Đăng ký quyền tác giả và ý nghĩa

Đăng ký quyền tác giả là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nộp đơn và hồ sơ kèm theo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả (Điều 49 Luật Sở hữu trí tuệ)

dang-ky-quyen-tac-gia-va-y-nghia

Pháp luật Việt Nam, hài hòa với điều ước quốc tế, cũng có quy định rằng việc đăng ký quyền tác giả không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức và bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, hành vi xâm phạm quyền tác giả của các chủ thể ngày càng trở nên phổ biến với nhiều cách thức khác nhau, như là: sao chép tác phẩm lưu hành trên thị trường mà không có sự đồng ý của tác giả kể cả lưu thành file số trên internet, mạo danh tác giả, sửa chữa, cắt xén, “đạo nhái” tác phẩm âm nhạc, phim ảnh…đây là lí do thôi thúc tác giả đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm của mình. Vậy đăng ký quyền tác giả đem lại lợi ích (ý nghĩa) gì cho chủ sở hữu?

1. Chứng minh quyền sở hữu tác phẩm

  • Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là một loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tác phẩm một cách hợp pháp. Trên giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả sẽ có ghi nhận các thông tin về nhân thân của (các) tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, tên tác phẩm, loại hình tác phẩm, và ngày đăng ký của tác phẩm, điều này mang ý nghĩa quan trọng trong việc xác định thời điểm tác giả đã hoàn thành tác phẩm và đã có nộp bản lưu ở cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

dang-ky-quyen-tac-gia-va-y-nghia

  • Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cũng là một loại giấy tờ được sử dụng khi định giá tài sản của công ty trong trường hợp cổ phần hóa, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.
  • Một tài sản trí tuệ rất có giá trị hiện nay là phần mềm máy tính, theo quy định pháp luật sở hữu trí tuệ, phần mềm (chương trình) máy tính chỉ có thể đăng ký bảo hộ dưới hình thức quyền tác giả. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả phần mềm máy tính là một bằng chứng có tính pháp lý cao trong việc chứng minh quyền sở hữu phần mềm và tham gia đấu thầu các dự án lựa chọn nhà thầu có uy tín và năng lực để thiết kế phần mềm.

2. Cơ sở để giải quyết tranh chấp phát sinh

  • Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại (Điều 49 Khoản 3 Luật sở hữu trí tuệ).
  • Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả được coi là bằng chứng về quyền tác giả, nó giải phóng cho người có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả khỏi nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại. Lý do là vì khi nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, tác giả/chủ sở hữu tác phẩm đã nộp bản sao tác phẩm để lưu trữ tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Do đó, khi có tranh chấp về quyền tác giả, bên không có GCN đăng ký sẽ phải chứng minh mình là tác giả hoặc là chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm bằng rất nhiều tài liệu, chứng cứ thể hiện rõ thời điểm hoàn thành tác phẩm và độ tin cậy của các tài liệu, chứng cứ này trước cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

3. Cơ sở chống lại hành vi xâm phạm quyền tác giả và hưởng quyền tác giả

  • Việc tiến hành đăng ký quyền tác giả còn ngăn chặn các hành vi xâm phạm từ bên ngoài, bởi lẽ khi đăng ký hợp lệ, thông tin liên quan đến đăng ký quyền tác giả được ghi nhận trong Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả; công bố trên Công báo về quyền tác giả (Điều 54 Luật sở hữu trí tuệ); công khai trên “Niên giám đăng ký quyền tác giả Việt Nam” hằng năm; và đưa lên trang website quyền tác giả Việt Nam. Điều này rất thuận tiện cho việc tra cứu, liên hệ để khai thác, sử dụng tác phẩm, tránh được những đầu tư sáng tạo trùng lặp hoặc phát hiện các hành vi khai báo gian dối.
  • Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả được coi là bằng chứng về quyền tác giả đối với tác phẩm, tạo thuận tiện trong việc khai thác, sử dụng tác phẩm, chuyển nhượng , chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan đặc biệt khi có tranh chấp.Thực tế, quá trình khai thác, sử dụng tác phẩm, tiến hành các giao dịch liên quan đến quyền tác giả, bên khai thác sử dụng luôn yêu cầu chủ sở hữu quyền tác giả cung cấp bằng chứng quyền tác giả thuộc về mình nhằm tránh những rắc rối về sau.
  • Ngoài ra, việc đăng ký quyền tác giả còn có thể giúp cho chủ sở hữu trong một số thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước có thẩm quyền được thuận lợi và dễ dàng hơn (bằng chứng để chứng minh về quyền sở hữu hợp pháp của tác phẩm)

Tác phẩm được tạo ra chính là đứa con tinh thần của tác giả. Đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm có thể được xem như là trường hợp “đăng ký khai sinh” cho đứa con của cha mẹ. Một tác phẩm sẽ phát huy trọn vẹn giá trị khi và chỉ khi nó hợp pháp và được chính sự hợp pháp ấy bảo vệ.

 Trần Thị Diễm Trang – SVTT CIS (09/2018)