Hậu quả khi bị tước quyền sử dụng logo Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao

Bài viết phân tích, nhận xét theo dòng sự kiện Asanzo bị Hội Doanh Nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao TP. Hồ Chí Minh tước quyền sử dụng logo Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao.

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây gọi tắt là LSHTT), “nhãn hiệu” là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Các loại nhãn hiệu phổ biến hiện nay là: nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu liên kếtnhãn hiệu nổi tiếng.

Khoản 18 Điều 4 LSHTT đã nêu ra khái niệm “nhãn hiệu chứng nhận” là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu. Nghĩa là, nhãn hiệu chứng nhận có thể được sử dụng cùng với các nhãn hiệu riêng của nhà sản xuất hàng hóa nhất định. Nhãn hiệu hàng hóa có sử dụng nhãn hiệu chứng nhận là bằng chứng chứng tỏ rằng sản phẩm của doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể được đặt ra khi sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Trên thị trường Việt Nam hiện này, có thể liệt kê một số loại nhãn hiệu chứng nhận như: Chè Ba Vì, Sữa Ba Vì, Dứa CAYENNE Đơn Dương,…. Và biểu tượng “Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao Do Người Tiêu Dùng Bình Chọn, hình” cũng là một trong số những loại nhãn hiệu đặc biệt này.

hang-viet-nam-chat-luong-cao

LSHTT quy định quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận sẽ thuộc về tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hoá, dịch vụ với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đó. Theo văn bằng bảo hộ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp ngày 29/01/2015 thì Hội Doanh Nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao TP. Hồ Chí Minh (HDNHVNCLC) là chủ sở hữu của nhãn hiệu này. Theo đó, Hội sẽ có các quyền tài sản được quy định tại khoản 1 Điều 123 LSHTT, trong đó bao gồm quyền độc quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu hình “Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao” theo quy định tại Điều 124 và Chương X của Luật SHTT

Việc Hội Doanh Nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao TP. Hồ Chí Minh cho phép Asanzo sử dụng nhãn hiệu chứng nhận này được gọi là chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (ở đây là chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận) và theo quy định tại Điều 141, Điều 144 LSHTT thì việc chuyển quyền sử dụng này phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản và phải bao gồm các nội dung sau đây:

  • Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền;
  • Căn cứ chuyển giao quyền sử dụng;
  • Dạng hợp đồng;
  • Phạm vi chuyển giao, gồm giới hạn quyền sử dụng, giới hạn lãnh thổ;
  • Thời hạn hợp đồng;
  • Giá chuyển giao quyền sử dụng;
  • Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền.

Với địa vị pháp lý là chủ thể có quyền sử dụng biểu tượng “Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao Do Người Tiêu Dùng Bình Chọn, hình”, Asanzo có thể được chủ sở hữu cho phép “sử dụng” nhãn hiệu này để:

  • Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh;
  • Lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ;
  • Nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ.

Ngoài ra, theo quy định tại Điểm c Mục 37.6 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN thì người được cấp phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cần phải có nghĩa vụ tuân thủ Quy chế sử dụng nhãn hiệu do chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận ban hành, trong đó quy định cụ thể về các điều kiện bảo đảm chất lượng, uy tín của hàng hoá, dịch vụ; chịu sự kiểm soát của chủ sở hữu nhãn hiệu; nộp phí quản lý nhãn hiệu,….

Việc được phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận này trong các hoạt động lưu thông hàng hóa, sản phẩm kinh doanh của mình sẽ giúp Asanzo nâng cao được cái nhìn của thị hiếu về chất lượng sản phẩm của họ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tăng doanh số và đem lại nguồn lợi nhuận tốt hơn.

Tuy nhiên, với những sai phạm gần đây, ngày 21/06/2019, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã thông báo tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao đối với doanh nghiệp Asanzo sau các bài báo điều tra của Tuổi Trẻ.

Với sự kiện này, hậu quả pháp lý mà Asanzo phải gánh chịu là “không được” thực hiện các quyền như đã đề cập phía trên. Nếu Asanzo vẫn tiếp tục sử dụng nhãn hiệu này thì đây được xem là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo quy định tại khoản 1 Điều 129 LSHTT.

Với hành vi vi phạm như vậy, Asanzo có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ như buộc chấm dứt hành vi vi phạm, bị phạt tiền, buộc tiêu hủy hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với những loại hàng hóa vi phạm trên,….

Tuy nhiên, về việc tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, cũng nên cần được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau bởi vì nếu việc tước quyền này được công nhận sẽ gây ra những ảnh hưởng rất lớn đến danh tiếng cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị tước quyền sử dụng nhãn hiệu.

Theo như mẫu Hồ sơ thông tin doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao được Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao ban hành thì Doanh nghiệp phải cam kết đảm bảo có thông tin minh bạch về xuất xứ hàng hóa cho người tiêu dùng và tuân thủ các quy định trong Quy chế sử dụng logo Hàng Việt Nam chất lượng cao như cam kết giữ vững chất lượng sản phẩm, dịch vụ và hình ảnh của Nhãn hiệu chứng nhận,…

Nếu như trong hợp đồng sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận giữa Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng caoAsanzo có điều khoản quy định một trong những căn cứ chấm dứt hợp đồng là vi phạm Quy chế sử dụng logo Hàng Việt Nam chất lượng cao thì việc tước quyền sử dụng biểu tượng này của HDNHVNCLC là đúng. Điều này đồng nghĩa với việc Asanzo không được tiếp tục sử dụng nhãn hiệu chứng nhận này trong hoạt động kinh doanh của mình nữa và Asanzo buộc phải loại bỏ logo Hàng Việt Nam Chất lượng cao ra khỏi hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ (website, bao bì, tài liệu quảng cáo…)

Nếu trong hợp đồng không quy định cơ sở chấm dứt hợp đồng như trên hoặc để chấm dứt cần phải có các bước xác minh, chờ kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã vi phạm hợp đồng giữa 2 bên. Asanzo hoàn toàn có thể khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu như hoạt động kinh doanh của Asanzo bị ảnh hưởng về danh tiếng và doanh thu.

(Tác giả: Phan Trung Pháp – CIS Law Firm)

Công ty Luật HD Bản quyền Quốc tế (CIS Law Firm) là tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp được chứng nhận bởi Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Để giải đáp thắc mắc về sở hữu trí tuệ, Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ thông tin bên dưới để được tư vấn và yêu cầu dịch vụ:

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028 3911 85803911 8581

Email: info@cis.vn