INTER MILAN kiện DAVID BECKHAM vi phạm thương hiệu?

Vài hôm gần đây, truyền thông Italy cho biết Inter Milan – đội bóng danh tiếng của Italy đang tiến hành các thủ tục pháp lý để khởi kiện Inter Miami – đội bóng do David Beckham đồng sáng lập.

CLB bóng đá Italy này không hài lòng với việc Beckham cùng các cộng sự chọn tên “Inter Miami” cho đội bóng mới. Theo Inter Milan, cái tên “Inter Miami” đã vi phạm bản quyền thương hiệuINTER” mà họ đã đăng ký tại Mỹ vào năm 2014. Theo đó, Inter Milan với tên gọi đầy đủ là FC Internazionale Milano S.p.A, sẽ có quyền sử dụng, phát triển các sản phẩm liên quan tới tên mà họ đã đăng ký. Inter Milan cho rằng, cụm từ Inter đã quá quen với nhận diện thương hiệu của đội bóng và nhiều người chỉ cần gọi tên “Inter” là liên tưởng tới gã khổng lồ tới từ Italia.

inter-miami-milan

Vậy Inter Milan kiện Inter Miami vi phạm thương hiệu có cơ sở hay không?

Ngày 17/03/1999, F.C. Internazionale Milano S.P.A. nộp đơn đăng ký thương hiệu “FCIM INTER 1908, hình” tại Mỹ và ngày 22/04/2003 được chấp nhận bảo hộ cho lĩnh vực liên quan đến “trang phục” (nhóm 25) (có lẽ thời điểm đó thương hiệu được sử dụng trên quần áo của cầu thủ)

Ngày 18/03/2014, F.C. Internazionale Milano S.P.A nộp đơn đăng ký thương hiệu chỉ bao gồm chữ “INTER” và yêu cầu xét cấp văn bằng bảo hộ cho nhiều nhóm hơn gồm: 09, 18, 21, 24, 25, 28, 41. Hiện vẫn đang chờ kết quả của USPTO.

Ngày 28/06/2018, MIPH nộp đơn đăng ký thương hiệu “INTER MIAMI” cho các nhóm: 09, 16, 21, 25, 28, 41. Đang trong giai đoạn thẩm định nội dung của USPTO. Trong đơn nêu rõ “Miami” là yếu tố disclaimer (vì là tên địa danh).

F.C. Internazionale Milano S.P.A. cho rằng “INTER MIAMI” đang đăng ký dấu hiệu tương tự với “INTER” mà đội bóng này đã nộp đơn đăng ký trước vào năm 2014 nên đã nộp đơn phản đối cấp Văn bằng bảo hộ cho USPTO. Hiện vụ việc vẫn đang được giải quyết.

Ý kiến của một số chuyên gia về sở hữu trí tuệ:

  • Thương hiệu đăng ký sau sẽ bị từ chối nếu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với thương hiệu đăng ký trước
  • Để đánh giá thương hiệu đăng ký sau có tương tự gây nhầm lẫn với thương hiệu đăng ký trước cần phải so sánh sản phẩm/dịch vụ đăng ký và dấu hiệu đăng ký trong đơn (mẫu thương hiệu). Rõ ràng là phần lớn sản phẩm/dịch vụ đăng ký của Inter Miami (2018) là cùng loại với Inter (2014).
  • Khi xét về dấu hiệu: Trong “Inter Miami” thì Miami là tên gọi của một thành phố ở tiểu bang Florida, Hoa Kỳ, và trong đơn của MIPH cũng loại trừ yếu tố “Miami” không yêu cầu bảo hộ. Như vậy, “Inter” chính là yếu tố giúp phân biệt trong thương hiệu “Inter Miami” (2018). Do đó, “Inter” (2014) có cơ sở cho rằng “Inter Miami” (2018) là tương tự với mình.

Ý kiến khác cho rằng: “Inter” là viết tắt của “International” (quốc tế). Inter Milan tuy đã đăng ký thương hiệu “Inter” (đang chờ kết quả), nhưng không có quyền sở hữu đối với từ “Inter” này vì “Inter” được coi như một thuật ngữ mang tính mô tả đơn thuần, vốn được sử dụng bởi hàng loạt CLB lớn nhỏ trên thế giới như: Inter Nashville FC, Inter Atlanta FC, FC Inter Turku (Phần Lan), NK Inter Zapresic (Croatia), Inter Leipzig (Đức), hay Inter de Grand-Goave (Haiti)… Bởi vậy, không một đội bóng nào có thể tuyên bố sở hữu bản quyền đối với từ Inter.

Ý kiến của bạn thế nào?

Thực hiện: Phòng Sở hữu trí tuệ (CIS Law Firm)

Dữ liệu đăng ký thương hiệu được trích xuất từ USPTO (Hoa Kỳ).

———-

Mọi chi tiết xin liên hệ:

Phòng Sở hữu trí tuệ (CIS Law Firm)

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

ĐT: 028 3911 8580 – 028 3911 8581