Hướng dẫn nhập tịch Việt Nam cho Việt Kiều

Hiện nay, ngày càng có nhiều Việt kiều có nhu cầu trở về Việt Nam để đầu tư, làm việc, sinh sống,…Và để thuận tiện cho các hoạt động này, Việt kiều nên đăng ký nhập tịch Việt Nam, đặc biệt, nếu Việt kiều muốn đứng tên sở hữu bất động sản tại Việt Nam, thì việc nhập quốc tịch là giải pháp duy nhất để Việt kiều có thể đứng tên nhà đất.

Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn cho Việt kiều thực hiện thủ tục nhập tịch Việt Nam.

1. Nhập tịch Việt Nam là gì?

Nhập tịch Việt Nam là một thủ tục hành chính được thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam để người không có quốc tịch Việt Nam được mang quốc tịch Việt Nam.

Để được nhập tịch, Người không mang quốc tịch Việt Nam cần đáp ứng các điều kiện theo quy định của Pháp luật Việt Nam tương ứng với từng đối tượng cụ thể.

Đối với Việt kiều là người đã từng có quốc tịch Việt Nam, mà nay định cư, sinh sống ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài thì có thể nhập tịch Việt Nam, theo đó:

– Nếu Việt kiều đã thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị tước quốc tịch Việt Nam, thì có thể nhập tịch Việt Nam theo hướng dẫn trong bài viết Tại đây.

– Trong bài viết này, Công ty Luật CIS hướng dẫn thủ tục nhập tịch Việt Nam đối với Việt Kiều chưa đăng ký thôi quốc tịch Việt Nam hoặc chưa bị tước quốc tịch.

2. Nhập tịch Việt Nam có ảnh hưởng gì đến giấy tờ nước ngoài của Việt kiều không?

– Thủ tục nhập tich Việt Nam được thực hiện hoàn toàn tại các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam.

– Việt Kiều không phải thực hiện bất kỳ thủ tục nào liên quan đến quốc gia mà Việt kiều đang mang quốc tịch.

– Do đó, các giấy tờ nước ngoài của Việt Kiều vẫn có giá trị sử dụng khi thực hiện thủ tục nhập tịch Việt Nam.

3. Lợi ích khi Việt kiều làm thủ tục nhập tịch Việt Nam

Việt kiều khi làm thủ tục nhập tịch Việt Nam đồng nghĩa với việc họ là người sở hữu hai quốc tịch (hay còn gọi là song tịch) và sẽ được hưởng tất cả các ưu đãi, quyền lợi về kinh tế, chính trị, phúc lợi xã hội của cả hai quốc gia mà Việt kiều là công dân. Các lợi ích có thể kể đến như:

♦Sở hữu, đứng tên bất động sản tại Việt Nam.

– Theo quy định của pháp luật đất đai, người mang quốc tịch nước ngoài chỉ có thể mua và sở hữu nhà ở dưới dạng căn hộ chung cư hoặc nhà ở theo dự án.

– Khi Việt Kiều nhập tịch Việt Nam sẽ được quyền sở hữu, mua bán tất cả các loại bất động sản như mọi công dân Việt Nam mà không bị hạn chế nói trên.

♦Đầu tư, mở công ty một cách thuận lợi, không bị hạn chế tiếp cận thị trường:

Theo quy định của pháp luật đầu tư Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng một số điều kiện khi đầu tư tại Việt Nam, đồng thời, thủ tục đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài phức tạp và mất nhiều thời gian hơn. Trong khi đó, nhà đầu tư mang quốc tịch Việt Nam lại không phải đáp ứng những điều kiện này và thủ tục thành lập công ty cũng đơn giản và nhanh gọn hơn rất nhiều. Chính vì vậy, khi Việt kiều nhập tịch Việt Nam sẽ sở hữu song tịch cho phép Việt Kiều lựa chọn phương án đầu tư kinh doanh có lợi nhất cho mình trong việc áp dụng các quy định của pháp luật đầu tư, doanh nghiệp của Việt Nam.

♦Thuận tiện hơn trong việc xuất – nhập cảnh mà không cần xin visa hoặc thẻ thường trú, tạm trú.

Người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam cần có visa, và dù được cấp visa 5 năm thì cũng chỉ được cư trú tại Việt Nam không quá 6 tháng/lần, hết thời hạn cư trú này, Việt kiều phải thực hiện thủ tục gia hạn thời gian cư trú hoặc phải tạm xuất cảnh qua một nước khác và nhập cảnh lại vào Việt Nam. Khi có song tịch, Việt kiều nhập cảnh bằng hộ chiếu Việt Nam thì có thể ở lại Việt Nam không giới hạn thời gian. Bên cạnh đó, việc nhập cảnh bằng hộ chiếu Việt Nam cũng đơn giản hơn rất nhiều so với khi sử dụng visa nhập cảnh.

4. Điều kiện để Việt kiều nhập tịch Việt Nam

Việt Kiều được nhập tịch Việt Nam khi thỏa mãn 02 điều kiện sau:

Thứ nhất: Việt kiều có giấy tờ chứng minh đã từng có quốc tịch Việt Nam và còn giữ quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thứ hai: Việt kiều có chỗ ở hợp pháp tại Việt Nam gồm nhà thuộc sở hữu của bản thân hoặc nhà do thuê, mượn hoặc ở nhờ nhà người khác hoặc do người thân bảo lãnh.

5. Các bước xin nhập tịch Việt Nam

Để nhập tịch Việt Nam, Việt kiều phải thực hiện thủ tục gồm 04 bước như sau:

Bước 1: Việt Kiều chuẩn bị bộ hồ sơ đăng ký thường trú tại Việt Nam theo hướng dẫn tại Mục 6.

Bước 2: Sau khi chuẩn bị đủ hồ sơ ở bước 1, Việt Kiều nộp hồ sơ tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Việt Kiều có chỗ ở hợp pháp hoặc Cục Quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an.

Bước 3: Sau khi nhận hồ sơ nhập tịch của của Việt kiều, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét, đánh giá các điều kiện, và khi hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Trường hợp hồ sơ của Việt kiều đáp ứng điều kiện, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh sẽ trả lời kết quả đồng ý cho Việt Kiều về Việt Nam thường trú.

Bước 4: Sau khi có kết quả của bước 3, Việt kiều thực hiện các thủ tục như: đăng ký thường trú tại địa phương, xin cấp Căn cước công dân và hộ chiếu Việt Nam.

6. Các giấy tờ cần chuẩn bị khi nhập tịch Việt Nam

Để nhập tịch Việt Nam, Việt kiều cần chuẩn bị 02 bộ hồ sơ gồm những giấy tờ sau:

1) Đơn đề nghị về Việt Nam thường trú (Tải về mẫu ct 02).

2) Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ thường trú do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp.

3) Một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh Việt kiều có quốc tịch Việt Nam.

4) Bản sao giấy tờ chứng minh có nhà ở hợp pháp tại Việt Nam:

– Trường hợp Việt Kiều đã được sở hữu nhà tại Việt Nam thì nộp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà hoặc giấy tờ về mua, bán, tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở, hợp đồng mua nhà ở…

– Trường hợp Việt Kiều thuê, mượn, ở nhờ nhà người khác hoặc do người thân bảo lãnh thì nộp hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà; Văn bản chứng minh người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho người đó đăng ký thường trú; Giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu nhà ở của người cho thuê, mượn, ở nhờ.

7. Chi phí nhập tịch Việt Nam là bao nhiêu?

Để nhập tịch Việt Nam có các loại phí, lệ phí nhà nước cơ bản gồm:

  • Phí tra cứu, trích lục hồ sơ;
  • Phí đăng ký thường trú;
  • Phí cấp căn cước công dân;
  • Phí cấp hộ chiếu;
  • …v.v.

8. Lưu ý khi thực hiện thủ tục nhập tịch Việt Nam

– Việt kiều thường gặp khó khăn khi không đủ giấy tờ chứng minh đã từng có quốc tịch Việt Nam. Theo đó, Việt Kiều phải trích lục giấy tờ như Giấy khai sinh, Sổ hộ khẩu thường trú trước khi đi định cư tại các cơ quan có thẩm quyền. Việc trích lục này sẽ khó khăn hơn nếu thời gian đi định cư của Việt Kiều đã lâu.

– Việc trích lục hồ sơ cũ cũng có thể gặp khó khăn khi thông tin nhân thân của Việt Kiều có sự thay đổi. Ví dụ như một số Việt kiều khi nhập tịch nước ngoài sẽ lấy tên mới bằng tiếng nước ngoài và không có giấy tờ chứng minh mối liên hệ với tên cũ thì sẽ khó khăn trong việc trích lục giấy tờ và xử lý hồ sơ nhập tịch vì các giấy tờ này đều mang tên cũ.

– Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện thủ tục, cơ quan nhà nước có thể yêu cầu giải trình một số thông tin liên quan đến nhân thân người nhập tịch Việt Nam.

– Trên thực tế việc giải quyết hồ sơ nhập tịch của cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh về việc nhập tịch Việt Nam của Việt Kiều khá dài, từ 4 – 6 tháng. Do vậy, người nộp hồ sơ phải theo dõi thường xuyên tình trạng giải quyết hồ sơ để cung cấp bổ sung kịp thời các giấy tờ nếu cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh có yêu cầu.

9. Dịch vụ nhập tịch Việt Nam cho Việt kiều

Với bề dày kinh nghiệm trong việc thực hiện các thủ tục nhập tịch cho Việt Kiều, Công ty Luật CIS tự hào hỗ trợ cho nhiều Việt Kiều nhập tịch thành công.

Những lợi thế khi sử dụng dịch vụ tại Công ty Luật CIS:

  • Tư vấn điều kiện, trình tự thủ tục nhập tịch Việt Nam;
  • Dịch, công chứng dịch, hợp pháp lãnh sự các tài liệu phục vụ cho việc nhập tịch Việt Nam;
  • Trích lục, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ nhập tịch tại Việt Nam cho khách hàng;
  • Thực hiện thủ tục xin nhập tịch tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Tư vấn và thực hiện thủ tục pháp lý khác sau khi đã được cơ quan Nhà nước chấp thuận nhập tịch tại Việt Nam.

Trên đây là hướng dẫn chi tiết về thủ tục nhập tịch Việt Nam cho Việt kiều. Nếu bạn có vướng mắc về hay bạn có nội dung nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý, hãy liên hệ ngay với Luật sư của Công ty Luật CIS theo thông tin sau:

CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8581 – 3911 8582             Hotline: 0916 568 101
Email: info@cis.vn