1. Mấy hôm trước anh rể có kêu gia đình bên em lên bàn chuyện, chị em bệnh nặng anh rể không có khả năng chăm sóc nên kêu gia đình em đưa về nhà chăm sóc và có làm giấy thỏa thuận, nếu bán được căn nhà thì số tiền đó chia 2, phần của chị em sẽ do em giữ để lo thuốc men và chăm sóc .
Cho em hỏi nếu chị em đột ngột qua đời nếu anh rể em bán nhà được thì em có được hưởng ½ tài sản căn nhà không?
Trả lời: Đối với câu hỏi của bạn, Luật sư của Công ty Luật CIS trả lời như sau:
Vì bạn không nêu rõ căn nhà là tài sản chung hay tài sản riêng của anh rể và chị Ban cũng như không có thông tin chi tiết về bản thoả thuận nên có thể xảy ra các trường hợp sau:
Thứ nhất, trường hợp căn nhà là tài sản chung của anh rể và chị bạn. Theo quy định của pháp luật hiện hành: việc định đoạt tài sản chung của vợ chồng phải được thực hiện theo thoả thuận của hai bên, theo đó, vợ chồng có thể thoả thuận chia tài sản chung; việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Do đó, Anh rể và chị bạn có thể thỏa thuận phân chia tài sản này.
Nếu như thoả thuận chỉ có cam kết về việc bạn dùng phần của chị bạn để lo thuốc men và chăm sóc (thoả thuận này có sự đồng ý của 2 bên vợ chồng), khi chị bạn mất thì phần tài sản thuộc quyền sở hữu của chị bạn (1/2 giá trị căn nhà) sau khi trừ đi khoản tiền chăm sóc thuốc men, sẽ là tài sản thuộc diện để lại thừa kế:
- Trường hợp chị bạn có di chúc hợp pháp: Phần tài sản thuộc quyền sở hữu của chị bạn sẽ được chia theo nội dung di chúc;
- Trường hợp chị bạn không có di chúc: Phần di sản được trao cho người thừa kế theo pháp luật (hàng thừa kế thứ nhất bao gồm con đẻ, con nuôi, chồng, bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi).
Thứ hai, trường hợp căn nhà là tài sản riêng của anh rể bạn thì tuỳ thuộc vào điều khoản trong giấy thoả thuận.
Thứ ba, trường hợp căn nhà là tài sản riêng của chị bạn thì anh rể bạn không có quyền quyết định hay có bất cứ thoả thuận nào với bạn. Khi chị bạn mất, căn nhà là di sản mà chị bạn để lại sẽ được chia thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật như chúng tôi đã đề cập ở trên.
2. Em và người yêu của em dự định kết hôn nhưng bị ba mẹ em phản đối, do đó, khi biết tụi em có ý định đi đăng ký kết hôn, ba mẹ em đã giấu sổ hộ khẩu gia đình của nhà em và giấy khai sinh của em.
Cho em hỏi, em có thể đăng ký kết hôn mà không cần loại giấy tờ trên không? Và thủ tục kết hôn như thế nào?
(Kha Mỹ Châu – Quận Bình Chánh, TP.HCM)
Trả lời: Theo quy định của Nghị định 06/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực quy định khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ cần làm 01 bộ hồ sơ bao gồm: Tờ khai đăng ký kết hôn, bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc Sổ hộ khẩu hoặc Giấy khai sinh; trường hợp nộp bản sao không có chứng thực, thì phải xuất trình kèm bản chính để đối chiếu.
Như vậy, bạn có thể dùng chứng minh nhân dân của mình để đi đăng ký kết hôn thay cho Sổ hộ khẩu hoặc Giấy khai sinh.
Thủ tục kết hôn được quy định như sau:
Bạn đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của bạn hoặc chồng tương lai của bạn.
Sau khi nhận Tờ khai đăng ký kết hôn, Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra, nếu các bên đã có đủ điều kiện hết hôn theo quy định thì thực hiện ngay việc đăng ký kết hôn trong ngày làm việc đó, nếu nhận hồ sơ sau 15 giờ thì việc đăng ký được thực hiện trong ngày làm việc tiếp theo; trong trường hợp cần xác minh, thời hạn được kéo dài không quá 05 ngày làm việc.
Sau khi hai bên nam, nữ ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký Giấy chứng nhận kết hôn. Bản chính Giấy chứng nhận kết hôn được trao cho vợ, chồng mỗi người một bản tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc tại nơi cư trú.
Trong trường hợp có bất kỳ vấn đề gì chưa rõ, bạn có thể liên hệ để được hỗ trợ thêm thông qua Dịch vụ tư vấn hôn nhân gia đình của Chúng tôi.
3. Chúng tôi có làm một mâm cơm nhỏ gọi là ra mắt có sự chứng kiến của hàng xóm, láng giềng và dọn về sống chung như vợ chồng. Tuy nhiên, do làm ăn xa quê và công việc bận rộn nên chúng tôi vẫn chưa đăng ký kết hôn. Xin luật sư cho biết hôn nhân của chúng tôi có hợp pháp không? Và nếu không hợp pháp thì vấn đề con cái, tài sản giải quyết như thế nào khi ly hôn?
(Nguyễn Thị Bé – TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
Trả lời: Do trình độ dân trí nước ta còn thấp và do đặc thù hậu quả của chiến tranh nên trên thực tế tồn tại rất nhiều quan hệ hôn nhân không được đăng ký. Vì vậy, Luật phân định ra rất rõ các mốc thời gian khác nhau để xác định hôn nhân không đăng ký kết hôn có hợp pháp hay không.
Do bạn không nói rõ thời điểm hai người sống chung như vợ chồng với nhau nên tùy thuộc vào từng trường hợp mà có cách giải quyết khác nhau.
– Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Toà án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000;
– Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn. Từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận là vợ chồng;
– Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 trở đi, trừ hai trường hợp trên, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu có yêu cầu ly hôn thì Toà án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì Tòa án sẽ xử lý như sau:
- Quyền lợi của con được giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn.
- Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thỏa thuận của các bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con.
Do vậy, nếu bạn có đủ điều kiện kết hôn thì nên đi đăng ký kết hôn để được pháp luật công nhận hôn nhân hợp pháp.
Trong trường hợp có bất kỳ vấn đề gì chưa rõ, bạn có thể liên hệ để được hỗ trợ thêm thông qua Dịch vụ tư vấn hôn nhân gia đình của Chúng tôi.
4. Tôi và cô ấy đã ly hôn cách đây 8 tháng. Nay, cô ấy đẻ con và gia đình vợ cũ của tôi bắt tôi phải chịu trách nhiệm cấp dưỡng cho đứa trẻ này. Thật lòng tôi biết đây không phải là con đẻ của mình. Vậy, tôi phải xử lý như thế nào? Hiện tại tôi đang rất rối trí, mong nhận được câu trả lời sớm từ luật sư. Chân thành cảm ơn.
(Trần Văn Dương – thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)
Trả lời:
Theo quy định tại Nghị định 70/2001/NĐ-CP, con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân hoặc con được sinh ra trong vòng 300 ngày kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án xử cho vợ chồng ly hôn có hiệu lực pháp luật được xác định là con chung của hai người.
Trong trường hợp bố hoặc mẹ không nhận đứa trẻ là con chung của hai người thì phải có chứng cứ và được Tòa án xác định.
Như vậy, do đứa trẻ sinh ra trong vòng 8 tháng, tức trong vòng 240 ngày kể từ ngày ly hôn nên được xác định là con chung của bạn và vợ cũ. Trường hợp bạn không nhận đó là con đẻ của mình thì có thể tự mình hoặc đề nghị Tòa án tiến hành giám định gen của đứa trẻ hoặc đưa ra các chứng cứ khác để chứng minh đứa trẻ không phải là con mình. Kết quả giám định gen và các chứng cứ khác cùng với yêu cầu của bố hoặc mẹ sẽ được Tòa án xem xét và quyết định. Và quyết định của Toà án là có hiệu lực cao nhất trong việc xác định con chung hay con riêng trong giai đoạn này.
Trong trường hợp có bất kỳ vấn đề gì chưa rõ, bạn có thể liên hệ để được hỗ trợ thêm thông qua Dịch vụ tư vấn hôn nhân gia đình của Chúng tôi.
5. Tôi lập gia đình với chồng được gần 3 năm, và có một đứa con gái 1 tuổi rưỡi. Hiện nay, vợ chồng tôi thường xuyên bất đồng quan điểm dẫn đến gây gổ, cãi vã và anh ấy thường xuyên đánh đập tôi. Tôi đã nhiều lần viết đơn ly hôn và đề nghị anh ký tên nhưng không những anh không đồng ý mà còn dọa nạt tôi và đe dọa là sẽ không cho tôi 1 đồng khi ly hôn vì tôi chỉ là nội trợ trong nhà không kiếm ra tiền, còn anh ấy mới là lao động chính trong nhà.
Xin cho hỏi tôi có thể ly hôn mà không cần anh cùng ký tên vào đơn xin ly hôn được không?
Và nếu ly hôn tôi muốn nuôi con thì tòa án có giải quyết cho tôi không? Vấn đề tài sản có giải quyết giống như chồng tôi nói không?
(Nguyễn Thị Hải – TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
Trả lời: Bạn có thể yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi xét thấy tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được mà không cần phải được sự thuận tình ly hôn từ chồng bạn.
Theo đó, Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP có quy định cụ thể như sau:
Khi một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn thì Toà án phải tiến hành hoà giải. Nếu hoà giải đoàn tụ thành mà người yêu cầu xin ly hôn rút đơn yêu cầu xin ly hôn thì Toà án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Nếu người xin ly hôn không rút đơn yêu cầu xin ly hôn thì Toà án lập biên bản hoà giải đoàn tụ thành. Sau 15 ngày, kể từ ngày lập biên bản, nếu vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng không có sự thay đổi ý kiến cũng như Viện Kiểm sát không phản đối thì Toà án ra quyết định công nhận hoà giải đoàn tụ thành. Quyết định công nhận hoà giải đoàn tụ thành có hiệu lực pháp luật ngay và các đương sự không có quyền kháng cáo, Viện Kiểm sát không có quyền kháng nghị theo trình tự phúc thẩm.
Trong trường hợp hoà giải đoàn tụ không thành thì Toà án lập biên bản hoà giải đoàn tụ không thành, đồng thời tiến hành mở phiên toà xét xử vụ án ly hôn theo thủ tục chung.
– Về thủ tục đơn phương ly hôn (ly hôn theo yêu cầu của một bên):
Bạn cần nộp đơn xin ly hôn kèm theo các giấy tờ cần thiết đến Tòa án nhân dân cấp quận, huyện nơi vợ chồng bạn hiện có đăng ký thường trú hoặc tạm trú.
– Về vấn đề con chung khi ly hôn:
Do con bạn mới 1,5 tuổi nên về nguyên tắc, con sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác.
– Về vấn đề tài sản chung
Công việc nội trợ trong gia đình cũng được xem là lao động tạo ra thu nhập và khi ly hôn thì bạn vẫn được chia tài sản theo nguyên tắc chung là:
- Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó;
- Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
- Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
- Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
- Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch;
- Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trong trường hợp có bất kỳ vấn đề gì chưa rõ, bạn có thể liên hệ để được hỗ trợ thêm thông qua Dịch vụ tư vấn hôn nhân gia đình của Chúng tôi.
6. Tôi là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, có quốc tịch nước ngoài, tôi sinh ra ở Việt Nam, có Giấy khai sinh của Việt Nam cấp. Như vậy tôi có phải là tôi có quốc tịch Việt Nam không và tôi có thể làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam tại cơ quan lãnh sự Việt Nam được không?
Trả lời:
Với thông tin mà bạn cung cấp là có Giấy khai sinh ở Việt Nam nhưng không nói rõ trên Giấy khai sinh có ghi quốc tịch Việt Nam không thì chưa đủ căn cứ để có thể xác định bạn có quốc tịch Việt Nam hay không.
Do đó, bạn cần có những giấy tờ khác để chứng minh rằng cha mẹ bạn có quốc tịch Việt Nam vào thời điểm bạn sinh ra. Nếu có căn cứ xác minh bạn có quốc tịch Việt Nam thì theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam, khi bạn chưa thôi hoặc bị tước quốc tịch Việt Nam thì bạn vẫn mang quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên bạn phải liên hệ với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam trước ngày 01/07/2014. Nếu đến hết ngày này mà không đăng ký thì bạn bị mất quốc tịch Việt Nam. Thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam được thực hiện ở cơ quan đại diện lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài.