Đăng ký sáng chế các sản phẩm trong chương trình Shark Tank

Chương trình truyền hình thực tế Shark Tank – Thương vụ bạc tỷ đang ngày càng trở nên quen thuộc với bất kỳ start-up nào ở Việt Nam, bằng chứng là chương trình đã bắt đầu phát sóng mùa thứ 2 từ giữa năm 2018.

Tại chương trình, nhiệm vụ của các start-up là nêu rõ được sự khác biệt của sản phẩm/dịch vụ mình cung cấp và tiềm năng kinh tế mà nó mang lại để thuyết phục các Shark đầu tư. Một câu hỏi hóc búa các Shark hay hỏi các start-up là: “Bạn đã đăng ký sáng chế sản phẩm này chưa? Lỡ người khác xem chương trình này làm sản phẩm giống y như bạn nhưng mang thương hiệu khác và họ có nguồn lực sẵn, làm ra nhiều sản phẩm hơn với giá rẻ hơn thì sao?

shark tank
Cái bắt tay của “Shark” là thành công của Start-up

Một giải pháp kỹ thuật (sản phẩm, phương pháp) sẽ được bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng đầy đủ: (i) tính mới, (ii) có khả năng áp dụng công nghiệp và (iii) có trình độ sáng tạo. Nếu chỉ có tính mới và khả năng áp dụng công nghiệp thì giải pháp đó có thể yêu cầu bảo hộ dưới hình thức “giải pháp hữu ích”. Nói chung, giải pháp kỹ thuật nếu muốn bảo hộ thì ít nhất phải có “tính mới”.

Theo quy định, một GPKT được coi là “mới” nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế/GPHI hoặc trước ngày ưu tiên. Ngoài ra, pháp luật có quy định một số trường hợp không bị coi là mất tính mới nhưng với điều kiện tác giả/CSH phải đi đăng ký trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày: (i) bị người khác công bố trái phép, (ii) công bố dưới dạng báo cáo khoa học, (iii) trưng bày tại triễn lãm quốc gia hoặc quốc tế chính thức.

shark tank
Mẫu bằng độc quyền Sáng chế và bằng độc quyền giải pháp hữu ích

a) Bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng:

Bộc lộ dưới hình thức sử dụng có nghĩa là việc sử dụng một GPKT nào đó làm cho nó bị bộc lộ hay ở trạng thái có thể dễ dàng tiếp cận đối với công chúng. Những cách thức bộc lộ dưới hình thức sử dụng bao gồm việc chế tạo, sử dụng, buôn bán, nhập khẩu, trao đổi, trình diễn, triển lãm hay những cách thức tương tự có thể làm cho GPKT đó bị bộc lộ ra toàn xã hội.

Việc trưng bày các vật mang thông tin như áp phích, bản vẽ, ảnh, mẫu vật, v.v. trên các giá trưng bày ở triển lãm hay trong một cửa hiệu mà mọi người có thể đọc được cũng được coi là bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng. Băng hình, đĩa hình hay các vật mang tin tương tự được coi là phương tiện bộc lộ công khai các GPKT dưới hình thức sử dụng.

b) Bộc lộ công khai dưới hình thức mô tả bằng văn bản:

Các mô tả bằng văn bản được đề cập trong Luật Sở hữu trí tuệ có nghĩa là các tài liệu dạng giấy được in hoặc được đánh máy (không phân biệt ngôn ngữ thể hiện, số lượng tài liệu phát hành kể cả số lượng đã được đọc, cách thức để có được tài liệu đó hay tuổi thọ của chúng), như tư liệu sáng chế, sách và tài liệu khoa học và kỹ thuật, luận văn khoa học, các tài liệu chuyên ngành, sổ tay, cẩm nang kỹ thuật, các biên bản, tài liệu hội nghị, hội thảo hay báo cáo khoa học được công bố chính thức, báo, tạp chí, các cuốn sách mẫu, catalô sản phẩm, tờ quảng cáo, v.v.. Các tài liệu nêu trên có thể đưa ra hay có những bằng chứng khác để chứng minh cho ngày công bố hoặc bộc lộ nội dung của các tài liệu đó.

c) Bộc lộ công khai dưới hình thức khác:

Việc bộc lộ bằng những hình thức khác chủ yếu đề cập tới việc bộc lộ dưới hình thức thuyết trình, trình diễn. Những ví dụ về các hình thức này bao gồm những buổi nói chuyện, báo cáo, thảo luận ở những hội nghị chuyên đề, phát sóng, truyền hình và chiếu phim, làm cho nội dung của GPKT được bộc lộ ra toàn xã hội. Băng ghi âm hay các vật mang tin tương tự được coi là phương tiện bộc lộ công khai.

Như vậy, để đảm bảo điều kiện về “tính mới” khi đăng ký sáng chế/GPHI, các start-up cần chú ý sớm hoàn thiện và nộp hồ sơ đăng ký trước khi công bố dưới bất kỳ hình thức nào nêu trên.

Tham khảo trình tự, thủ tục đăng ký SC/GPHI tại đây: http://banquyen.net/quyen-so-huu-cong-nghiep/sang-che/thu-tuc-dang-ky-sang-che/

Phòng Sở hữu trí tuệ – CIS Law Firm