc lập để yêu cầu cơ quan Nhà nước xem xét chấp nhận bảo hộ độc quyền một dấu hiệu (tên gọi, logo) trong một hoặc nhiều lĩnh vực (hàng hoá, dịch vụ) nhất định.

Quy định pháp luật không bắt buộc doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu, tuy nhiên luật doanh nghiệp có quy định:  “Không được sử dụng nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu nhãn hiệu đó”. Theo quy định này thì chỉ cần tên riêng của doanh nghiệp có chứa “nhãn hiệu” đã được bảo hộ thì sẽ bị coi là vi phạm, kể cả trường hợp đã thêm các từ ngữ chỉ lĩnh vực kinh doanh (như đầu tư, thương mại, sản xuất, xuất nhập khẩu…).

3. Doanh nghiệp vi phạm nhãn hiệu phải đổi tên

Khi hoàn tất thủ tục đăng ký nhãn hiệu và được cấp văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu thương hiệu có “độc quyền”: Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh, kể cả trên biển hiệu, trang thông tin điện tử (website), tài liệu giới thiệu, danh thiếp, phương tiện vận tải và các vật dụng, trang trí trong cơ sở kinh doanh.

Mọi trường hợp sử dụng dấu hiệu (tên gọi, logo) trùng/tương tự gây nhầm lẫn với Nhãn hiệu đã được bảo hộ mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu đều bị coi là vi phạm, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính và bồi thường thiệt hại thì tuỳ vào mức độ vi phạm mà người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, tại Điều 19.2 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật doanh nghiệp thì cũng đã nêu rõ: Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đặt tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì doanh nghiệp có tên vi phạm phải đăng ký đổi tên.

Như vậy, việc được cấp Giấy đăng ký doanh nghiệp không phải là sự đảm bảo của Nhà nước để doanh nghiệp sử dụng tên gọi (thương hiệu) trên thực tế mà trách nhiệm đó là của doanh nghiệp. Điều này hợp lý vì theo thủ tục đăng ký kinh doanh hiện nay, không thể chỉ trong 03 ngày làm việc mà cơ quan đăng ký kinh doanh có thể kết luận tên doanh nghiệp có vi phạm Nhãn hiệu của người khác hay không được mà khuyến khích trước khi đăng ký đặt tên doanh nghiệp, doanh nghiệp nên thông qua các đơn vị có chuyên môn sâu về Sở hữu trí tuệ thực hiện tra cứu các nhãn hiệu đã đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp để tránh xung đột trong tương lai.

Phòng Sở hữu trí tuệ (CIS Law Firmtổ chức đại diện Sở hữu công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh)