Biễu diễn đường phố, có phải xin giấy phép?

(CIS) Thời gian vừa qua, vụ việc một cậu bé 15 tuổi bị “truy” giấy phép biểu diễn khi chơi đàn violon tại khu vực phố đi bộ hồ Gươm (Hà Nội) hay một clip quay cảnh một số nghệ sĩ violon ngẫu hứng biểu diễn tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đã phải tạm ngưng theo yêu cầu của lực lượng chức năng đang gây xôn xao cộng đồng mạng với những ý kiến trái chiều. Những trường hợp này đã đặt ra những câu hỏi pháp lý liên quan về việc biểu diễn nghệ thuật ở nơi công cộng.

bieu-dien-duong-pho-co-phai-xin-phep

(Ảnh minh hoạ. Nguồn: Thế Giới Văn Hoá)

Hiện nay, trong hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có Luật quy định chi tiết về vấn đề biểu diễn nghệ thuật nơi công cộng, các vấn đề liên quan đến biểu diễn nghệ thuật đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 79/2012/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 15/2016/NĐ-CP. Theo đó, tại điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định 79/2012 có quy định: “Khi tổ chức biểu diễn nghệ thuật quần chúng ngoài phạm vi nội bộ thì không phải đề nghị cấp giấy phép nhưng phải thông báo bằng văn bản về mục đích, phạm vi, nội dung chương trình, thời gian, địa điểm biểu diễn với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi biểu diễn ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày biểu diễn”. Với quy định này, khi biểu diễn nghệ thuật nơi công cộng thì không phải xin giấy phép nhưng phải thông báo với cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc biểu diễn nghệ thuật nơi công cộng thường phải xin phép, ông Lê Hữu Luận (Giám đốc Trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM) trong bài trả lời phóng viên báo Thanh Niên, có ý kiến cho rằng dù biểu diễn nơi công cộng hay ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, nếu đã có mục đích (từ thiện hay phục vụ cộng đồng) thì việc thông qua Sở VH-TT địa phương khi tổ chức là chuyện bình thường, ngay cả các chương trình biểu diễn phục vụ miễn phí cuối tuần trước Nhà hát TP.HCM – nơi thuộc quản lý của trung tâm, cũng phải xin phép Sở VH-TT TP.HCM.

Về khía cạnh Sở hữu trí tuệ, tác phẩm âm nhạc cũng là một trong những loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, theo đó, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có quy định người biểu diễn tác phẩm âm nhạc không phải xin phép và trả tiền thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả khi biểu diễn trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào; ngược lại, đối với các trường hợp biểu diễn vì mục đích thương mại thì phải xin phép và trả tiền thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả. Do đó, khi biểu diễn các tác phẩm âm nhạc, người biểu diễn cũng cần lưu ý các vấn đề về quyền tác giả để tránh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu tác phẩm.

Như vậy, đối chiếu với những quy định trên của pháp luật vào trường hợp của cậu bé kéo đàn violon ở khu vực phố đi bộ Hồ Gươm, có thể thấy nếu thực sự mục đích của việc biểu diễn là để quyên góp tiền làm từ thiện thì việc các lực lượng chức năng “hỏi” giấy phép biểu diễn của cậu bé là không đúng với quy định của pháp luật bởi đây không phải là trường hợp phải xin giấp phép biểu diễn. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, đồng thời để đảm bảo an ninh, trật tự nơi công cộng cũng như việc quản lý của các cơ quan chức năng thì bố mẹ của cậu bé nên thông báo với cơ quan quản lý.

Từ những vụ việc thực tế nêu trên, đồng thời liên hệ với pháp luật của một số quốc gia khác có quy định về biểu diễn đường phố như Úc, Mỹ, Anh,… có thể thấy rằng, việc ban hành một văn bản pháp luật quy định thống nhất và rõ ràng về biểu diễn đường phố nói riêng và biểu diễn nghệ thuật nói chung là rất cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội Việt Nam ngày càng phát triển, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố ngày càng phổ biến hơn trong đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư, đặc biệt là giới trẻ./.

Lê Đình Thị Thanh Huyền (LLB)

CIS Law Firm